Việt Nam diễn nghĩa (Tập IV - Kỳ 18)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập IV ' NỘI CHIẾN NAM – BẮC TRIỀU' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Tranh minh họa:

Tranh minh họa:

Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm ( 1503 - 1570))

Thế Tổ Minh Khang Thái vương họ Trịnh, tên húy là Phiến, sau đổi là Kiểm, tức là Trịnh Kiểm đã khai sinh ra lệ Vua Lê Chúa Trịnh trong lịch sử nước ta. Ông sinh ngày 24 tháng 8 năm Quý Hợi, tức ngày 14 tháng 9, 1503, niên hiệu Cảnh Thống thứ 6 tại Thôn Hổ, xã Vệ Quốc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ông vốn xuất thân trong một gia đình nghèo, thân phụ là ông Trịnh Lâu, thân mẫu là bà Hoàng Thị Dốc.

Kỳ 18.

Mạc Chính Trung để lại cho Dương Chấp Nhất 1 vạn quân, rồi đem 5 vạn quân tiến lên phía Tây Tây Đô dàn trận chờ quân Lê Trung Hưng, canh giờ sau thì nghe đất rung lên bởi bước chân người ngựa và voi, cờ vàng bay phấp phới viết chữ màu đen “Lê Trung Hưng”. Đi dưới lá cờ có chữ “Soái” là một người nho nhã dáng văn thần nhưng nom oai dũng và đầy mưu lược. Mạc Chính Trung đoán đó là Nguyễn Kim. Đi bên cạnh là một tướng khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú, cầm đại đao cưỡi con ngựa màu nâu cao lớn, Mạc Chính Trung đoán người đó là Trịnh Kiểm. Ngoài ra còn nhiều tướng trẻ oai phong lẫm liệt, dáng dấp anh hùng. Trông thấy Mạc Chính Trung mạc áo chiến bào vàng, áo giáp vàng, mũ đâu mâu vàng, Nguyễn Kim biết đó là thân vương nhà Mạc liền quát:

-Ai ra bắt bọn phản tặc cướp ngôi cho ta.

Trịnh Kiểm múa đại đao xông ra quát lớn:

-Có mạt tướng.
Mạc Chính Trung cũng múa kiếm xông ra, đánh được 20 hiệp, Mạc Chính Trung đuối sức bỏ chạy. Trịnh Kiểm và quân Nam Triều ào lên chém giết. Mạc Chính Trung không chạy về Tây Đô mà rút chạy về Ninh Bình. Quân Nam Triều thừa thắng truy kích một mạch và bao vây Tây Đô. Dương Chấp Nhất đóng cửa cố thủ. 10 ngày sau Dương Chấp Nhất lên mặt thành nói xuống:

-Ta là Dương Chấp Nhất, tổng trấn Thanh Hóa, cho ta gặp Hưng Quốc Công Nguyễn Kim.

Nguyễn Kim nói:

-Ta là Nguyễn Kim đây.

Dương Chấp Nhất chắp tay vái và nói:

-Kính chào Hưng Quốc Công, nghe đại danh đã lâu nay mới được gặp.

Nguyễn Kim nói:

-Không dám, không dám.

Dương Chấp Nhất nói:

-Trong thành đã hết lương thực, không thể cố thủ được lâu hơn, vả lại từ lâu mạt tướng cũng muốn bỏ chỗ tối về chỗ sáng, nếu mạt tướng đầu hàng thì mạt tướng và 1 vạn quân có được toàn tính mạng không?

Nguyễn Kim nói:

-Nam Triều vẫn chủ trương thu phục hiền tài để diệt trừ phản nghịch, thu phục ngai vàng và giang sơn nhà Hậu Lê. Nếu đầu hàng, tổng trấn và quân sĩ sẽ được thu nạp chiến đấu cho chính nghĩa.

-Đa tạ Hưng Quốc Công, mạt tướng sẽ kéo cờ trắng và mở của thành ngay.

Dương Chấp Nhất đi xuống. Nửa canh giờ sau trên thành Tây Đô kéo cờ trắng, cửa thành mở toang. Dương Chấp Nhất cùng một vạn quân tay không khí giới đi ra. Dương Chấp Nhất tiến về phía Nguyễn Kim chắp tay vái chào:

-Đa tạ Hưng Quốc Công tha mạng, mạt tướng tội đáng muốn chết. Từ nay sẽ hết lòng vì Nam Triều, vì sự Trung Hưng của triều Lê.

Nguyễn Kim nói:

-Miễn lễ, tổng trấn hiểu được như vậy là phúc cho Nam Triều.

-Dạ, không dám, không dám.

Nguyễn Kim liền thu nạp 1 vạn quân Mạc vào biên chế quân Nam Triều, còn Dương Chấp Nhất cho làm tướng trong quân doanh.

Sau khi Mạc Chính Trung rút ra Ninh Bình, Nam Triều lấy được Tây Đô và làm chủ toàn bộ Thanh Hóa, nối liền với Nghệ An giải phóng từ năm 1540. Vậy là đến năm 1543 Nam Triều đã có lãnh thổ là vùng đất hai trấn rộng lớn là Nghệ An, Thanh Hóa. Tiết chế Nguyễn Kim ra lệnh cho Lại Thế Khanh và Trào Quận Công Vũ Sư Thước đem quân thủy bộ trấn giữ các cửa biển trọng yếu là Thần Phù, Lạch Trường, Lạch Ghép. Trong khi đó, năm 1545 Nguyễn Kim đem toàn bộ quân thủy bộ tấn công ra Yên Mô, Ninh Bình để tiêu diệt quân Mạc, mở rộng vùng giải phóng ra đất Sơn Nam.

Trưa mùa hè năm 1545 thật là nóng nực, Nguyễn Kim sau bữa cơm trưa đang ngồi trong tổng hành dinh ở Yên Mô uống trà thì một tùy tướng bê một quả dưa hấu vào và nói:
-Dạ bẩm Thái tể Hưng quốc công Tiết chế, ngài tổng trấn Dương Chấp Nhất nhờ mạt tướng chuyển cho Tiết chế quả dưa để giải khát, trời nóng quá.

Kể từ ngày Dương Chấp Nhất quy hàng về Nam Triều đến nay đã được hai năm tỏ ra rất trung thành và cúc cung tận tụy, thường mách bảo những yếu điểm của nhà Mạc, thường dâng trà, rượu ngon, hoa quả. Những lần như vậy bao giờ Nguyễn Kim cũng cảnh giác, cho bọn tùy tướng ăn uống trước đều không việc gì. Lâu dần việc dâng hoa quả, chè rượu ngon của Dương Chấp Nhất cho hành dinh đã thành quen và không còn sự cảnh giác. Nguyễn Kim nói:

-Vậy bổ dưa ta ăn thử.

-Dạ, tuân lệnh Tiết chế.

Quả dưa trồng trên vùng đất cát Yên mô Ninh Bình nên khi bổ ra trong vỏ xanh là ruột tươi hồng hạt đen nhánh. Tên lính dâng một lát cho Nguyễn Kim. Nguyễn Kim cầm và ăn hết. Thốt nhiên ruột gan ngài đau quặn. Người lính thấy quả dưa đang hồng hào đã chuyển dần sang màu đen. Nguyễn Kim đau quá ngã vật xuống chiếc ghế tràng kỷ đang ngồi:

- Gọi thái y mau!
Những người lính cuống cuồng gọi thái y trong quân doanh. Thái y đến dùng kim thử độc chọc vào ruột dưa, kim bạc từ màu trắng ngả sang màu đen sì. Thái y bắt mạch cho Nguyễn Kim. Khi đó độc tố đã phát tác, trên cơ thể Nguyễn Kim xuất hiện những vết đen, mạch yếu dần. Trịnh Kiểm vội chạy vào, Nguyễn Kim thì thào nói:

-Thằng Dương Chấp Nhất trá hàng để hại ta và để hại Nam Triều. Con hãy thay ta làm Tiết chế tiêu diệt...

Nói chưa xong Nguyễn Kim thổ ra huyết và tắt thở qua đời.

Trịnh Kiểm ra lệnh:

-Bay đâu, đến hành dinh của Dướng Chấp Nhất bắt hắn về đây.

-Dạ.

Lát sau lính quay về báo:

-Dạ, bẩm Đại tướng Dực Quận Công, Dương Chấp Nhất đã bỏ chạy ra Đông Kinh với nhà Mạc rồi ạ.
Trịnh Kiểm ra lệnh khâm liệm thi hài Nguyễn Kim, đưa vào quan tài và phủ lá cờ vàng lên theo nghi thức quốc gia rồi báo tin cho gia đình Nguyễn Kim, báo tin cho triều đình, báo tin cho phu nhân của Trịnh Kiểm là Nguyễn Thị Ngọc Bảo và cháu ngoại là Trịnh Tùng. Trịnh Kiểm viết tấu gửi cho vua Lê Trang Tông khi đó đang ở Vạn Lại-An Trường. Cái chết của Thái sư Tiết chế Hưng Quốc Công làm chấn động Nam Triều, quân đội, tướng lĩnh và các đại thần. Trong một ngày mùa hạ năm 1545, linh cửu của Nguyễn Kim được đưa về Tống Sơn, phủ Hà Trung an táng. Các con Nguyễn Kim, trưởng nữ Nguyễn Thị Ngọc Bảo và cháu ngoại Trịnh Tùng, các con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cùng các cháu trong gia đình nội ngoại họ hàng trắng khăn tang và nước mắt xót thương. Trong hương khói bập bùng, quân đội Nam triều, các tướng lĩnh, các đại thần đều đau buồn, thương tiếc một trung thần, người có công đầu trong việc khôi phục Lê Trung Hưng, khôi phục giang sơn xã tắc nhà Hậu Lê. Vua Lê Trang Tông vô cùng đau buồn thương tiếc, coi đó là một tổn thất lớn không gì bù đắp được của Nam Triều. Lê Trang Tông truy tặng Nguyễn Kim tước Chiêu Huân Tĩnh Công, đặt thụy hiệu là Trung Hiếu.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-iv--ky-18-77649