Việt Nam diễn nghĩa (Tập IV - Kỳ 12)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập IV ' NỘI CHIẾN NAM – BẮC TRIỀU' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Tranh vẽ minh họa các công trình kiến trúc ở Đông Kinh (Thăng Long) thời Lê Sơ. Nguồn: Internet

Kỳ 12
Từ trong hàng trận quân Mạc, một tướng cao lớn cưỡi ngựa màu nâu múa đại đao xông ra, mọi người nhìn thì ra đó là tướng Phạm Tử Nghi. Bên quân Lê tướng Nguyễn Định múa giáo xông ra. Hai tướng người ngựa xáp nhau, đại đao chạm giáo tóe lửa. Đánh nhau chừng 20 hiệp, Phạm Tử Nghi đưa một nhát đại đao qua cổ, đầu Nguyễn Định đẫm máu rơi xuống đất, ngựa rống lên kéo lê thân Nguyễn Định chạy về hàng quân Lê. Quân Mạc xông lên chém giết quân Lê, một trận kịch chiến khốc liệt, thây người gục đổ, máu phun đỏ đất. Quân Lê núng thế rút lui vào hoàng thành. Cùng lúc đó quân Mạc do Mạc Đăng Dung chỉ huy tấn công từ phường Phúc Cổ vào hành điện. Vua Lê Chiêu Tông đang thiết triều thì có nội quan vào báo:

- Dạ bẩm hoàng thượng, nguy cấp, Mạc Đăng Dung sắp đánh vào hành điện.

Lại có thám mã về báo:

- Dạ bẩm hoàng thượng, quân ta giao chiến với quân Mạc ở Đông Hà thất bại và đang rút chạy.

Triều đình hỗn loạn. Bọn Lại Thế Vinh đem xa giá Lê Chiêu Tông ra Nhân Mục rồi chạy về chùa Thiền Quang, xã Thuận Mỗ, huyện Từ Liêm. Đúng lúc nguy kịch, Trịnh Tuy đã lấy quân Tam phủ Tĩnh Gia, Quảng Xương, Đông Sơn, cho thuộc tướng là Nguyễn Bá Kỷ đem 1 vạn quân ra Bắc cứu vua. Nhưng nội thần Phạm Biên xui vua Lê Chiêu Tông:

- Trịnh Tuy là người của Trần Chân đã bị hoàng thượng giết, hoàng thượng đã nhiều lần gọi không ra, nay mới cho Nguyễn Bá Kỷ ra, chắc là có ý phản loạn?

Lê Chiêu Tông vốn là người đa nghi, bất chấp đang lúc nguy nan, bố trí võ sĩ mai phục chém chết Nguyễn Bá Kỷ. Trịnh Tuy tức giận cùng Trịnh Duy Thần đem quân ra Bắc, bất ngờ đánh và bắt Lê Chiêu Tông về Thanh Hóa. Quốc Tử giám Tư Nghiệp Lê Hữu Trương chết trong khi bảo vệ vua. Về Tây Đô, Trịnh Tuy nói với Lê Chiêu Tông:

- Quân cần vương chỉ làm rối loạn thiên hạ. Hoàng thượng xuống chiếu giải tán đi, mọi người lại về cai trị ở địa phương của mình.

Lê Chiêu Tông nói:

- Nhưng còn việc diệt trừ quyền thần Mạc Đăng Dung?

Trịnh Tuy nói:

- Diệt trừ Mạc Đăng Dung đã có thần.

Lê Chiêu Tông buộc phải xuống chiếu giải tán quân cần vương. Do đó lực lượng chống Mạc ở ngoài Bắc tan rã. Thám mã về báo, Mạc Đăng Dung cười ha hả:
- Đúng là một ông vua ngu ngốc, trong lúc nguy khốn, Nguyễn Bá Kỷ đem 1 vạn quân ra giúp lại nghe lời dèm pha giết đi, nay lại giải tán quân cần vương, ta không đánh mà một lực lượng hùng mạnh chống đối ta phải tan. Đó là Lê Chiêu Tông tự hại mình và giúp cho ta. Trời cho ta thành công chuyến này. Ha!ha!ha!
Chợt có thám mã về báo:

- Dạ bẩm chúa công, có hai tướng của Trần Chân xưa là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng muốn về hàng chúa công. Mong chúa công định đoạt.

Mạc Đăng Dung mừng rỡ nói với Mạc Đăng Doanh:

- Trong số các tướng của Trần Chân và sau này theo Lê Chiêu Tông, chỉ có Nguyễn Kính và Nguyễn Áng là hai tướng giỏi nhất, lực lượng mạnh nhất, nay về với ta thì còn gì bằng. Được hai người này thì thiên hạ trong tầm tay. Cho hai tướng vào.

- Dạ, tuân lệnh chúa công.

Nguyễn Kính và Nguyễn Áng bước vào, Mạc Đăng Dung thấy hai người oai phong lẫm liệt, mắt sáng mặt vuông, tay dài. Hai người cúi đầu hành lễ:

- Kính chào Nhân Quốc Công.

Mạc Đăng Dung vội đứng dậy:

- Không dám, không dám, mời hai tướng quân ngồi. Bay đâu.

- Dạ, chúa công.

- Rót nước trà mời hai tướng quân.

Sau khi ba người cạn bát nước, Nguyễn Kính nói:

- Bẩm Nhân Quốc Công, chúng tôi vốn là thủ hạ của đại thần Trần Chân. Trần Chân lập bao công lao với Lê Chiêu Tông nhưng lại bị Lê Chiêu Tông giết hại. Khi Lê Chiêu Tông trốn khỏi kinh thành và xuống chiếu cần vương, chúng tôi vì chữ “trung” nên đành phò giúp. Nay Lê Chiêu Tông giải tán quân Cần vương, bị Trịnh Tuy đưa về khống chế ở Tây Đô, chúng tôi nguyện về với chúa công để mưu việc lớn. Không biết chúa công có chấp nhận không?

Mạc Đăng Dung cười vui vẻ:

- Hai Tướng quân là những người hiền tài của triều đình. Tôi mong hai tướng quân như hạn mong mưa để cùng mưu việc lớn. Nay hai tướng quân đã về đây thật là phúc lớn cho triều đình, cho lão phu.

Nguyễn Kính, Nguyễn Áng cúi đầu:

- Dạ, đa tạ sự dung nạp chiếu cố của Nhân Quốc Công. Chúng mạt tướng sẽ hết lòng vì Nhân Quốc Công.
Mạc Đăng Dung gọi:

- Bay đâu.

- Dạ.

- Bày tiệc rượu để ta khoản đãi hai tướng quân.

- Dạ, tuân lệnh chúa công.

Ngày 18 tháng 12 năm 1522, sau khi dẹp tan cuộc phản loạn của Giang Văn Dụ ở kinh thành, Mạc Đăng Dung đưa xa giá vua Lê Cung Hoàng về Đông Kinh. Năm 1523, Mạc Đăng Dung sai Sơn Đông Hầu Mạc Quyết, Quỳnh Kê Hầu Vũ Hộ, Dương Xuyên Hầu Vũ Như Quế đem 5 vạn quân đi đánh vua Lê Chiêu Tông ở Thanh Hóa. Trước khi tiến quân Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng tuyên chỉ phế Lê Chiêu Tông thành Đà Giang Vương.

5 vạn quân của Mạc Quyết hành quân theo đường biển vào cửa Lạch Trường và vào sông Mã, sau đó theo đường bộ tiến lên Tây Đô. Đến nơi đã thấy Trịnh Tuy và Lê Chiêu Tông dàn 3 vạn quân phía Đông thành nghênh chiến. Mạc Quyết cho dàn trận. Chiêng trống khua vang, cờ vàng bay rợp trời, quân hai bên đằng đằng sát khí, gươm giáo sáng lòa. Trịnh Tuy thét:

- Ai ra bắt bọn quyền thần phản loạn cho ta?

- Có mạt tướng.
Một tướng sử dụng long đao, cưỡi ngựa đen xông ra, nhìn thì đó là tướng Trịnh Duy Thân. Bên quân Mạc tướng Vũ Hộ cưỡi ngựa nâu múa giáo xông ra. Đánh nhau được 20 hiệp Trịnh Duy Thân bị Vũ Hộ đâm một giáo vào cổ ngã lăn xuống đất. Mạc Quyết trỏ gươm hô lớn:

- Xông lên giết.

Quân hai bên lao vào nhau giáp lá cà huyết chiến. Nửa canh giờ quân Trịnh Tuy tan vỡ. Quân Mạc bủa vây không cho quân Trịnh Tuy chạy vào thành Tây Đô. Trịnh Tuy và các tướng mở đường máu đưa vua Lê Chiêu Tông chạy khỏi vòng vây và hộ giá đưa nhà vua chạy lên miền núi Lang Chánh. Quân Mạc chiếm Tây Đô và làm chủ phần lớn Thanh Hóa. Sau chiến thắng ở Thanh Hóa, vua Lê Cung Hoàng phong cho Mạc Đăng Dung làm Tiết chế, nắm Bình chương quân quốc trọng sự. Tháng 10 năm 1525, Mạc Đăng Dung quyết tâm tiêu diệt tàn quân cùa Trịnh Tuy và Lê Chiêu Tông ở miền núi Thanh Hóa. Trịnh Tuy thua trận ốm mà chết. Vua Lê Chiêu Tông sau đó cũng qua đời. Mạc Đăng Dung sai đưa thi hài Lê Chiêu Tông về mai táng ở Vĩnh Hưng Lăng theo nghi lễ thiên tử. Vua Lê Chiêu Tông khi đó mới 21 tuổi, ở ngôi 10 năm.

Kinh đô Đông Kinh vào một ngày tháng tư năm 1527, nắng mùa hè như trải tơ mong manh xuống kinh thành. Những tán cây bàng, cây phượng vĩ xạc xào buông màu xanh trên những mái lâu đài, thành quách. Mây trắng bay nhởn nhơ trên nền trời xanh. Không xa phía Bắc đô thành, sông Hồng vẫn cuồn cuộn tuôn nước đỏ ngầu màu máu về Đông. Đường phố tấp nập người xe đi lại ngược xuôi.

Trong điện Kim Quang của Long Phượng Thành, vua Lê Cung Hoàng đang ngồi bàn việc với một số đại thần tin cậy. Ánh sáng bên ngoài lọt vào phòng rất ít nên căn phòng u tối.
Sau một lượt trà nước, vua Lê Cung Hoàng cho hết thị nữ và nội giám ra ngoài, đóng cửa lại và nói nhỏ với ba đại thần là Nguyễn Kim, Lại Thế Khanh và Lại Thế Vinh:

- Vậy là hoàng huynh Lê Chiêu Tông đã ra đi được 5 tháng rồi, mẫu hậu vẫn ngày đêm không ngớt nhớ thương đau buồn. Trẫm ngày nay ngoài dựa vào các khanh còn dựa vào Thái Phó Mạc Đăng Dung.Các khanh có kế sách gì để Mạc Đăng Dung tăng thêm lòng trung thành không?

Lại Thế Khanh nói:

- Nay Mạc Đăng Dung đã đánh dẹp được giặc Trần Cảo và các lực lượng đối lập với triều đình. Uy tín và thế lực Mạc Đăng Dung hiện rất lớn. Hiện nay, Mạc Đăng Dung đang ở Cổ Trai. Thần nghĩ hoàng thượng nên phái người đến Cổ Trai phong cho ngài ta tước vương, tước cực phẩm của quyền lực để Mạc Đăng Dung đội ơn hoàng thượng mà càng trung thành.

Nguyễn Kim nói:

- Hoàng thượng nếu thấy không an tâm, thần xin hoàng thượng đi với thần về Thanh Hóa để đề phòng biến cố xẩy ra, đi trước còn bảo vệ được long thể và còn bảo vệ cho mẫu hậu.

Lê Cung Hoàng nói:

- Ba khanh và một số đại thần còn trung thành với nhà Lê nên cáo bệnh và về Thanh Hóa trước đi, đề phòng tình thế xấu nhất thì các khanh cố gắng dấy binh, khôi phục lại giang sơn nhà Lê mà đức Thái Tổ khó nhọc trong 10 năm đánh giặc Minh mới giành lại được, các đức Thái Tông, Thánh Tông, Minh Tông khó nhọc trăm năm xây dựng, không thể để mất một cách dễ dàng. Các khanh có nhận di mệnh này của trẫm không?

Ba đại thần vội quỳ xuống và nói:

- Chúng thần nguyện ghi nhớ thực hiện di mệnh của hoàng thượng cho dù phải tan xương nát thịt.

Lể Cung Hoàng đỡ ba người dậy và nói:

- Đa tạ các khanh còn nghĩ tới triều Hậu Lê. Còn trẫm không thể bỏ đi được, thứ nhất, Mạc Đăng Dung chưa hành động mà trẫm đi thì lỗi làm mất giang sơn nhà Lê là do trẫm, thứ hai, trẫm không thể đi mà bỏ mẫu hậu lại một mình. Đó là thuộc đạo trung hiếu. Thứ ba, trẫm cũng phải minh chứng rằng trẫm không sợ chết. Có thể trẫm không thể bảo vệ được giang sơn nhà Lê nhưng trẫm sẽ lấy cái chết để nói rằng trẫm kiên quyết bảo vệ. Giang sơn nhà Lê dù có mất, nhưng trẫm tin rằng các khanh sẽ trung hưng lại được.

Vua tôi im lặng ngậm ngùi. Ba đại thần đều hiểu đã đến lúc chia tay với vua. Không biết đến bao giờ gặp lại và biết có còn gặp lại vua hay không. Bầu trời bỗng nhiên tối sầm lại như cơ đồ nhà Lê đang đến hồi sắp tắt. Ba đại thần quỳ hành lễ vua lần cuối:

- Hoàng thượng bảo trọng.

- Các ái khanh bảo trọng và nhớ thực hiện di mệnh của trẫm.

- Chúng thần tuân chỉ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-iv--ky-12-77526