Việt Nam - điểm đến của nhân sự cấp cao

Nhận mức lương khoảng 2 tỉ đồng mỗi năm kèm nhiều phúc lợi khác, tiết kiệm được nhiều hơn, ít căng thẳng hơn... là những gì mà các chuyên gia nước ngoài đang được hưởng khi đến Việt Nam làm việc

Nhân sự cấp cao là cụm từ được nhắc đến nhiều trong vài năm gần đây trong mảng tuyển dụng tại Việt Nam. Từ nhiều năm trước, nhân sự cấp cao trong các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam chủ yếu là người nước ngoài. Nhưng gần đây, nhiều người Việt đang nắm giữ những trọng trách tại các tập đoàn kinh tế lớn cho thấy bức tranh nhân sự cấp cao đang dần dịch chuyển.

Thu hút chuyên gia nước ngoài

Một báo cáo có tên Expat explorer (khảo sát chuyên gia nước ngoài) năm thứ 11 vừa được HSBC công bố cho thấy nhiều thông tin thú vị về tình hình thu hút các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam làm việc. Theo đó, Việt Nam tăng 4 bậc, từ vị trí 23 lên 19, với tư cách là một đất nước được nhiều người nước ngoài mong muốn sống và làm việc. Mức lương cho chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam là khoảng 90.408 USD/năm (tương đương 2 tỉ đồng), trong đó 31% số người được khảo sát cho biết thu nhập của họ tăng từ 25% trở lên mỗi năm.

Phỏng vấn tuyển dụng nhân sự cấp cao tại một ngân hàng ở TP HCM

Phỏng vấn tuyển dụng nhân sự cấp cao tại một ngân hàng ở TP HCM

Dù mức lương được trả không quá cao so với nhiều quốc gia khác nhưng Việt Nam có sức hấp dẫn riêng. Điều này thể hiện ở con số 72% chuyên gia cho biết chuyển đến Việt Nam giúp họ tiết kiệm nhiều hơn. Các chuyên gia trong cuộc khảo sát nói rằng họ có thu nhập ở Việt Nam cao hơn nhiều so với khi làm việc ở quê nhà. Hơn một nửa chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói rằng họ có nhiều kỳ nghỉ hơn. Nhiều người có nơi ở tiện nghi hơn, có người giúp việc riêng.

Báo cáo chỉ ra 3 lý do hàng đầu khiến người nước ngoài đến Việt Nam làm việc bao gồm tìm kiếm thử thách mới, thăng tiến nghề nghiệp và cải thiện chất lượng cuộc sống. Với tất cả nguyện vọng này, 47% chuyên gia nước ngoài đồng ý rằng Việt Nam là điểm đến thích hợp để phát triển nghề nghiệp.

Gói tuyển dụng chuyên gia nước ngoài thường đi kèm nhiều ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ chỗ ở, vé máy bay... Làm việc tại Việt Nam, theo các chuyên gia nước ngoài, cũng ít căng thẳng hơn so với ở quê nhà khi gần 40% người nói họ cảm thấy rất vui vẻ khi làm việc ở Việt Nam. Quan hệ với các đồng nghiệp chiếm đa số các giao tiếp xã hội của các chuyên gia nước ngoài, làm việc ăn ý tại công sở đồng nghĩa với việc ăn ý ở các khía cạnh khác của cuộc sống. Tất cả điều này cho kết quả 92% người nước ngoài làm việc ở Việt Nam nói họ thấy vui hoặc vui hơn so với tại quê hương.

"Báo cáo năm nay cho thấy Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn cho những chuyên gia nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội và thách thức để thúc đẩy và phát triển sự nghiệp của bản thân. Đây cũng chính là cơ hội để nhân sự Việt Nam tiếp cận, học hỏi và phát triển bản thân mình" - ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản của HSBC Việt Nam, cho biết.

Người Việt sẽ chiếm ưu thế

Đó là khẳng định của bà Tamara Boonstra, Giám đốc Michael Page Việt Nam, trong buổi chia sẻ về chủ đề "Xây dựng năng lực cho chuyên viên cao cấp Việt Nam" do Michael Page Việt Nam tổ chức mới đây. Bà Tamara cho rằng các chuyên gia nước ngoài sẽ lần lượt được thay thế bởi những nhân sự cấp cao người địa phương. Theo bà Tamara, các doanh nghiệp khi đến kinh doanh tại Việt Nam luôn chuẩn bị cho nhân viên người Việt tiến lên vị trí lãnh đạo cấp cao bởi chỉ có người bản địa mới am hiểu địa phương, mới có chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp đó.

Đồng quan điểm với bà Tamara, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc thị trường Việt Nam của Alibaba, cho biết xu hướng của các tập đoàn lớn khi đầu tư vào Việt Nam là tìm những ứng viên bản địa. Bởi người địa phương am hiểu thị trường và hành vi tiêu dùng của người địa phương nên có thể giúp doanh nghiệp thành công.

"Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao tại Việt Nam đang rất lớn, tuy nhiên, ngoại ngữ cũng là trở ngại của các ứng viên người Việt. Tôi nhận thấy hướng đi của Michale Page khá hay khi họ không chỉ là nhà tuyển dụng nhân sự cấp cao mà còn muốn thúc đẩy đào tạo để nâng tầm quốc tế cho ứng viên người Việt. Đây có thể xem là hướng đi mang nhiều giá trị cho nhân lực Việt Nam trong thời gian tới" - ông Thủy chia sẻ thêm.

“Nhân sự cấp cao người Việt vài năm trở lại đây có sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì vẫn còn quá mỏng. Nhiều vị trí cấp cao ngay trong tập đoàn Masan cũng khó tìm kiếm được nhân sự người Việt bởi yêu cầu rất lớn. Nhưng được làm việc trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài, các nhân sự tầm trung người Việt sẽ có nhiều cơ hội học tập để vươn lên các vị trí cao hơn. Đó cũng là chiến lược mà Masan đang áp dụng để từng bước nâng tầm nhân sự cấp cao tại tập đoàn” - bà Đinh Kim Nhung, Trưởng Bộ phận nguồn nhân lực Tập đoàn Masan, nhìn nhận.

Bài và ảnh: Giang Nam

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/viet-nam-diem-den-cua-nhan-su-cap-cao-20181110205732464.htm