Việt Nam: Đề xuất mục tiêu 50% trẻ em biết bơi vào năm 2025

Đến năm 2025: 90% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, các quy định về an toàn giao thông đường bộ; 50% trẻ em trong độ tuổi học sinh tiểu học và THCS biết bơi; 90% cha mẹ có kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích…

Đây là những mục tiêu quan trọng trong Dự thảo Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến góp ý hoàn thiện.

Ngày 29-10, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức Vận động chính sách toàn cầu Hoa Kỳ (GHAI) đã tổ chức Hội thảo góp ý chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Chung tay xây dựng môi trường an toàn cho trẻ

Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 hướng đến việc kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước và giao thông. Tạo môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.

Chương trình đưa ra 3 mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu xây dựng môi trường an toàn trong gia đình, trường học và cộng đồng để giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng 7 nghìn ngôi nhà thuộc các hộ có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn; 12 nghìn trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn; 400 xã, phường đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em…

Góp ý tại Hội thảo, bà Đoàn Thị Thu Huyền, GĐ quốc gia Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) khuyến nghị, cần kiện toàn và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, tăng cường giám sát, thực thi pháp luật.

Cùng với đó, thực hiện các chương trình hành động cụ thể để ngăn ngừa các loại hình tai nạn thương tích đặc thù của trẻ em. Theo đó, ưu tiên giải quyết tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước, bỏng, ngã và ngộ độc. Tăng cường và cải thiện hệ thống y tế (sơ cấp cứu, chăm sóc chấn thương trước viện, điều trị và phục hồi sau chấn thương) để phòng tránh tử vong và tàn tật do tai nạn thương tích trẻ em.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả truyền thông một cách thực chất, toàn diện, hướng trọng tâm là trẻ em. Phát huy truyền thông đa phương tiện, đặc biệt là internet trong bối cảnh đại dịch Covid-19…

Đại diện tổ chức GHAI tại Hội thảo cũng cho biết, sẽ hỗ trợ bổ sung 1,6 triệu USD dành riêng cho chương trình phòng chống đuối nước trong 2 năm tới (chiếm 28% kinh phí đề xuất cho chương trình tai nạn thương tích chung của trẻ em giai đoạn 10 năm). Đồng thời, mở rộng phạm vi thực hiện chương trình tại 12 tỉnh. “Mục tiêu của chúng tôi là dạy bơi an toàn cho ít nhất 20.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi, dạy kĩ năng an toàn trong môi trường nước cho hơn 48.000 trẻ em và đào tạo kĩ năng an toàn cho hơn 35.000 phụ huynh, giáo viên", bà Đoàn Thị Thu Huyền thông tin.

Trước đó, từ năm 2018, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu đã hỗ trợ đào tạo hơn 13.300 trẻ học bơi, hơn 17.000 trẻ học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Tổ chức này cũng dự kiến dạy bơi cho 20.000 trẻ em trong 2 năm tới.

Thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, TS Kidong Park – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội.

Theo ông Kidong Park, trong 10 năm, Việt Nam đã nỗ lực giảm được tỷ lệ tử vong trẻ em xuống 20%, đây là con số đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cần nhiều nỗ lực hơn nữa để tiếp tục giảm tỷ lệ này. Ông Kidong Park cũng bày tỏ sự tin tưởng khi tất cả các đơn vị chức năng cùng chung tay, Việt Nam sẽ nhanh chóng giảm tỷ lệ trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà: Công tác phòng, chống thương tích và đuối nước cho trẻ luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà: Công tác phòng, chống thương tích và đuối nước cho trẻ luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm.

Nguy cơ tai nạn luôn hiện hữu

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo trước đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, công tác phòng, chống thương tích và đuối nước cho trẻ luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm trong thời gian qua. Trong đó sự can thiệp để triển khai một cách đồng bộ, loại bỏ những nguy cơ gây tai nạn thương tích, xây dựng ngôi nhà an toàn, ngôi trường an toàn đã được thực hiện rất tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức. Kiến thức của cộng đồng, của cha mẹ và người chăm sóc trẻ còn hạn chế. Nguy cơ tai nạn thương tích ở gia đình, cộng đồng và trường học vẫn còn cao. Chỉ một chút bất cẩn của người lớn cũng có thể gặp phải những trường hợp rất thương tâm…

Tình hình tai nạn đuối nước của trẻ em cũng còn cao. Hàng năm, Việt Nam vẫn có 2.000 trẻ em tử vong và tử vong do đuối nước, cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Điều này ảnh hưởng tới quyền sống còn của trẻ em và cũng ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển bền vững được Việt Nam cam kết.

Do đó, Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao những kinh nghiệm được các đại biểu chia sẻ trong quá trình thực hiện chương trình trong những năm qua, ý kiến về mục tiêu, nội dung, giải pháp cụ thể và trách nhiệm của địa phương trong thực hiện chương trình vào những năm tới. Để trên cơ sở đó, các cơ quan ban ngành, xây dựng một chương trình tốt nhằm bảo vệ quyền sống còn và bảo vệ cho những trẻ em, những công dân tương lai của đất nước.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/viet-nam-de-xuat-muc-tieu-50-tre-em-biet-boi-vao-nam-2025-215632.html