Việt Nam đề xuất 5 sáng kiến hợp tác trong APEC

Sáng 20.11 năm 2016, tại Trung tâm Hội nghị Lima, Peru, Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bước sang ngày làm việc thứ hai, với sự tham dự của Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự các hoạt động tại Hội nghị.

Thúc đẩy các cơ chế hợp tác liên kết kinh tế

Tại phiên họp toàn thể thứ nhất, các nhà Lãnh đạo đã tập trung trao đổi nội dung “Các thách thức đối với tự do hóa thương mại và đầu tư trong bối cảnh toàn cầu hiện nay”. Phát biểu mở đầu phiên họp, Tổng thống Pablo Kuczynski đã nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong bối cảnh xu hướng bảo hộ gia tăng, hệ thống thương mại đa phương tiếp tục khó khăn. Tổng thống Peru Kuczynski khẳng định chủ đề Hội nghị: “Tăng trưởng chất lượng và phát triển nguồn nhân lực: Nền tảng vì tăng trưởng bền vững tại châu Á – Thái Bình Dương”, phản ánh quyết tâm chung của các nền kinh tế thành viên APEC trong việc thúc đẩy tăng trưởng chất lượng, liên kết kinh tế và thịnh vượng chung trong khu vực.

Các nhà Lãnh đạo APEC đánh giá thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức ngày càng tăng về kinh tế, chính trị và an ninh, phục hồi kinh tế thế giới tiếp tục chậm hơn dự báo. Thương mại khu vực và toàn cầu tăng trưởng chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Hội nghị nhất trí cần củng cố hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy tự do hóa, thương mại và đầu tư, cải cách cơ cấu, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy các chuỗi giá trị và kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng APEC cần nắm bắt những xu thế mới, tích cực khởi xướng, điều phối thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế trên mọi tầng nấc, trong đó có Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và cần bảo đảm tính toàn diện, cân bằng và bổ trợ giữa các tầng nấc liên kết.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các nền kinh tế thành viên cần tập trung triển khai hiệu quả Chương trình nghị sự mới về cải cách cơ cấu, Chiến lược tăng trưởng chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng chất lượng. Với nỗ lực xây dựng nhà nước kiến tạo, Việt Nam sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch hành động về cải cách cơ cấu để giảm các rào cản sau biên giới, tạo môi trường kinh doanh và điều kiện thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao

sức cạnh tranh của nền kinh tế và chất lượng nguồn nhân lực. Chủ tịch nước nêu rõ cần hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), nhất là tăng khả năng tiếp cận thị trường, tài chính và công nghệ, tham gia các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam ủng hộ các sáng kiến MSME xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

Chủ tịch Nước nhấn mạnh, với hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi tầng nấc, Việt Nam sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn, với 59 đối tác, trong đó có 18 thành viên APEC.

An ninh lương thực và kết nối hiệu quả

Chiều 20.11, diễn ra phiên họp toàn thể thứ hai với chủ đề “An ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận nguồn nước” và “Liên kết châu Á - Thái Bình Dương: Hướng tới kết nối hiệu quả và thiết thực”. Đây là những nội dung hợp tác then chốt của APEC trong năm 2016.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng biến đổi khí hậu cùng với thiên tai và sự khan hiếm nguồn nước không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, phát triển bền vững mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực trong khu vực. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, một trong những vựa lúa quan trọng của thế giới, đang chịu tác động của nạn hạn hán và xâm ngập mặn nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của hàng chục triệu người dân.

Chủ tịch nước nêu ra năm đề xuất cụ thể. Một là, các nền kinh tế APEC cần có quyết tâm chính trị và các giải pháp quyết liệt, sáng tạo để thực hiện các thỏa thuận khí hậu toàn cầu. Hai là, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và nguồn nước trên các cấp độ, bao gồm quản lý nguồn nước xuyên biên giới. Ba là, tích cực triển khai Khuôn khổ giảm nhẹ rủi ro thiên tai APEC, nâng cao tính bền vững và khả năng phục hồi sau thiên tai, chú trọng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và phát triển nông thôn bền vững. Bốn là, đẩy mạnh nỗ lực kết nối vùng sâu, vùng xa, tăng cường đối tác công-tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, viễn thông, Internet, nhất là ở những vùng kém phát triển. Năm là, APEC cần coi trọng và tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ cũng như chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong triển khai các biện pháp nêu trên nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc gắn kết các chương trình kết nối khu vực, trong đó có kết nối của ASEAN và các chương trình kết nối tiểu vùng Mê Công...

Tại phiên bế mạc hội nghị, với tư cách Lãnh đạo nền kinh tế chủ nhà APEC năm tiếp theo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được mời phát biểu về năm APEC 2017 tại Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định đăng cai Năm APEC 2017 là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, thể hiện mong muốn đóng góp tích cực vào tiến trình APEC, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng. Chủ tịch nước chào mừng các nhà Lãnh đạo và đại biểu các nền kinh tế thành viên đến tham dự các hoạt động của Năm APEC 2017 tại Việt Nam với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung".

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 đã thành công tốt đẹp, thông qua Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo APEC với hai văn kiện kèm theo gồm "Tuyên bố Lima về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương" và "Lộ trình về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ". Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì vai trò tiên phong của APEC trong tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

V.N

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/viet-nam-de-xuat-5-sang-kien-hop-tac-trong-apec-613044.bld