Việt Nam đẩy mạnh tổ chức và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 quy định tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Việt Nam đang đẩy mạnh tổ chức và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam đang đẩy mạnh tổ chức và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, lộ trình thực hiện mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người: Từ năm 2020 đến năm 2030 tăng trưởng GDP duy trì mức tăng từ 5-6% hàng năm, tăng trưởng GDP bình quân đầu người duy trì mức tăng từ 4-4,45% hàng năm; tốc độ tăng năng suất lao động duy trì mức tăng 5% hàng năm.

Kế hoạch hành động quốc gia có sự phân công cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan từ trung ương đến địa phương trong việc thực hiện các các mục tiêu phát triển bền vững.

Hội đồng phát triển bền vững quốc gia được thành lập vào năm 2005 và đã được đổi tên thành Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai thực hiện phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh ở Việt Nam.

Nhiệm vụ của Hội đồng là tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035...

Đồng thời, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các báo cáo tư vấn, kiến nghị về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; kết quả thực hiện đổi mới sáng tạo và nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia và các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Vụ Kế hoạch - Tài chính của các bộ, ngành và Sở Kế hoạch và Đầu tư của các địa phương là đơn vị đầu mối thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Một số bộ, ngành và địa phương cũng đã thành lập Ban chỉ đạo, Văn phòng phát triển bền vững hoặc cơ quan giúp việc về phát triển bền vững.

Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc giám sát thực hiện và phản biện xã hội trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động; hàng năm xây dựng báo cáo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trình Chính phủ, Quốc hội.

Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp chủ động tham gia triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động trong phạm vi chức năng, hoạt động của mình và theo sự phân công trong Kế hoạch hành động quốc gia; báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ và Quốc hội.

Tổ công tác liên ngành về mục tiêu phát triển bền vững cũng đã được thành lập nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia và các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.

Việt Nam có Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động cộng đồng doanh nghiệp tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đây là một trong những sáng kiến định hướng, tập hợp, liên kết cộng đồng doanh nghiệp nhằm chia sẻ và nhân rộng những thông lệ tốt, những mô hình kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, qua đó khẳng định vai trò tích cực của doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa 17 mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, cam kết xây dựng một thế giới tốt hơn thông qua kinh doanh tốt hơn.

Nhóm công tác về các mục tiêu phát triển bền vững của hệ thống Liên Hợp quốc tại Việt Nam cũng được thành lập nhằm phối hợp với Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Bên cạnh đó, các mạng lưới của các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các mạng lưới của các tổ chức xã hội như phụ nữ, thanh niên.

Để thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhiều diễn đàn, đối thoại được tổ chức hàng năm, trong đó, quan trọng nhất có thể kể đến như Hội nghị quốc gia về phát triển bền vững, Diễn đàn Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững và Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF).

VDPF là diễn đàn đối thoại chính sách cao cấp giữa chính phủ Việt Nam và các Đối tác Phát triển về những chính sách quan trọng mà các bên cùng quan tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.

N.T

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-day-manh-to-chuc-va-thuc-hien-chuong-trinh-nghi-su-2030-va-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-d112869.html