Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong công tác trẻ em

Năm 2022 là một năm nhiều khó khăn, song Việt Nam đã rất nỗ lực để đạt được một số kết quả tích cực trong công tác trẻ em. Đây là đánh giá do bà Lesley Miller - Phó Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bà Lesley Miller khẳng định trong năm 2022, Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong công tác trẻ em

Bà Lesley Miller khẳng định trong năm 2022, Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong công tác trẻ em

Phóng viên (PV):Bà đánh giá như thế nào về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em của Việt Nam trong năm 2022?

Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller: Năm 2022 lại là một năm khó khăn do đại dịch COVID-19. Việt Nam phải ứng phó với đợt bùng phát của dịch vào những tháng đầu năm, sau đó lại chật vật để phục hồi hậu COVID-19. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nỗ lực và đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác trẻ em.

Việt Nam đã làm rất tốt trong việc tiêm phòng COVID-19 cho người dân. Tính đến tháng 12/2022, hầu hết người dân trên 12 tuổi và hơn 90% trẻ từ 5-11 tuổi đã được tiêm liều vắc-xin cơ bản phòng COVID-19.

Năm 2022, các quy định và chính sách về bảo vệ trẻ em tại Việt Nam đã được tăng cường. Công tác phát triển ngành công tác xã hội, phối hợp liên ngành trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực trẻ em và tư pháp cho trẻ em tiếp tục được củng cố nhờ việc xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Một quy chế liên ngành cũng đã được xây dựng và đã tạo ra một khung pháp lý cho việc chăm sóc, hỗ trợ toàn diện cho trẻ em bị xâm hại.

Bên cạnh đó, công tác nâng cao, phòng ngừa và xây dựng các chương trình về sức khỏe tâm thần trong trường học cũng đã được tăng cường thông qua các chương trình tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế học đường và giáo viên nòng cốt. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng UNICEF đã tiến hành một nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Các buổi tham vấn, hội thảo và hội nghị với thanh thiếu niên cũng được thực hiện để tăng cường sự tham gia của trẻ em vào việc nâng cao sức khỏe tâm thần.

Về thách thức, cũng như tất cả các quốc gia khác, Việt Nam vẫn đang chật vật giải quyết những tác động kinh tế - xã hội sâu rộng của đại dịch COVID-19. Điều này tác động đặc biệt nặng nề tới những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất như trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em bị ảnh hưởng bởi di cư, biến đổi khí hậu hay xung đột.

Đại dịch đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của trẻ em: sức khỏe thể chất và tâm thần, dinh dưỡng, học tập, phòng, chống bạo lực cũng như tiếp cận với nước sạch và vệ sinh. Tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) đã chậm lại trên nhiều bình diện, đặc biệt là tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ trên 80% xuống còn 67% tính đến tháng 10/2022. Tương tự như vậy, tiến độ giảm bạo lực đối trẻ em đã chững lại, cụ thể là trên 72% trẻ em trong độ tuổi 1-14 bị kỷ luật bằng bạo lực ở gia đình. Đây là một thời điểm then chốt. Việc đưa tuổi thơ trở lại với mọi trẻ em đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất gặp phải những vấn đề này, nhưng điều ấn tượng là Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ và ưu tiên nguồn lực để giải quyết những thách thức này. Cần tìm ra các giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề về suy dinh dưỡng, tổn thất về học tập do trường học đóng cửa, việc trẻ em bỏ lỡ các mũi tiêm chủng thường xuyên, không được khám sức khỏe do dịch bệnh hay việc các em phải âm thầm chịu đựng sự căng thẳng, nỗi cô đơn và phải hứng chịu cả bạo lực gia đình với tỷ lệ gia tăng.

PV: Trong năm 2022, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNICEF đã đạt được những thành tựu nổi bật gì, thưa bà?

Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller: Năm 2022, UNICEF đã góp phần tăng cường năng lực của hệ thống y tế để ứng phó với đại dịch COVID-19 và những bệnh lây truyền khác. UNICEF đã mua hơn 85 triệu liều vắc-xin COVID-19 cùng vật tư tiêm chủng liên quan và thiết bị y tế. Một chiến dịch truyền thông cũng đã được thực hiện với mục tiêu nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, tăng cường triển khai tiêm vắc-xin và các đợt tiêm lưu động tới những địa bàn khó tiếp cận. Những hoạt động này không chỉ giúp đẩy mạnh chương trình tiêm vắc-xin COVID-19 của chính phủ, mà còn đẩy mạnh cả những chương trình tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em.

Thứ hai, về dinh dưỡng, UNICEF đã tích cực hỗ trợ kỹ thuật và vận động chính sách cho chính phủ, bao gồm cho Kế hoạch Hành động Quốc gia giai đoạn 2022-2025. Tại 63 tỉnh thành, UNICEF đã xây dựng năng lực lập kế hoạch và triển khai các hoạt động về dinh dưỡng, đồng thời vận động xây dựng các cơ chế tài trợ bền vững để nhân rộng những can thiệp về dinh dưỡng dựa trên bằng chứng và có tác động lớn.

Thứ ba, UNICEF cùng các đối tác đã triển khai các giải pháp sáng tạo về nước sạch và vệ sinh, tập trung vào các công nghệ thích ứng với khí hậu như nhà vệ sinh không phát thải.

Thứ tư, UNICEF đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản về bảo vệ trẻ em cho khoảng 3.500 cán bộ xã hội, giáo viên, nhân viên y tế, cán bộ làm việc cho các tổ chức quần chúng và tổ chức phi chính phủ. Hai khóa tập huấn về bảo vệ trẻ em đã được xây dựng cho các chương trình đào ngành công tác xã hội bậc đại học. Thêm vào đó, hơn 8.500 chuyên gia pháp lý và cán bộ tư pháp đã được tập huấn về cách làm việc với các trẻ em là nạn nhân, nhân chứng và vi phạm pháp luật. Qua đó đảm bảo cho hàng ngàn trẻ em nhận được các dịch vụ quản lý trường hợp, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý – xã hội và trợ giúp pháp lý do UNICEF hỗ trợ.

Cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UNICEF đã hỗ trợ nâng cao sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên, khởi đầu bằng nghiên cứu đột phá được thực hiện ở cấp quốc gia về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, đồng thời tích hợp các nỗ lực phòng ngừa và chương trình về sức khỏe tâm thần vào trường học. 150 cán bộ y tế học đường và giáo viên nòng cốt đã được tập huấn kỹ năng để hỗ trợ sức khỏe tầm thần cho học sinh. Các can thiệp của UNICEF cũng đã hỗ trợ chính phủ đảm bảo cơ hội học tập công bằng hơn cho trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em LGBTI. Chẳng hạn, UNICEF hợp tác với Thư viện Kỹ thuật số Toàn cầu (Global Digital Library) để biên soạn 160 cuốn sách kỹ thuật số có chất lượng bằng 8 ngôn ngữ dân tộc thiểu số và ngôn ngữ ký hiệu.

Cuối cùng, UNICEF đã phát huy thành công những cách làm sáng tạo và sức mạnh của phương tiện truyền thông kỹ thuật số trong các chiến dịch vận động, nâng cao nhận thức của người dân như chiến dịch truyền thông Trái tim xanh, Hành trình an toàn, Đưa tuổi thơ trở lại với mọi trẻ em và Ngày Trẻ em Thế giới.

PV: Bà có thể chia sẻ về những hoạt động quan trọng mà UNICEF dự định triển khai ở Việt Nam trong năm 2023?

Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller: UNICEF hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện quyền trẻ em để đảm bảo không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Lấy nguyên tắc công bằng làm cốt lõi, UNICEF thúc đẩy đảm bảo tiếp cận cho những nhóm dân số thiệt thòi và yếu thế nhất, đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số.

Năm 2023, UNICEF sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các ban ngành liên quan trong các lĩnh vực như sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, giáo dục, bảo vệ và trợ giúp xã hội cho trẻ em. Chúng tôi hoàn toàn cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm kiện toàn hệ thống pháp luật, chính sách và kế hoạch, nâng cao năng lực cho các đối tác, thí điểm các giải pháp sáng tạo - tập trung vào chuyển đổi số, thúc đẩy thay đổi nhận thức và chuẩn mực xã hội, huy động sự ủng hộ, hỗ trợ nhằm thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em.

Trong bối cảnh các tác động và thảm họa liên quan đến khí hậu ngày càng gia tăng, chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy các dịch vụ xã hội nhạy cảm với trẻ em và thích ứng với khí hậu, và tăng cường năng lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó sao cho hiệu quả.

Các mối quan hệ đối tác chính là chìa khóa để chúng tôi đạt được những mục tiêu này. Bên cạnh hợp tác với Chính phủ, các tổ chức quần chúng, tổ chức phi chính phủ, những người có tầm ảnh hưởng và đối tác phát triển, chúng tôi sẽ khai thác tiềm năng của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy quyền trẻ em thông qua quan hệ đối tác công – tư và trên cơ sở chia sẻ giá trị nhằm thúc đẩy chính sách thân thiện với gia đình trong doanh nghiệp và bảo vệ người lao động trẻ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

T.Lan (thực hiện)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/viet-nam-dat-duoc-nhung-ket-qua-tich-cuc-trong-cong-tac-tre-em-630098.html