'Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch Covid-19'

Đó là đánh giá của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đồng thời là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia.

Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng giai đoạn hiện nay, chúng ta ghi nhận những ca mắc xâm nhập lẫn lây ra cộng đồng. Số ca tăng, đặc biệt là những người trở về từ các quốc gia khác, trong khi tình hình trên thế giới rất phức tạp.

“Tình hình thế giới phức tạp nhưng chúng ta quyết tâm không để dịch bùng phát”, ông Phu nói.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - cũng nhận định Việt Nam đang ở giai đoạn 2 của dịch. Chúng ta phải biết được nguồn gốc chính của các ca mắc để xử lý hiệu quả.

Ngành y quyết định tổng huy động lực lượng, cả cán bộ nghỉ hưu, quyết tâm dập đại dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Thắng.

Ngành y quyết định tổng huy động lực lượng, cả cán bộ nghỉ hưu, quyết tâm dập đại dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Thắng.

Kiểm soát tốt, quyết dập tắt từ 'đốm lửa'

“Tạm thời đang kiểm soát tốt” là đánh giá của PGS Trần Đắc Phu. Ông cho biết Việt Nam đã dự trù các phương án.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích một số nước trên thế giới đã bùng phát dịch, nhưng hiện tại, chúng ta kiểm soát được tình hình nhưng không thể vì thế mà chủ quan.

Hiện, có một số đốm lửa nhưng chúng ta quyết tâm dập tắt từ sớm, không để chúng phát triển thành vụ cháy.

Còn theo PGS Nguyễn Viết Nhung, thời điểm này, số ca mắc ở nước ta chủ yếu đến từ các chuyến bay ở nước ngoài về. Những ca dưới mặt đất lây cho nhau đang được khống chế tốt. Đó là thực tế rất tích cực.

Tuy Hà Nội, TP.HCM cũng như một số thành phố còn nguy cơ, các chuyên gia đều cho rằng những biện pháp quyết liệt đang phát huy hiệu quả.

Dù đang có những thay đổi chiến lược tốt như khoanh vùng khu trú tốt hơn, nhận định lên danh sách cách ly, công nghệ thông tin tốt, chúng ta không chủ quan, lơ là.

Phòng bệnh cho người khác là bảo vệ chính mình

PGS Phu cũng cho rằng với diễn biến dịch Covid-19 hiện tại ở nước ta, nhân viên y tế có nguy cơ lây bệnh. Phải tích cực phòng để nhân viên y tế không bị lây bệnh.

Là nơi đầu ngành trong cuộc chiến đấu với căn bệnh lây nhiễm (lao phổi), PGS Nhung thấu hiểu các y bác sĩ là những người có nguy cơ lây bệnh lớn, hàng ngày đối mặt nhiều nguy hiểm. Bệnh viện là "cửa ngõ" quan trọng, luôn rình rập nguy cơ, nhất là những cơ sở tiếp nhận sàng lọc ban đầu, vì không biết trước được trong số những bệnh nhân tới khám, ai đã nhiễm virus này.

Để người ta lầm lũi cách ly, giấu bệnh, không ai biết, sẽ không được kiểm soát, gây nguy hiểm cho cộng đồng. Phòng cho người khác nhưng thực chất là cho mình.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung

Ông Nhung lấy ví dụ nhân viên y tế phải trực tiếp đo nhiệt độ cho người bệnh, tiếp xúc rất gần, dù có đeo khẩu trang. Không phải cơ sở nào cũng có thiết bị đo nhiệt độ từ xa. Do đó, các cơ sở y tế phải hết sức lưu ý. Sẽ rất đáng tiếc nếu các nhân viên y tế mắc Covid-19.

PGS Nhung khuyến cáo người dân phải bình tĩnh, hiểu biết, thực hành đúng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đó là những điều cần làm trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi các ca bệnh liên tục gia tăng.

Chuyên gia này lưu ý đeo khẩu trang chỉ là một phần phòng tránh bệnh. Người dân không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế, đến nơi ít nguy cơ chỉ cần đeo khẩu trang vải. Ngoài ra, mọi người thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, bớt nhậu nhẹt, hạn chế gặp gỡ, tăng cường giao tiếp qua điện thoại, email...

"Các biện pháp phải thực hiện đúng cách, chẳng hạn, khi sát khuẩn mà chỉ xịt một chút như xịt nước hoa thì cũng không đem lại tác dụng", ông Nhung nhấn mạnh.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng cho rằng sợ và kỳ thị là hai chuyện khác nhau. Nếu sợ bệnh, chúng ta phải hỗ trợ nhau, đừng ghét, kỳ thị mà nên tạo điều kiện để người bệnh/nghi nhiễm điều trị tốt, tránh lây lan cho cộng đồng.

"Để người ta lầm lũi cách ly, giấu bệnh, không ai biết, sẽ không được kiểm soát, gây nguy hiểm cho cộng đồng. Phòng cho người khác nhưng thực chất là cho mình. Mình không hỗ trợ người khác chính là hại bản thân mình”, ông Nhung nói.

Hiện tại, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia thực hiện các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn. Bên cạnh việc tiến hành xét nghiệm sớm, cách ly, khoanh vùng, các biện pháp khác như cấm tụ tập nơi đông người, khai báo y tế, vận động cách ly, tập trung phòng vệ cá nhân, khuyến khích người dân rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang nơi công cộng.

Ngày làm việc của nhân viên y tế ở khu cách ly dịch Covid-19 “Điều mong muốn lớn nhất là dịch bệnh được kiểm soát để những người cách ly về với gia đình, chúng tôi về nhà sau mỗi ca trực”, các điều dưỡng tại trung tâm cách ly quận 7 chia sẻ.

Hà Quyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/viet-nam-dang-kiem-soat-tot-dich-covid-19-post1061802.html