Việt Nam đã và đang bảo vệ quyền con người trên không gian mạng thông qua những luật nào?

Những thành quả của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người trên không gian mạng lâu nay đã được cộng đồng quốc tế công nhận và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển, hội nhập của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Các luật, nghị định như: Luật Báo chí 2016; Luật Tiếp cận thông tin 2016; Luật An ninh mạng 2018; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”... đều tuân thủ nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo đúng Hiến pháp năm 2013, bảo đảm quyền tiếp nhận thông tin, quyền và tự do dân chủ của cá nhân, công dân trên môi trường mạng.

Cụ thể, Luật Báo chí năm 2016 quy định quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân gồm: phát biểu ý kiến về tình hình thế giới và đất nước, tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định công dân có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được bày tỏ quan điểm, chính kiến, khiếu nại, khởi kiện, tố cao hành vi vi phạm pháp luật.

Luật An ninh mạng năm 2013 thì khẳng định nguyên tắc pháp quyền của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền được tiếp cận thông tin. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP nhấn mạnh chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân ở các vùng khó khăn có thể sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng vào việc tìm kiếm và tiếp cận thông tin.

Việt Nam đã và đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin của người dân.

Việt Nam đã và đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin của người dân.

Trên thực tế, chính phủ Việt Nam đã triển khai hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Chính phủ cũng công bố công khai hằng năm Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Chính phủ thành lập Ủy ban quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Chính phủ điện tử”; cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến, để cán bộ, cơ quan, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân; để người dân thông qua mạng internet có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, gửi ý kiến tới Đảng, chính quyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận phản ánh thông tin, kiến nghị của người dân. Ngày càng có nhiều người dùng internet, mạng xã hội để bày tỏ chính kiến, tổ chức các diễn đàn thảo luận, phản biện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gửi các góp ý, kiến nghị đến các cơ quan chức năng ở Việt Nam. Nhiều thông tin từ mạng xã hội đã được các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời.

Nhằm bảo đảm quyền được tiếp nhận thông tin của người dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam còn có nhiều chủ trương, trong đó có việc phát triển báo chí, truyền thông. Báo chí Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng và toàn diện, ngày càng thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ; là người bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, định hướng phát triển báo chí theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện đã tạo ra khả năng to lớn cho việc truyền tải thông tin của các cơ quan báo chí, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin và tiếp nhận thông tin của nhân dân trên không gian mạng.

Sự phát triển nhanh của các phương tiện thông tin đại chúng và internet cho thấy quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin ở Việt Nam đã có bước cải thiện, phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng như mọi quốc gia trên thế giới, luật pháp Việt Nam quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin và tiếp cận thông tin trong một số trường hợp, phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Việc hạn chế này nhằm tôn trọng các quyền hợp pháp và chính đáng, uy tín, danh dự của người khác; nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng và đạo đức của xã hội.

Thu Hoài

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/viet-nam-da-va-dang-bao-ve-quyen-con-nguoi-tren-khong-gian-mang-thong-qua-nhung-luat-nao-127215.html