Việt Nam đã làm gì để tự chủ vaccine ngừa Covid-19?

Trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung vaccine Covid-19 toàn cầu, việc Việt Nam cần xây dựng một chiến lược tự chủ vaccine là vô cùng cấp bách.

Trong những tháng trở lại đây, Việt Nam đang tiếp tục phải chống đỡ với làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19, với số lượng ca nhiễm tăng đột biến và ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech).

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech).

Chính vì vậy, không chỉ Việt Nam, mà tất cả quốc gia trên thế giới đều đang triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine toàn dân. Vaccine chính là “vũ khí” hữu hiệu nhất, giúp sớm dứt điểm dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường và đẩy mạnh phục hồi kinh tế.

Sớm nhận ra được sự quan trọng của vaccine, ngay từ khi Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam Đảng và Nhà nước đã có những quyết định đúng đắn, kịp thời và hợp lý, chỉ đạo ngành y tế phải sớm tìm kiếm, tiếp cận, đàm phán, trao đổi với các nhà sản xuất, đối tác phát triển, sản xuất, cung ứng vaccine phòng Covid-19 trên thế giới.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cảnh báo nguồn cung vaccine trên toàn thế giới đã, đang và sẽ còn khan hiếm. Trên thực tế, việc tiếp cận nguồn vaccine này cũng bị phụ thuộc vào vào tình hình dịch bệnh trên thế giới và khả năng của các nhà cung cấp. Mặc dù Bộ Y tế rất nỗ lực nhưng từ giờ đến cuối năm chỉ có thể nhập được một số lượng ít, không thể có vaccine tiêm đại trà cho người dân.

Nhưng “trong cái khó ló cái khôn”, những thách thức này đòi hỏi Việt Nam cần phải chủ động tự chủ nguồn cung vaccine, tích cực nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine trong nước. Tự chủ vaccine sẽ giúp Việt Nam có quyền tự quyết định số phận của mình.

Thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo 3 kế hoạch chiến lược hết sức đúng đắn để có vaccine phòng Covid-19 bao gồm: Mua vaccine, nhận chuyển giao công nghệ và nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung vaccine toàn cầu, việc Việt Nam xây dựng thành công chiến lược tự chủ vaccine là vô cùng cấp bách.

Ngày 26/6, khi đến thăm và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen tại khu công nghệ cao TPHCM - đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine Nanocovax phòng chống C-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ, chiến lược vaccine của Việt Nam bao gồm việc mua vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể; đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và tổ chức tiêm vaccine thần tốc, hiệu quả nhất. Trong đó, quan trọng nhất là làm sao có được vaccine.

Để có được vacccine phải tiếp cận bằng nhiều hướng, nhưng sản xuất được vaccine trong nước sẽ giúp giảm giá thành vận chuyển và quan trọng nhất là chúng ta sẽ giành được thế hoàn toàn chủ động.

Ưu điểm của vaccine do Việt Nam sản xuất là sự kế thừa các công nghệ đã được nghiên cứu và ứng dụng lâu đời, nên sản phẩm tạo ra có độ an toàn cao và cơ chế sinh miễn dịch tương đối rõ ràng.

Với những diễn biến khả quan này, Việt Nam hy vọng sẽ trở thành một trong những nước sớm "về đích" trong cuộc đua chấm dứt đại dịch Covid-19, cũng như trở thành một nhà cung cấp vaccine cho thế giới.

Hiện nay, Việt Nam có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 theo các hướng công nghệ khác nhau. Tuy mỗi công ty có những thế mạnh và lối đi riêng, nhưng tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung là đưa Việt Nam trở thành quốc gia chủ động nguồn vaccine trong công tác phòng chống Covid-19.

Nano Covax Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen là đơn vị đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 mang tên Nano Covax dựa trên công nghệ DNA/protein tái tổ hợp, bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ tháng 5/2020. Đây cũng được đánh giá là ứng viên vaccine tiềm năng nhất tại Việt Nam. Vaccine Nano Covax đã đi qua 2 giai đoạn của cuộc thử nghiệm và đang tiến hành giai đoạn 3. Theo đánh giá, Nano Covax có sinh miễn dịch rất tốt. Tuy nhiên việc nghiên cứu mới chỉ ở cỡ mẫu vừa phải, và cần phải tiếp tục mở rộng cỡ mẫu thử nghiệm trên diện hàng chục ngàn người. Thời gian tới, Nano Covax sẽ được triển khai thử nghiệm giai đoạn 3, đợt 1 từ đầu tháng 6/2021 với tỉ lệ 6:1 (6 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược). Theo kế hoạch, đợt 2 sẽ có khoảng 12.000 người được tiêm thử nghiệm theo tỉ lệ 2:1 (2 người tiêm vaccine, một người tiêm giả dược). Theo đại diện của công ty Nanogen, hiệu quả được đánh giá lâm sàng của Nano Covax là không hề thua kém và có phần cao hơn, so với các loại vaccine khác trên thế giới. Dù vậy, giá bán dự kiến của loại vaccine này cũng đang thấp nhất thế giới, chỉ với giá 120.000 đồng/liều vaccine. Dự kiến, Nanogen có thể cung cấp 50 triệu liều đến tháng 12/2021 và 100 triệu liều vào năm 2022, đảm bảo cung cấp đủ vaccine để Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng vào quý II năm 2022.

Covivac Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) đã chủ động hợp tác với một số trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế để nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng dịch Covid-19 dựa trên công nghệ vaccine vector Newcastle (NDV). Vaccine Covivac được gắn gen mã hóa Protein S của virus SARS-CoV-2 lên virus cúm Newcastle Lasota không gây bệnh trên người, chủng sản xuất vaccine mang mã hiệu “NDV-HXP-S” được nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Sản phẩm vaccine Covivac là dạng dung dịch, toàn hạt virus tinh khiết, bất hoạt, không có chất bảo quản Merthiolate, được bảo quản ở nhiệt độ 2°C đến 8°C. Các kết quả ban đầu đều đang diễn ra theo hướng tích cực. Dự kiến sau khi có kết quả đánh giá giữa kỳ của giai đoạn 1, vào tháng 7 sẽ chuyển sang giai đoạn 2. Giai đoạn 2 sẽ nghiên cứu tính an toàn và tính sinh miễn dịch trên 2 nhóm vaccine với các mức liều cho kết quả tốt nhất chọn được từ giai đoạn 1. Giai đoạn này sẽ được thực hiện tại tỉnh Thái Bình với khoảng 300 tình nguyện viên. Giai đoạn 3 dự kiến được triển khai cuối năm 2021. Nếu các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thuận lợi, cho kết quả tốt, Covivac có thể được cấp phép sử dụng vào đầu năm 2022, với công suất khoảng 6 triệu liều/năm và có thể mở rộng công suất sản xuất lên 30 triệu liều. Giá thành phẩm của vaccine Covivac sau khi tính toán đủ chi phí sẽ không vượt quá 60.000 đồng/liều.

Vaccine của Vabiotech Ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đội ngũ nghiên cứu của Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã phối hợp với nhóm nghiên cứu của trường Đại học Bristol của Anh để nghiên cứu và phát triển vaccine phòng Covid-19. Vaccine của hãng này phát triển dựa trên công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus Baculo. Theo Vabiotech, hướng nghiên cứu này khác với vaccine NanoCovax và Covivac nên có bước chậm hơn, nhưng đến nay các kết quả trong phòng thí nghiệm đều rất lạc quan. Ưu điểm của vaccine này là khi phát triển thành công thì có thể điều chỉnh rất nhanh khi có biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Đầu tháng 4/2021, Vabiotech dự kiến triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine ngừa Covid 19. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, vaccine này sẽ được thẩm định và thông qua đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2 trong tháng 7/2021. Gần đây nhất, Vabiotech đã kí thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine phòng Covid-19 Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7/2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.

Vaccine của Polyvac Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac) đang nghiên cứu sản xuất vaccine bằng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus sởi. Đơn vị này cũng đang trao đổi với quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga về phương án hợp tác sản xuất vaccine theo công nghệ của vaccine Sputnik V. Tuy nhiên, Polyvac hiện chưa có thử nghiệm lâm sáng sản phẩm ngừa Covid-19 mà họ tham gia nghiên cứu. Tháng 12/2020, Polyvac đã ký Thỏa thuận Bảo mật với Công ty Cổ phần Quỹ Đầu tư Trực tiếp (DIRF) của Liên bang Nga với mục đích thực hiện sản xuất và phân phối vaccine Sputnik V tại Việt Nam. Sau các cuộc đàm phán với sự tham dự của đại diện của Bộ Y tế Việt Nam, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, Polyvac, RDIF và Viện Nghiên cứu Gamalaya, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác và phía Nga đã ủy quyền cho Polyvac là đơn vị đăng ký, nhập khẩu, phân phối vaccine Sputnik V tại Việt Nam; sản xuất vaccine Sputnik V tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu sử dụng tại Việt Nam và xuất khẩu.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-da-lam-gi-de-tu-chu-vaccine-ngua-covid-19-150661.html