Việt Nam đã đột phá trong định hình các kế hoạch cho tương lai ĐBSCL

Đây là nhận định của bà Cora Van Nieuwenhuizen, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và môi trường Vương quốc Hà Lan, Chủ tịch phân ban Hà Lan trong Ủy ban Liên Chính phủ (UBLCP) Việt Nam-Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và quản lý nước tại phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban ngày 9/4 tại Hà Nội.

Bà Cora Van Nieuwenhuizen phát biểu tại phiên họp lần thứ 7 của UBLCP hai nước về thích ứng với BĐKH và quản lý nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bà Cora Van Nieuwenhuizen phát biểu tại phiên họp lần thứ 7 của UBLCP hai nước về thích ứng với BĐKH và quản lý nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo bà Cora Van Nieuwenhuizen, kể từ sau phiên họp lần thứ 6, hợp tác giữa hai nước về thích ứng với BĐKH và quản lý nước đã có những bước phát triển rất quan trọng.

“Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, trong đó thể hiện sự tinh tế trong việc định hình các kế hoạch cho tương lai của ĐBSCL”, Chủ tịch phân ban Hà Lan trong UBLCP khẳng định.

Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 120, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát, ban hành một số cơ chế, chính sách về quy hoạch liên kết vùng, chuyển đổi quy mô lớn vùng ĐBSCL; đồng thời xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết.

“Nghị quyết số 120/NQ-CP là một bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận của Chính phủ Việt Nam trong việc định hình các kế hoạch dài hạn vì tương lai phát triển bền vững của ĐBSCL”, bà Cora Van Nieuwenhuizen nói.

Hỗ trợ toàn diện cho Việt Nam

Theo bà Cora Van Nieuwenhuizen, về tổng quan, Hà Lan nỗ lực hỗ trợ Việt Nam trong 3 lĩnh vực.

Thứ nhất là hệ thống quản trị với các hoạt động nhằm cải thiện phương thức quản lý, lập kế hoạch tổng hợp, phối hợp các hoạt động ưu tiên và tài trợ dài hạn đối với các thách thức trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước.

Thứ hai là kiến thức với các hoạt động về chia sẻ, trao đổi kiến thức và giúp các trường đại học cải thiện chương trình giảng dạy.

Thứ ba là về các hoạt động thí điểm và thực tiễn mới bao gồm xây dựng các dự án nhỏ về quản lý tài nguyên nước có thể được nhân rộng và từ đó xây dựng các chính sách.

Trên cơ sở đó, Hà Lan hợp tác với Việt Nam theo 3 phương thức.

Đầu tiên là hỗ trợ tài chính. Hà Lan đầu tư hàng triệu euro vốn ODA vào cơ sở hạ tầng quản lý tài nguyên nước.

Phương thức thứ hai là hỗ trợ kỹ thuật. Đây là những dự án dài hạn nhằm xây dựng năng lực của các tổ chức và công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước của Việt Nam.

Phương thức thứ ba là tư vấn chiến lược. Các chuyến công tác ngắn hạn của các chuyên gia Hà Lan sẽ hỗ trợ quá trình ra quyết định về các vấn đề kỹ thuật hoặc quản trị có tính phức tạp cao.

“Cả ba phương thức này cung cấp các lựa chọn nhằm tăng cường các hoạt động hợp tác song phương của chúng ta”, bà Bộ trưởng nói.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước hết phải thích nghi với BĐKH

Theo bà Cora Van Nieuwenhuizen, trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, cả Việt Nam và Hà Lan đều đã nhận ra rằng thế giới đang hứng chịu tác động rất lớn của BĐKH: “Chúng ta sẽ phải đối mặt với mực nước biển dâng cao và những cơn bão mạnh hơn, xói mòn ngày càng tăng, và cả hạn hán. Lưu lượng nước từ các con sông cũng đang thay đổi và việc xây dựng đập ở thượng nguồn và đê ở hạ lưu có thể làm trầm trọng thêm những tác động đó”.

Theo đó, cả hai quốc gia Việt Nam và Hà Lan đang phải đối mặt với những thách thức to lớn về quản lý nguồn nước và thích ứng với BĐKH. Những thách thức nêu trên đòi hỏi một nhận thức có tính cấp thiết cao trong xây dựng các giải pháp cũng như trong việc ra quyết định và quá trình thực hiện.

“Không làm gì giờ đây đã không còn là một lựa chọn. Thay vào đó, chúng ta cần phải thích nghi”, bà Chủ tịch phân ban Hà Lan trong UBLCP nói và khẳng định: “Sự xâm nhập mặn ngày càng tăng không phải là vấn đề nếu chúng ta giúp nông dân thích nghi với sự thay đổi nguồn nước. Khả năng thích ứng thấp với BĐKH hiện là thách thức lớn. Đối với thách thức này, chúng ta cần liên tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các giải pháp dựa vào thiên nhiên, khả năng phục hồi và khả năng bảo vệ”.

Sụt lún ĐBSCL là mối đe dọa

Theo bà Cora Van Nieuwenhuizen, sụt lún đất ở ĐBSCL cũng như một số khu vực đồng bằng của Hà Lan đang thực sự trở thành “mối đe dọa sự tồn tại” của các khu vực đồng bằng này.

Tại phiên họp UBLCP lần thứ 6 (Hà Lan năm 2017), hai bên đã thảo luận về các mối đe dọa về sụt lún và nước ngầm ở ĐBSCL và đã trình bày các kết quả nghiên cứu. Thành phố Cần Thơ sẽ là trở thành vùng ven biển trong 50-70 năm tới. Đối với Việt Nam, điều này có nghĩa là mất rất nhiều đất nông nghiệp và khu công nghiệp, cùng với đó sẽ xảy ra di dân hàng loạt.

“Các tác động nêu trên là lý do mà chúng ta được tập hợp ở đây hôm nay để nói về các chính sách và biện pháp phù hợp”, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và môi trường Vương quốc Hà Lan khẳng định.

Xuân Tuyến-Đoàn Bắc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/viet-nam-da-dot-pha-trong-dinh-hinh-cac-ke-hoach-cho-tuong-lai-dbscl/363221.vgp