Việt Nam đã đạt những thành công to lớn về kinh tế

Bộ trưởng Thương mại và đặc trách EU của Thụy Điển Ann Linde sẽ dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Thụy Điển lớn nhất từ trước đến nay thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4-6/10. Trong chương trình dự kiến, đoàn sẽ làm việc với Bộ Công Thương và gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam để trao đổi về các cơ hội hợp tác kinh doanh. Trước thềm chuyến thăm, bà Bộ trưởng đã có bài viết chia sẻ về những ưu tiên của Thụy Điển trong thương mại với Việt Nam. Báo Công Thương điện tử xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

Bộ trưởng Thương mại và đặc trách EU của Thụy Điển Ann Linde sẽ dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Thụy Điển thăm chính thức Việt Nam

Bộ trưởng Thương mại và đặc trách EU của Thụy Điển Ann Linde sẽ dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Thụy Điển thăm chính thức Việt Nam

Việt Nam và Thụy Điển có một mối quan hệ ngoại giao độc đáo và lâu dài. Trong những thập kỷ qua, chúng ta đã chuyển từ hợp tác phát triển sang một giai đoạn mới của sự hợp tác, trở thành những đối tác thương mại tin cậy của nhau. Trong khi hai nước chúng ta ở cách xa nhau về mặt địa lý, chúng ta cùng chia sẻ niềm tin rằng quản trị nhà nước tốt, tôn trọng pháp luật và các quyền cơ bản của con người và tuân thủ các hệ thống dựa trên luật lệ quốc tế được xác định các yếu tố quan trọng để phát triển. Việt Nam đã đạt được những thành công to lớn trong phát triển kinh tế và đã nhanh chóng tiến lên trên con đường phát triển. Ngày hôm nay, Việt Nam là một quốc gia với một thị trường có tiềm năng đáng kể.

Tháng 12/2015, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã ký tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Khi triển khai thực hiện, EVFTA là một trong các FTA tham vọng và toàn diện nhất mà EU đã từng ký kết với một nước đang phát triển. Nó cho thấy cách tiếp cận năng động của Việt Nam trong việc theo đuổi hội nhập quốc tế vì lợi ích của người dân Việt Nam. Nó sẽ giúp Việt Nam thành công trong hội nhập sâu rộng như một nền kinh tế thị trường vào nền kinh tế toàn cầu.

Cũng giống như Việt Nam, Thụy Điển là một quốc gia luôn ủng hộ thương mại tự do. Những lợi ích kinh tế và xã hội của các quốc gia phụ thuộc vào một thể chế thương mại toàn cầu dựa trên nền tảng của sự minh bạch, các quy tắc đã định và sự cởi mở. Đối với chúng tôi, tự do thương mại là con đường duy nhất để tiến về phía trước.

Trong khi tự do thương mại có thể là vấn đề không cần phải bàn cãi của cả Việt Nam và Thụy Điển, nó ngày càng bị chỉ trích ở những nơi khác. Ngày hôm nay, chúng ta thấy một xu hướng mà trong đó người ta đang đòi hỏi những cánh cửa, những cánh cửa chúng tôi đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ để mở ra, bây giờ buộc phải đóng chặt lại đối với cả con người và thương mại với phần còn lại của thế giới. Một số người cảm thấy rằng công ăn việc làm của họ đang bị triệt tiêu bởi sự cạnh tranh và sự phát triển công nghệ trên toàn cầu - và vì thế cuộc sống của họ đang đối mặt với thách thức.

Chính phủ Thụy Điển hiểu sự thất vọng đó. Về cơ bản, đó là sự bất bình đẳng đang gia tăng, sự thiếu cảm giác an toàn và thiếu những phúc lợi đầy đủ. Tình trạng trì trệ hoặc thậm chí cắt giảm lương là một thực tế cho nhiều nhân công ở nhiều nơi ở cả EU và Mỹ. Đồng thời, hệ thống phúc lợi cho những người bị mất việc làm thường rỏ ra quá yếu kém.

Nhưng việc đổ lỗi cho thương mại và phát triển không chỉ là cách tiếp cận sai, mà đó còn là một cách tiếp cận nguy hiểm. Các mô hình của Thụy Điển cho thấy sự phát triển và an ninh đồng hành cùng nhau. Những người tiến bộ không lo sợ tiến bộ. Ở Thụy Điển, các phong trào lao động thừa nhận rằng chuyển đổi cơ cấu của thị trường lao động là tốt cho người lao động. Người lao động cạnh tranh trên cơ sở các kiến thức và kỹ năng, đồng nghĩa với việc xây dựng các doanh nghiệp đủ cạnh tranh toàn cầu là điều cần thiết. Nếu không có tự do thương mại, Thụy Điển không chỉ có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội việc làm tốt, mà còn mất đi sự cạnh tranh toàn cầu. Về mặt dài hạn, những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả và không mang lại lợi nhuận là những gánh nặng cho những người lao động phải nộp thuế và gánh nặng chung cho cả xã hội.

Việc chuyển đổi cơ cấu trong những thập kỷ gần đây đã giúp Thụy Điển trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp phát triển và sáng tạo hàng đầu thế giới. Kể từ năm 2014, 120.000 việc làm mới đã được tạo ra ở Thụy Điển. Ngày hôm nay, 1,3 triệu người Thụy Điển đang được tuyển dụng trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ các công việc xuất khẩu - chiếm đến một phần ba lực lượng lao động Thụy Điển.

Chính phủ Thụy Điển đã thông qua một chiến lược xuất khẩu đầy tham vọng nhằm gia tăng thương mại và thúc đẩy sự tham gia của các công ty Thụy Điển trong nền kinh tế toàn cầu. Thương mại song phương và đầu tư trong khu vực Đông Nam Á - đầu tàu tăng trưởng của thế giới là một phần quan trọng của mục tiêu này. Là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới, Việt Nam có một vai trò quan trọng trong khu vực. Với việc thực hiện một Hiệp định thương mại tự do tiến bộ, trao đổi thương mại giữa Thụy Điển và Việt Nam, cùng với đó là đầu tư từ các công ty Thụy Điển đến Việt Nam, chắc chắn sẽ mở rộng và phát triển.

Tăng cường thương mại sẽ có lợi cho cả Việt Nam và Thụy Điển, cũng như toàn bộ khu vực Đông Nam Á, bằng cách tạo ra nhiều việc làm mới và thúc đẩy xã hội phát triển thịnh vượng hơn. Thụy Điển ủng hộ triển khai trong thời gian sớm nhất có thể Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam, nhất là khi hiệp định tạo thành khuôn khổ quan trọng đối với khả năng của một hiệp định thương mại tự do cấp khu vực trong tương lai giữa EU-ASEAN. Trong khía cạnh này, Việt Nam đang dẫn đầu trong khu vực. Quan hệ đối tác tăng cường sẽ cho phép chúng ta giải quyết tốt hơn những thách thức trong tương lai trên con đường hướng tới xã hội phồn thịnh, dân chủ và công bằng.

Tôi rất vinh hạnh đến thăm chính thức Việt Nam trong ba ngày vào đầu tháng 10. Đi cùng với tôi là một đoàn doanh nghiệp lớn nhất bao gồm những công ty Thụy Điển chưa có mặt tại đây, để tìm hiểu thêm về thị trường Việt Nam, trao đổi về đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững cũng như làm thế nào Thụy Điển và Việt Nam có thể hợp tác hướng tới thương mại cởi mở hơn và tự do hơn, vì lợi ích của cả hai nước chúng ta.

Thụy Điển vững tin rằng, chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy thương mại cởi mở, tự do hơn thông qua một chương trình nghị sự tiến bộ về thương mại tự do, nhưng đồng thời hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đối với chúng tôi, có một ngầm định rằng trong chính sách thương mại, chúng ta luôn phải tranh đấu cho những quyền cơ bản của con người, cho môi trường, cho sức khỏe cộng đồng và cho một không gian đổi mới. Dựa trên cách tiếp cận này, thúc đẩy thương mại tự do sẽ mang lại sự thịnh vượng cho tất cả chúng ta.

Ann Linde - Bộ trưởng Thương mại và đặc trách EU của Thụy Điển

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-da-dat-nhung-thanh-cong-to-lon-ve-kinh-te-76135.html