Việt Nam đã có thể xuất khẩu công nghệ blockchain

Thay vì cần phải đầu tư dây chuyền máy móc, chuẩn bị nguyên vật liệu, vốn lưu động như các sản phẩm vật lý, việc tạo ra các giải pháp công nghệ và xuất khẩu các giải pháp này giúp Việt Nam trở nên bình đẳng trong cuộc cạnh tranh với các nước khác.

Ảnh minh họa.

Nếu so sánh với các công nghệ lưu trữ thông tin truyền thống, việc lưu trữ bằng blockchain hiện nay đang mang lại rất nhiều ưu điểm. Trong đó có thể kể tới khả năng bảo mật dữ liệu, khả năng đáp ứng hoạt động cao.

Do đó, công nghệ này hoàn toàn có thể áp dụng cho các hoạt động liên quan đến chính phủ. Mới đây một doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với chính phủ Lào về nghiên cứu, triển khai hệ thống định danh điện tử sử dụng công nghệ blockchain.

Hệ thống định danh điện tử có thể hiểu là hệ thống lưu trữ thông tin của mọi người dân được số hóa, cho phép lưu trữ toàn bộ các dữ liệu như thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, thông tin ý tế tại một nơi.

Ông Vũ Trường Ca, đồng sáng lập Lina Group cho biết: “Công nghệ blockchain hiện nay có thể số hóa dữ liệu một cách nhanh chóng, giúp cho dữ liệu có tính bảo mật cao và an toàn, đây là yếu tố mà chúng ta không thể phủ nhận.

Với cách lưu trữ dữ liệu phân tán, chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ thông tin theo phương thức hàng ngang trong chuỗi khối mà không cần bên thứ ba can thiệp vào vấn đề quản lý. Mọi thông tin chia sẽ từ người dùng sau khi được định danh điện tử bằng blockchain được xem như một hồ sơ công khai trên nền tảng kĩ thuật số”.

Đối với chính phủ sử dụng công nghệ blockchain trong định danh công dân, các dữ liệu được lưu trữ bằng công nghệ này cho phép truy xuất dữ liệu với tốc độ rất nhanh, minh bạch hoàn toàn nhờ đặc tính không thể sửa đổi.

Ngoài ra bên thứ 3 tham gia quản lý có thể tham gia quản lý mà không sợ lộ thông tin người dân.

Nếu so sánh với việc xuất khẩu các sản phẩm vật lý, mỗi doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị về máy móc, nguyên liệu sản xuất, vốn lưu động thì với các sản phẩm giải pháp công nghệ, việc cần chuẩn bị duy nhất là hoàn thiện giải pháp của mình phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Theo đại diện Lina Group, khoảng cách trong lĩnh vực blockchain giữa Việt Nam và các nước hàng đầu trong lĩnh vực không phải quá lớn.

Việc chọn thị trường Lào làm điểm xuất khẩu công nghệ có những thuận lợi khá lớn. Cụ thể với dân số chỉ khoảng 7 triệu người, Lào có thể nhanh chóng triển khai và áp dụng công nghệ mới trong quản lý nhà nước về dân cư.

Sau khi áp dụng thành công cho chính mình, Lào cũng có thể tiếp tục chuyển giao công nghệ cho quốc gia khác.

Trên thế giới cũng đã có những nước, vùng lãnh thổ áp dụng blockchain trong công tác quản lý này như Dubai, Estonia. Những khu vực này cũng có những thuận lợi như Lào là dân số thấp, dẽ áp dụng công nghệ quản lý mới.

Thế nhưng không phải không có những khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam đưa công nghệ của mình ra quốc tế.

Theo ông Boviengkham Vongdala, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lào, thách thức hiện nay đối với việc áp dụng công nghệ mới với Lào chính là nguồn nhân lực.

Cũng theo Bộ trưởng, sau khi có con người, Lào sẽ tiếp tục chuẩn bị về pháp lý và các quy định pháp luật cho lĩnh vực này.

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/viet-nam-da-co-the-xuat-khau-cong-nghe-blockchain-3455538.html