Việt Nam: 'Cứ điểm an toàn và phát triển của dòng vốn FDI'

Tính đến tháng 12/2020, trải qua 33 năm phát triển và thu hút FDI, cả nước đã có 33.070 dự án, vốn đăng ký hơn 384 tỷ USD với số vốn thực hiện đạt 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn còn hiệu lực...

Sự kiện Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 diễn ra ngày 26/4. (Ảnh: Vietnam+)

Sự kiện Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 diễn ra ngày 26/4. (Ảnh: Vietnam+)

“Thu hút vốn FDI thời gian tới phải chọn lọc hơn, hướng tới việc lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, theo chủ chương của Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị. Dù vậy, Việt Nam phải thích ứng, chủ động, sáng tạo và đón kịp dòng chảy của làn sóng FDI thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, trong bối cảnh cạnh tranh FDI khốc liệt và những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.”

Nội dung trên được Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương-Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội,” do Bộ Ngoại giao và Vietnam Economic Times phối hợp tổ chức, ngày 26/4.

“Lá phiếu” ủng hộ

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam vừa kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 đồng thời vừa trải qua một năm 2020 đầy sóng gió. Song, năm 2020 vẫn được xem là năm thành công trong giai đoạn 5 năm với mức tăng trưởng dương 2,91%. Theo đó, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn tại châu Á với giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhất thế giới, cụ thể tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong top 100 “thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.”

Tính đến tháng 12/2020, trải qua 33 năm phát triển và thu hút FDI, cả nước đã có 33.070 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 384 tỷ USD với số vốn thực hiện đạt 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Bên cạnh đó, khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, số thu nộp ngân sách Nhà nước cũng tăng đều qua các năm. Khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với mức đóng góp vào GDP tăng đáng kể.

“Số vốn đăng ký và vốn thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 tăng mạnh so với trước đó. Đặc biệt là năm 2020, mặc dù tình hình rất khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng vào thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam, triển khai mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh.” Phó thủ tướng nhấn mạnh: "Đây chính là 'lá phiếu' ủng hộ Chính phủ, bộ ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính hiện đại, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp chung tay vì một Việt Nam thịnh vượng."

Để đạt được những kết quả như trên trong gần hai năm đối mặt với COVID-19, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ mặc dù hoạt động xúc tiến đầu tư cả trong nước và nước ngoài đều gặp khó khăn, tuy nhiên rất nhiều ý tưởng sáng tạo đã được thúc đẩy triển khai thành công trên thực tiễn. Kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài không chỉ giữ vững động lực tăng trưởng tại các địa phương mà còn thể hiện tinh thần đồng hành sát cánh với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức.

Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương-Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội,” do Bộ Ngoại giao và Vietnam Economic Times phối hợp tổ chức, ngày 26/4. (Ảnh: Vietnam+)

“Về phần mình, trong nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao cũng chủ động, tích cực đẩy mạnh nhiều chuỗi hoạt động thiết thực hỗ trợ kết nối các địa phương với các đối tác quốc tế, triển khai đồng đều cả trong nước và ở nước ngoài. Theo đó, Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2021 là sự kiện quan trọng tiếp nối những nỗ lực của Bộ Ngoại giao và Vietnam Economic Times trong sứ mệnh thúc đẩy kết nối, cập nhật và trao đổi thông tin, tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan, mở rộng hợp tác, tạo sức mạnh cộng hưởng cùng vượt qua thách thức, hướng tới các mục tiêu thịnh vượng và phát triển bền vững,” ông nói.

Cơ hội song hành cùng thách thức

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đang ẩn chứa nhiều cơ hội để Việt Nam có thể cất cánh mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn mới. Theo ông, sự hủy diệt hay tái thiết đều sinh mới sẽ có thể mở thêm những cơ hội phi thường, bên cạnh thách thức lớn lao và tin tưởng thành công sẽ đến với các chủ thể bản lĩnh, hiểu biết và chủ động thích ứng với bối cảnh.

“Các khu vực kinh tế của Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước định hình rất rõ ràng về vai trò và sứ mệnh đóng góp. Trên cơ sở chủ trương định hướng và nền tảng pháp lý hiện hành, khu vực kinh tế FDI, cộng đồng doanh FDI có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để cùng hoạt động hiệu quả và đóng góp vì sự phát triển các địa phương và nền kinh tế Việt Nam,” ông Lộc đưa ra quan điểm.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc. (Ảnh: Vietnam+)

Tại phiên thảo của Diễn đàn, nhiều lãnh đạo địa phương cùng đại diện các hiệp hội xúc tiến thương mại và doanh nghiệp bàn thảo và đánh giá về các dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng những thay đổi của bối cảnh kinh tế thế giới mới, cũng như tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). `

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham), Hiệp hội doanh nghiệp Anh (Britcham) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) có chung đánh giá các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đang thực thi đã tạo sức hút lớn đối với các dòng đầu tư nước ngoài từ các thị trường hưởng lợi trong các hiệp định này. Thương hiệu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên đáng kể trong giai đoạn vừa qua, là tiền đề quan trọng để giai đoạn tới các “cơ duyên” hợp tác của các địa phương với các nhà đầu tư cũng như giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam hiệu quả.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) và Trường đại diện Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO Hà Nội) đánh giá cao và cho rằng Việt Nam là “cứ điểm an toàn và phát triển.” Sự chuyên nghiệp và minh bạch tạo thuận lợi của các địa phương đang tạo động lực lớn để các nhà đầu tư dịch chuyển, mở rộng đầu tư những dự án ‘đầu não’ với hàm lượng công nghệ cao tại Việt Nam.

Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng nhìn nhận bên cạnh những thành tựu quan trọng, khu vực đầu tư nước ngoài cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó phải kể đến mức độ kết nối và lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp. Việc thu hút và chuyển giao công nghệ từ FDI đến khu vực đầu tư trong nước vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Ngoài ra, thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế cũng như hiện tượng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về đầu tư hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường...

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tập trung giải quyết 4 vấn đề: Thứ nhất, quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị xã hội ổn định, đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường và đại dịch COVID-19 vẫn còn là “ẩn số” khó đoán định.

Thứ hai, tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị Nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế, nhất là tính minh bạch.

Thứ tư, song song với việc thu hút đầu tư, các địa phương sẽ tổ chức, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án với tốc độ nhanh nhất, thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất thông qua cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính và đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng…

“Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn lâu dài, tôn trọng pháp luật và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Thời gian tới, khu vực FDI sẽ vẫn tiếp tục là một động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa khát vọng, phồn vinh của Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò nhà kiến tạo, phát triển” Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021. (Ảnh: Vietnam+)

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-cu-diem-an-toan-va-phat-trien-cua-dong-von-fdi/708927.vnp