TP Hồ Chí Minh: Phải vượt qua thách thức nào để hồi phục kinh tế?

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa chủ trì Hội thảo trực tuyến 'Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế xã hội', với sự tham gia của các chuyên gia y tế, các nhà khoa học, kinh tế hàng đầu.

Tạo nguồn lực cho ngân sách

Cho ý kiến về giải pháp hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố (TP) cần dùng đòn bẩy kinh tế, cho phép các doanh nghiệp tự chủ kiểm soát dịch bệnh. Mặt khác, không cách ly F1 nếu đã tiêm 2 mũi vắc xin, chấp nhận tình hình dịch bệnh diễn tiến trong tầm kiểm soát.

Phải luôn xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để tham mưu cho lãnh đạo TP và có giải pháp kiểm soát can thiệp kịp thời. Chúng tôi tin rằng, nếu thực hiện tốt 5 K, đảm bảo yếu tố dịch tễ thì hoàn toàn phát triển kinh tế và an toàn sức khỏe người dân”- PGS.TS Đỗ Văn Dũng đề xuất.

Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CTV

Theo đánh giá của PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Luật, hai mặt hàng gỗ và dệt may vốn suy thoái nặng trong tháng 8 thì lại phát triển mạnh mẽ trong tháng 9. Chỉ số giá triêu dùng của TP. Hồ Chí Minh tăng cao so với các tỉnh thành khác. Mặt khác, từ tháng 5 đến nay, tình trạng lao động tạm mất việc làm đến cuối tháng 9 là hơn 1 triệu lao động, chiếm hơn 41%, ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ hồi phục kinh tế của TP. Hồ Chí Minh.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nhận định, khả năng sau Tết Nguyên đán, lực lượng lao động mới quay trở lại TP. Trong chính sách hiện nay, TP cần hỗ trợ doanh nghiệp về dòng tiền. Ông Khánh dự báo, từ nay tới cuối năm, GRDP của TP. Hồ Chí Minh sẽ suy giảm 1,74%, đây là mức suy giảm có thể chấp nhận được ở thời điểm hiện tại và tốt hơn so với kịch bản thứ hai. Đây cũng là kịch bản mà trước đó khi dự báo, các chuyên gia không dám đưa ra. Đối với thu ngân sách, ông tin TP. Hồ Chí Minh cũng đảm bảo thu đủ, tuy nhiên, điều lo ngại nhất là sự căng thẳng ngân sách của TP, Hồ Chí Minh do trong thời gian vừa qua TP đã chi rất nhiều cho công tác phòng chống dịch.

Theo ông Hoàng Công Gia Khánh, chính sách của TP. Hồ Chí Minh không thể nằm ngoài các chính sách của các quốc gia. Ông Khánh cho hay, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về chính sách tiền tệ, tuy nhiên, theo quan điểm của ông, chính sách tiền tệ là chính sách mang tầm quốc gia rất khó để chúng ta phân chia ranh giới, địa giới về chính sách. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam không thể quay trở lại dùng chính sách cấp bù lãi suất 4% như năm 2009. Cho đến nay, hậu quả của chính sách này có nhiều khoản vẫn chưa thanh toán được.

Đến thời điểm này, dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế trên 10 triệu tỷ đồng, thì ngân sách không thể đảm đương để hỗ trợ chính sách như năm 2009. Do tính chất của đại dịch, nên việc sử dụng chính sách tiền tệ là hết sức hạn chế. Thế nên, điều ông kỳ vọng là chính sách tài khóa. Ông Khánh đánh giá đây là chính sách phù hợp.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh cũng kỳ vọng về việc chuyển đổi tài sản công, bao gồm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ông đề xuất nên giữ lại những tài sản công là “con gà đẻ trứng vàng” có khả năng tạo thành những tài sản lớn trong tương lai, đó là tài sản mà TP phải bảo vệ.

Thứ hai, việc chuyển nhượng tài sản công cung cấp nguồn lực cực kỳ lớn ngay tại một thời điểm đấu giá hoặc cổ phần hóa thành công. Do đó, buộc TP. Hồ Chí Minh phải có kế hoạch hấp thụ từ nguồn vốn chuyển nhượng này. Thành phố có thể đầu tư vào dự án trọng điểm, tăng vốn cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có thể thực hiện kênh đầu tư tài chính…

Các kiến nghị căn bản theo đề xuất của PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh: Thứ nhất là phát triển chương trình nhà ở hợp lý, bởi vì hiện tại chúng ta đang có khe hở về giá và khả năng thanh toán đối với nhà ở xã hội hiện nay. Nhà ở hợp lý này phải phân tách ra theo từng đối tượng, bao gồm nhà bán, nhà cho thuê trọn đời, nhà cho thuê dài hạn và nhà cho thuê trong ngắn hạn.

Hai là từng bước mở rộng chợ truyền thống, mở rộng chương trình kích cầu mà TP. Hồ Chí Minh vốn đã rất thành công trong thời gian vừa qua, nhà nước sẽ bỏ vốn kích thích kinh tế số với vốn đầu tư mồi và đưa chương trình này vào trong chương trình kích cầu của TP.

"Để làm được điều này, tôi nghĩ rằng TP. Hồ Chí Minh phải vượt qua một số thách thức, trong đó, thách thức rất quan trọng là tốc độ ban hành chính sách. Chúng tôi đánh giá rằng, sự chậm trễ trong ban hành chính sách thì gây ra tổn thất không thua kém tổn thất từ dịch Covid-19. Và phục hồi kinh tế không thể dựa trên cấu trúc hiện nay, mà bắt buộc phải dựa trên nền tảng của mô hình mới, cấu trúc mới, tư duy mới”- PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nhấn mạnh.

Dùng đầu tư công kích thích tổng cầu

TP. Hồ Chí Minh có vị ví, vai trò đầu tàu kinh tế, do đó vấn đề phục hồi kinh tế TP là vấn đề của quốc gia. Trước hết liên quan đến Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong cơ cấu có 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và 9 nhóm ngành dịch vụ.

Các nhóm này đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng, do đó, theo TS. Trần Du Lịch, phải lựa chọn những trụ cột và tác động chính sách, tạo lan tỏa chính sách nhanh nhất để TP. Hồ Chí Minh phát triển trở lại, cố gắng 4 năm sau bù cho tổn thất cho năm nay. Ông đề xuất dùng đầu tư công kích thích tổng cầu. Đây là cách mà nước Anh từng áp dụng và cứu đất nước này thoát khỏi khủng hoảng.

“Đầu tư công kích tổng cầu theo cấp số nhân. Kích vô đâu? Chúng tôi đặt mục tiêu, tất cả các chương trình dự án đầu tư công để thực hiện trong thành phố này theo 4 chương trình trọng điểm của Đại hội Đảng 11, đặc biệt chương trình 2 là phát triển hạ tầng trong giai đoạn 2020-2030, đưa tất cả dự án, kể cả giai đoạn 2026-2030 mà làm được, đưa qua hết. Nếu làm được, đây mới là đột phá, vừa cứu kinh tế, vừa giải quyết bài toán hạ tầng nhanh hơn thời điểm không dịch”.

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp sẽ phải khó khăn hơn nữa trong ít nhất là 2 quý tới. Ông cho rằng, các doanh nghiệp muốn phục hồi cần có sự đổi mới sáng tạo.

“Nếu công nghiệp không thay đổi công nghệ, không thay đổi cách tiếp cận, và nếu chúng ta cứ chú trọng công nghiệp xây dựng, tức là về bất động sản thì không gian về đất đai chúng ta rất hạn chế. Các ngành dịch vụ cũng phải thực hiện tái cấu trúc theo hướng chuyển đổi số. Có như vậy mới có thể phát triển được trong dài hạn. Những doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp giá trị sản xuất chiếm từ 4-5% - không đồng đều”, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài nêu ý kiến.

Bên cạnh những đề xuất về phục hồi kinh tế, hội thảo cũng nhận được nhiều đóng góp giá trị của các chuyên gia đối với vấn đề y tế cộng đồng, về hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em…

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận, TP vừa phòng chống dịch vừa tính toán kế hoạch có lộ trình để phục hồi kinh tế, xã hội. Theo ông, TP đang tiến hành song song hai nhiệm vụ này, phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu đã đề ra, điều chỉnh cần thiết những thời cơ mới, động lực mới để tiếp tục phát huy trong giai đoạn hiện nay./.

“Trước hết, chúng ta cần đánh giá xu hướng diễn biến dịch, những tác động tiêu cực, tích cực đối với kinh tế thế giới và cả nước. Nhận diện được vấn đề này thì sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch sát hơn; Tính toán làm sao giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế của Thành phố đối với kinh tế cả nước, giữ vị trí của mình trong mối tương quan với khu vực và thế giới. Trong ngắn hạn Thành phố cần tập trung vấn đề trước mắt, nhưng dài hạn thì cần tính toán giữ vững vị thế của TP. Hồ Chí Minh”- Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-phai-vuot-qua-thach-thuc-nao-de-hoi-phuc-kinh-te-93650.html