Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo

Theo đánh giá của World Bank, Việt Nam là nước có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á. Bên cạnh đó, cần coi chất thải là nguồn tài nguyên để xử lý và thu hồi năng lượng.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á

Việt Nam có tiềm năng về gió, cả trên bờ và ngoài khơi

Phát biểu tại hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 chiều nay (23/7), ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là nước có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt hơn 513.000 MW, cao gấp 6 lần công suất dự kiến của ngành điện vào năm 2020 và lớn hơn nhiều so với tiềm năng các nước trong khu vực như: Thái Lan (152.392 MW), Lào (182.252 MW) và Cambodia (26.000 MW).

Theo Bản đồ gió toàn cầu (Earth Wind Map) ước tính, hơn 39% diện tích của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 6 m/s, ở độ cao 65 m và hơn 8% diện tích đất liền của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 7 m/s, tương ứng với tiềm năng tài nguyên gió là 512 GW và 110 GW. Tính đến yếu tố hạn chế về sử dụng đất, tiềm năng phát triển điện gió trên bờ vào khoảng 42 GW, phù hợp triển khai dự án điện gió quy mô lớn.

Mặc dù chính sách của Chính phủ Việt Nam là khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió nhưng Trung Nam Group cũng gặp phải không ít khó khăn khi thực hiện các dự án điện gió, có thể kể đến như toàn bộ thiết bị điện gió phải nhập khẩu và phụ thuộc vào nhà sản xuất nước ngoài, thiết bị vận chuyển, lắp đặt hạn chế do yếu tố hạ tầng.

Bên cạnh đó, mức ưu đãi giá 8,5 cent và 9,8 cent được ông Tiến đánh giá là “chưa thật sự hấp dẫn”, trong khi các dự án tiềm năng lớn đa phần các nhà đầu tư nước ngoài săn lùng và chiếm ưu thế.

Nêu kiến nghị, ông Tiến cho rằng, Chính phủ nên kéo dài thời hạn hưởng giá FIT. Để xây dựng một nhà máy điện gió trên biển chi phí rất đắt, khoảng 2,2 triệu đô cho 1 MW, cáp đi dưới biển đắt và chi phí OM trên biển cũng rất đắt vì độ ăn mòn của kim loại ở biển gấp 10 lần trên bờ.

"Nếu như 2021 đã xóa bỏ ưu đãi thì tôi e rằng sẽ khó thu hút các nhà đầu tư", ông Tiến nói. Điện gió lợi ích hơn vì giờ phát đều đặn hơn mặt trời, diện tích đất sử dụng ít hơn.

Với kế hoạch đến năm 2027 là tổng công suất năng lượng tái tạo của tập đoàn đạt khoảng 10.000 MW, ông Tiến đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định giá FIT, giữ giá nearshore 9,8 cent đến năm 2030 để thu hút đầu tư.

Đồng thời, Chính phủ nên có đánh giá tiềm năng gió onshore và offshore thật sự cho từng vùng.

Ông Tiến đề nghị, cần ưu tiên cho các nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư nguồn kèm đầu tư đường dây nhằm giải tỏa công suất, xem xét đồng ý bổ sung công suất đối với các nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại nhất mà không làm thay đổi tổng số trụ và diện tích đang được sử dụng.

Phân loại chất thải để thu hồi năng lượng

Trình bày về công nghệ tổ hợp để xử lý rác sinh hoạt và thu hồi năng lượng, Bà Kiều Phương, Đại diện TRIO Waste-to-Energy Solution (Phần Lan) tại Việt Nam cho biết, kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải sẽ góp phần tái sử dụng và tinh chế chất thải, từ đó giảm chôn lấp, tái chế dưỡng chất cho đất, giảm khí thải.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện mới chỉ có khoảng 200 nhà máy và lò đốt rác hỗn hợp, 35 nhà máy xử lý rác hữu cơ làm phân compost. Đặc điểm chung là công nghệ chưa được chứng thực về sự tin cậy, tỷ lệ thu hồi năng lượng thấp, tỷ lệ tái chế chỉ 8-12%.

Chia sẻ một số công nghệ xử lý rác phổ biến trên thế giới hiện nay, bà Phương kiến nghị cần coi chất thải là nguồn tài nguyên, khuyến khích phân loại chất thải rắn tại nguồn thành 5 loại, phấn đấu đến năm 2022 tỷ lệ chôn lấp rác thải dưới 20%.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-co-tiem-nang-phat-trien-cac-nguon-nang-luong-tai-tao-d126284.html