Việt Nam có tiềm năng điện gió cực lớn

Ngày 6/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Đại sứ quán Vương quốc Anh và Tập đoàn Enterprize Energy đã tổ chức Hội thảo Thang Long Wind – Sự cần thiết cho kinh tế Việt Nam.

 Quang cảnh buổi hội thảo.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Ian Hatton, Chủ tịch tập đoàn Enterprize Energy cho biết: Việt Nam có tiềm năng gió cực lớn với tổng công suất gió ước tính đạt khoảng 513.360 MW, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tổng công suất điện gió của Việt Nam mới chỉ đạt 200MW chia cho 6 dự án.

Trong khi đó, dự án Thang Long Wind vừa có giấy phép khảo sát chi tiết ngày 12/6/2019 là dự án năng lượng gió rất lớn với công suất là 3.400 MW, xứng tầm với tiềm năng gió của Việt Nam.

Dự án điện gió Thang Long Wind trong tương lai có thể bù đắp được lượng năng lượng thiếu hụt tại Việt Nam, đặc biệt tại khu vực phía Nam, tạo ra đột phá cho nền kinh tế nhưng dự án hiện vẫn chưa chính thức được đưa vào quy hoạch điện quốc gia.

Cũng tại buổi Hội thảo, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định Tập đoàn Enterprize Energy là 1 nhà đầu tư lớn từ Vương quốc Anh đã và đang đầu tư, vận hành các dự án điện gió ngoài khơi hoạt động tốt và đạt hiệu quả rất cao.

Chính phủ, Bộ Công thương, EVN xác định từ năm 2020 tới năm 2023 sẽ xảy ra thiếu điện nghiêm trọng nếu các dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh tiếp tục bị chậm tiến độ thì việc thiếu điện tiếp tục đến năm 2030, lúc đó tình hình kinh tế đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, dự án Thang Long Wind là một đột phá đủ bổ sung nguồn điện hỗ trợ cho tình trạng thiếu điện từ năm 2023 đến năm 2027 và đến năm 2030 trở đi, rất có ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam.

Các chuyên gia năng lượng cũng cho rằng đây là dự án có tiềm năng rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Dự án nếu thành công sẽ tối ưu hóa nguồn nội lực của Việt Nam về các ngành công nghiệp thiết kế, gia công, chế tạo với kỳ vọng sử dụng từ 6-8,3 tỷ USD vốn đầu chi cho các nhà thầu tại Việt Nam trong quá trình khảo sát, thiết kế, gia công, chế tạo và tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 600 triệu USD cho các nhà thầu Việt Nam trong quá trình vận hành vào bảo trì, bảo dưỡng.

Bên cạnh việc giải quyết bài toán năng lượng lâu dài cho quốc gia, việc đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi và kinh tế biển sẽ góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và lãnh hải, thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhà thầu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, còn có thể tận dụng công nghệ và thiết bị xây dựng góp phần chuyển giao, bổ sung chiến lược và lao động hiện có của các ngành vận tải biển và cảng, thăm dò và khảo sát biển...

HƯNG GIANG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/viet-nam-co-tiem-nang-dien-gio-cuc-lon-post254315.html