Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc đứng đầu ngành tái chế nguyên liệu của thế giới?

Ngành tái chế phế liệu từng là xương sống của nền công nghiệp Trung Quốc nay có thể trở thành lợi thế của Việt Nam?

Ngành tái chế phế liệu là một nguồn lợi lớn cho các nhà sản xuất, các doanh nghiệp lớn và cả chính phủ Trung Quốc trong gần 5 thập kỷ qua. Vào thời hoàng kim, ngành nhập khẩu phế liệu đã cung cấp nguyên liệu cho hơn một nửa sản lượng giấy của Trung Quốc, chiếm 1/3 sản lượng sản xuất đồng. Ngành công nghiệp tái chế cũng cung cấp việc làm cho 1,5 triệu người, gián tiếp hỗ trợ 10 triệu việc làm trung gian khác. Đến năm 2011, các doanh nghiệp tái chế hỗ trợ kim loại màu đạt mức lợi nhuận 64 tỷ USD/năm.

Hàng phế liệu tái chế từng là nguồn cung nguyên liệu chính cho một số ngành công nghiệp của Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

Không chỉ có ích cho nền kinh tế Trung Quốc, ảnh hưởng tích cực của ngành công nghiệp này với môi trường là điều rất dễ thấy. Từ năm 2002 - 2011, ngành nhôm tái chế của Trung Quốc đã tiết kiệm được 350 tỷ kilowatt giờ điện và giảm thiểu 522 triệu tấn khí thải carbon dioxide. Với một quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính như Trung Quốc thì đây là một lợi ích to lớn. Tuy vẫn còn những cơ sở tái chế bẩn và ô nhiễm nhưng so với các giải pháp thay thế, tái chế vẫn là lựa chọn dễ dàng và sạch sẽ nhất.

Hiện nay, chu trình sản xuất và các quy chế đang thay đổi. Ngoài những hạn chế mới được ban hành, nền kinh tế Trung Quốc cũng có sự chuyển biến rõ rệt. Năm 2012, lực lượng lao động của Trung Quốc lần đầu tiên đối mặt với sự thiếu hụt do chính sách giảm tỷ lệ sinh sản. Chi phí thuê lao động tăng, số người lao động giảm khiến nhiều nhà máy không đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Cùng năm đó, khối lượng hàng phế liệu từ Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc cũng giảm lần đầu tiên kể từ năm 1996 (sau khủng hoảng tài chính).

Trong năm 2013, nhiều nhà đầu tư trực tiếp ở châu Âu và Mỹ đã chuyển hướng vào Đông Nam Á, cụ thể là Việt Nam, thay vì Trung Quốc. Các nhà máy sản xuất Trung Quốc cũng dần chuyển sang các nước có mức lương lao động phổ thông thấp hơn. Khi các nhà sản xuất chuyển vùng, ngành công nghiệp tái chế theo sau. Dù quá trình này đã bắt đầu từ rất lâu trước những hạn chế gần đây của chính phủ Trung Quốc, nó đã tăng tốc chóng mặt trong thời gian gần đây. Hai tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã nhập 1,23 triệu tấn nhựa tái chế nhưng cùng kỳ năm 2018, con số chỉ còn 10.000 tấn.

Khi Trung Quốc bắt đầu áp đặt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn với phế liệu nhập khẩu, giá mặt hàng này cũng tăng đáng kể - hơn 10% - chưa bao gồm chi phí gia công sau đó. Tuy nhiên, tại Việt Nam, giá đã giảm khi các nhà xuất khẩu đổ vào thị trường này do mất khách hàng ở Trung Quốc.

Đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đây là một cơ hội và lợi thế không nhỏ cần nắm bắt. Các nền kinh tế mới sẽ có nguồn nguyên liệu thô giá thấp hơn để cung cấp cho các nhà máy nội địa, liên doanh hoặc nước ngoài. Trong năm qua, số lượng nhựa tái chế sản xuất chai nước nhập khẩu từ Mỹ của Việt Nam đã tăng 137% trong khi Malaysia tăng 63%. Trung Quốc, do các quy định mới về tái chế, đang chuyển sang ngành công nghiệp hóa dầu, khiến chi phí và lượng khí thải nhà kính tăng đáng kể.

Hiện nay, Việt Nam có tất cả những tiêu chuẩn cần thiết để trở thành một công xưởng tái chế mới của thế giới. Nói cách khác, có thể tận dụng ngành công nghiệp và một thị trường Trung Quốc dường như đang từ bỏ. Đây hoàn toàn là một cơ sở tốt để quốc gia này xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững, chắc chắn cũng như một ngành công nghiệp sản xuất phát triển toàn diện, đặc biệt là khi cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên sử dụng đồ tái chế.

Thu Phương (Theo Bloomberg)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/viet-nam-co-the-thay-the-trung-quoc-dung-dau-nganh-tai-che-nguyen-lieu-cua-the-gioi-a232826.html