Việt Nam có thể tham khảo Luật chống tin tức giả của Singapore?

Những tranh cãi khi Singapore công bố thông qua luật chống tin tức giả đã đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ cho các nước khi muốn làm điều tương tự.

LTS: Trong những ngày qua, Singapore trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế khi Quốc hội nước này ngày 8/5 thông qua “luật chống tin tức giả mạo” với đa số phiếu ủng hộ. Singapore có thể trở thành một trường hợp điển hình cho các quốc gia nghiên cứu để có thể triển khai tốt việc kiểm soát thông tin trong bối cảnh thời gian gần đây xuất hiện nhiều thông tin giả mạo có thể gây nhiễu loạn và tác động xấu tới xã hội. Tuy nhiên, quyết định trên của Singapore cũng gây ra những phản ứng trái chiều .

Luật chống tin tức giả mạo mà Quốc hội Singapore mới thông qua không hạn chế quyền tự do ngôn luận. Ảnh: Quốc hội Singapore

Luật chống tin tức giả mạo mà Quốc hội Singapore mới thông qua không hạn chế quyền tự do ngôn luận. Ảnh: Quốc hội Singapore

Mục tiêu tốt đẹp

Phát biểu trước Quốc hội Singapore trước khi dự luật này được các nghị sĩ bỏ phiếu thông qua, Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ trưởng Pháp luật nước này K. Shanmugam khẳng định, luật chống tin tức giả mạo không phải là “công cụ chính trị của đảng cầm quyền để phô trương thanh thế” mà nhằm “định hình lại xã hội Singapore”.

Bộ trưởng K. Shanmugam nhấn mạnh, dự luật này nếu được thông qua sẽ giúp “đẩy lùi những thông tin sai lệch và tạo ra những cuộc tranh luận thực chất trong xã hội chỉ dựa trên sự trung thực của người dân”.

Cũng theo ông K. Shanmugam, nhờ có luật này, Chính phủ Singapore sẽ có thêm công cụ để đối phó với những thông tin sai lệch có thể lan nhanh trên Internet chỉ trong vài phút và gây ra những tổn hại “không thể đong đếm được” trong khi Tòa án nước này không đủ thời gian để xét xử từng vụ nhỏ liên quan đến thông tin sai lệch.

Bộ trưởng K. Shanmugam cũng lên tiếng trấn an người dân Singapore rằng, dự luật này chủ yếu nhắm đến các công ty công nghệ để buộc họ phải cải chính hoặc dỡ bỏ những tin tức giả mạo chứ không phải là những người dân Singapore vô tình chia sẻ những thông tin có thể gây tác động xấu đến xã hội.

Sau khi luật nđược thông qua, các bộ trưởng trong Chính phủ có quyền yêu cầu các trang truyền thông xã hội như Facebook và Twitter gắn cảnh báo bên cạnh những nội dung đăng tải mà nhà chức trách xác định là giả mạo. Đối với các trường hợp nghiêm trọng phải gỡ bỏ những nội dung như vậy.

Nếu một hành động bị đánh giá là độc hại và gây tổn hại lợi ích của Singapore, các công ty có thể bị phạt tiền lên tới 1 triệu SGD (tương đương 735.000 USD). Cá nhân vi phạm có thể bị phạt tối đa 100.000 SGD và lĩnh mức án cao nhất là 10 năm tù giam.

Vấn nạn tin tức giả đang khiến nhiều quốc gia gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì ổn định xã hội và an ninh. Ảnh: NYT

Vẫn gây ra nhiều tranh cãi

Dù được thông qua với số phiếu áp đảo tại Quốc hội Singapore, luật chống tin tức giả mạo mới này vẫn vấp phải sự chỉ trích gay gắt của các nghị sĩ phe đối lập. Chủ tịch Đảng Công nhân Singapore Pritam Singh cho rằng, luật mới đang trao quá nhiều quyền hạn cho các bộ trưởng và đề xuất tòa án mới là người đứng ra phán xử liệu một tin tức có phải là giả mạo hay không. Nhiều nghị sĩ cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ khía cạnh kỹ thuật trong luật mới này, bao gồm việc xác định thông tin giả mạo như thế nào?

Trong một diễn biến có liên quan, ba gã khổng lồ về công nghệ được cho là sẽ chịu rất nhiều tác động từ luật mới này là Google, Facebook và Twitter cũng đã lên tiếng phản đối. Cả 3 tập đoàn này đều bày tỏ quan ngại về cách thức Chính phủ Singapore xác định thông tin nào là giả mạo và cách thức xử lý của Singapore trong vấn đề này. Dù cam kết ủng hộ Chính phủ Singapore trong chiến dịch chống lại thông tin giả mạo, họ khẳng định, họ cũng đang nỗ lực trong vấn đề này và có cách thức xử lý riêng của mình một cách hiệu quả.

Giới báo chí Singapore cũng đã bày tỏ lo ngại về việc dự luật này có thể gây phản tác dụng, cản trở tự do ngôn luận, tự do báo chí và khiến người dân mất dần niềm tin vào Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ trưởng K. Shanmugam đã cam kết, quyền tự do ngôn luận sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật này.

Từ trường hợp của Singapore, Việt Nam có thể tham khảo?

Singapore đưa ra luật mới trong bối cảnh thông tin giả đang gây nhiễu loạn và tác động xấu tới xã hội ở nhiều quốc gia. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc các hãng tin của nước này thường xuyên tung ra những tin tức giả gây bất lợi cho ông và chính quyền trong các hoạt động hàng ngày. Ông Trump thậm chí đã “cấm cửa” một số phóng viên trong các cuộc họp báo của ông với lý do những thông tin mà họ truyền tải là không chính xác và gọi họ là “kẻ thù của nhân dân”.

Ở một diễn biến khác, một số các quốc gia vừa tiến hành các cuộc tổng tuyển cử như Indonesia, Ấn Độ hay Ukraine đều đã tiến hành một loạt các biện pháp đối phó với tin tức giả mạo nhằm tránh khả năng những tin tức này có thể tác động đến kết quả của cuộc bầu cử và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định về an ninh và chính trị của đất nước.

Trước Singapore, các quốc gia như Malaysia, Nga và Thái Lan cũng đã thông qua những dự luật nhằm thắt chặt việc kiểm soát thông tin giả mạo và đưa ra những mức phạt nặng đối với những người tung tin thất thiệt gây hại đến chính quyền.

Luật an ninh mạng được các đại biểu Việt Nam ấn nút thông qua vào ngày 12/6/3018.

Trong bối cảnh đó, Luật An ninh mạng Việt Nam được thông qua vào ngày 12/6/2018 với 7 chương và 43 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.

Dù được đánh giá là khá chi tiết và bao quát được nhiều vấn đề, Luật An ninh mạng vẫn nhận được những kiến nghị liên quan đến các cơ chế xử lý thông tin giả mạo theo hướng tăng nặng hình thức xử phạt để đảm bảo tính răn đe cũng như mở rộng độ tuổi của nhóm đối tượng chịu trách nhiệm trong bối cảnh những người sử dụng Internet ở Việt Nam ngày một trẻ hơn.

Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng đang đối mặt với những thông tin nhiễu loạn, thậm chí tràn lan thông tin giả, tác động không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, tác động đến các tổ chức và từng cá nhân. Vì vậy, với việc Singapore và nhiều nước thông qua Luật riêng để chống tin tức giả mạo trên không gian mạng, chúng ta cũng có thể coi đó là những mô hình tham khảo ./.

Trần Khánh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-co-the-tham-khao-luat-chong-tin-tuc-gia-cua-singapore-907914.vov