'Việt Nam có phải là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế?'

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho biết, có cử tri thắc mắc liệu Việt Nam đã là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế hay chưa?

Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp

Thảo luận tại phiên họp sáng nay (30/5) về kinh tế- xã hội, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho rằng những kết quả đã đạt được về kinh tế -xã hội thời gian qua tạo đà trong việc bứt phá để hoàn thành các mục tiêu phát triển KTXH không chỉ trong năm 2019 mà còn cả kế hoạch trong năm 2016-2020.

Đại biểu Tạ Văn Hạ. (ảnh: KT)

Đại biểu Tạ Văn Hạ. (ảnh: KT)

Theo ông, cử tri và nhân dân cảm thấy lo lắng, bất an khi từ đầu năm đến nay đã xảy ra hàng loạt vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm liên quan đến ma túy, ngáo đá, như: vụ cô gái giao gà ở Điện Biên bị sát hại, vụ Phó phòng ngân hàng truy sát cả nhà ở Nghệ An; cãi nhau với mẹ, con trai ra tay sát hại dì, mẹ đẻ, bà ngoại ở TPHCM....

Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ chất ma túy với số lượng lớn, quy mô xuyên quốc gia, thủ đoạn và hoạt động tinh vi. Chỉ trong quý I năm 2019, số vụ ma túy phá được hơn 6500 vụ, lớn hơn năm 2018, trong đó có vụ triệt phá tập đoàn ma túy, thu giữ 1,1 tấn ma túy đá ở TPHCM, vụ hàng tấn ma túy đá vứt ở lề đường ở Nghệ An nhằm phi tang. Riêng tháng 4/2019, phát hiện 6 tấn ma túy.

Đáng lo ngại, mới đây, Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) công bố phát hiện nhiều chất ma túy mới, cực mạnh mới có ở Việt Nam. Theo đó, nhiều chất ma túy hiện chưa có trong danh mục các chất ma túy theo Nghị định 73 của Chính phủ. Có những chất gây ảo giác cực mạnh lần đầu tiên phát hiện ở nước ta. Đáng sợ hơn, bằng thủ đoạn tinh vi, tội phạm còn dùng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén, sau khi uống vào cơ thể viên nén chuyển hóa, giải phóng ra chất ma túy.

Đại biểu đoàn Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, nhân dân đánh giá cao lực lượng công an đã nỗ lực hết mình, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, xương máu, kiên quyết đấu tranh với tội phạm ma túy, các cấp ngành phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh với tội phạm, pháp luật cũng đã quy định khung hình phạt cao nhất với tội phạm này. Có những vụ án ma túy, số bị cáo bị kết án lên tới cả chục người.

Song cử tri và nhân dân cũng đặt câu hỏi: Vì sao cả hệ thống chính trị đã nỗ lực, sự trừng phạt của pháp luật nghiêm khắc như vậy nhưng tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, số người nghiện ma túy vẫn gia tăng, nguyên nhân chính do đâu? Chính phủ có giải pháp nào căn cơ, hiệu quả hơn? Các giải pháp đó như bản cam kết trước cử tri và nhân dân về quyết tâm đẩy lùi vấn nạn này.

“Cử tri đề nghị Quốc hội cần khẩn cấp tổ chức hoạt động giám sát về công tác phòng chống ma túy trong giai đoạn hiện nay. Vì tương lai của dân tộc, vì sự phát triển của giống nòi, vì một xã hội thanh bình, thịnh vượng, kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các cấp ngành đặc biệt quan tâm” – đại biểu Tạ Văn Hạ nêu ý kiến.

Cử tri lo lắng trước tình trạng tín dụng đen

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ về 11 nhóm tồn tại, hạn chế, trong đó có tồn tại, hạn chế về an an ninh trật tự, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho biết, nhiều cử tri lo lắng trước tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi theo kiểu xã hội đen ngày càng tăng không chỉ ở thành phố lớn và còn ở nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh. Hệ lụy của vấn nạn này là nhiều gia đình tán gia bại sản, gây mất trật tự an ninh xã hội, trong khi pháp luật chưa gọi tên để xử lý được loại tội phạm này.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk).

“Cử tri cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem lại việc cho ra đời các tổ chức mang danh tài chính nhưng thực chất là huy động vốn trá hình, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Đồng thời đề xuất với Chính phủ phải khẩn trương bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen” – đại biểu Xuân cho biết.

Theo đại biểu đoàn Đắk Lắk, một số cử tri quan ngại về tình hình phạm pháp hình sự tăng, tình trạng mua bán, sử dụng ma túy, nạn nghiện hút trong thanh thiếu niên, các vụ trộm cắp, giết người man rợ, trong đó có những vụ án nguyên nhân từ người nghiện ma túy gây ra, gây tâm lý bất an trong nhân dân.

Về các đường dây vận chuyển, mua bán ma túy lớn, mặc dù lực lượng công an đã triệt phá nhiều đường dây, mua bán vận chuyển ma túy xuyên quốc gia nhưng có cử tri thắc mắc liệu Việt Nam đã là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế hay chưa? Tại sao một lượng lớn chất ma túy lọt sâu vào nội địa Việt Nam, trách nhiệm của bộ ngành liên quan trong việc kiểm tra, ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào trong nước như thế nào? Tình hình các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi cử tri băn khoăn liệu mức xử phạt đối với các loại tội phạm trên đã đủ sức răn đe chưa?

“Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đề nghị Bộ Công an tiếp tục tập trung nắm, dự báo sát tình hình thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phát hiện, xử lý tội phạm. Chú trọng công tác phòng ngừa xã hội, kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa nghiệp vụ, mở các đợt tấn công, trấn áp tội phạm với mục tiêu kìm hãm sự gia tăng tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về tình hình an ninh trật tự trên toàn địa bàn” – đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho biết./.

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/viet-nam-co-phai-la-dia-ban-trung-chuyen-ma-tuy-quoc-te-915178.vov