Việt Nam có phác đồ điều trị hiệu quả Covid-19 ở các tuyến

Với sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, sự chủ động giám sát, đáp ứng dịch sớm của ngành Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay tiếp tục được kiểm soát tốt. Cả nước ghi nhận 16 trường hợp mắc và đến nay 15/16 đã khỏi bệnh, sức khỏe ổn định.

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Vĩnh Phúc được xuất viện chiều 18/2. Ảnh: PA

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Vĩnh Phúc được xuất viện chiều 18/2. Ảnh: PA

15/16 ca nhiễm Covid-19 đều đã khỏi bệnh

Ngày 20/2, bệnh nhi 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã khỏi bệnh và được xuất viện. Đây là ca thứ 15 nhiễm Covid-19 tại nước ta và là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mắc bệnh. Bệnh nhân bị nhiễm virus corona từ bà ngoại P.T.B. (ngụ tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Hiện, bé ổn định, không sốt, ăn bú tốt. Xét nghiệm cả hai lần đều cho kết quả âm tính với virus corona.

Ngoài ra, chiều cùng ngày, hai bệnh nhân điều trị tại Phòng khám Đa khoa Quang Hà, Vĩnh Phúc cũng được xuất viện.

Tại TP Hồ Chí Minh, thông tin từ Bệnh viện Các Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh thì bệnh nhân duy nhất còn lại đang điều trị Covid-19 tại đây đã khỏi bệnh. Kết quả xét nghiệm phết họng của Việt kiều Mỹ đã âm tính với Covid-19 từ ngày 12 - 17/2. Hiện, bệnh nhân đã khỏi bệnh, tuy nhiên ông còn phải điều trị ổn định các bệnh nền. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được xuất viện vào chiều thứ 6 tuần này.

Theo quy định của Bộ Y tế, người nhiễm Covid-19 sẽ được xuất viện khi hết sốt ít nhất 3 ngày, có 2 mẫu bệnh phẩm lấy cách nhau một ngày đều xét nghiệm âm tính. Như vậy, 15/16 ca bệnh nhiễm Covid-19 ở nước ta đều đã khỏi bệnh, âm tính trở lại. Từ 13/2, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh mới.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) cho biết, dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả ở tất cả các tuyến đối với bệnh Covid-19 gây ra.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và để ứng phó với dịch bệnh, hệ thống khám chữa bệnh, ngành Y tế đã họp ngay Hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành. Với căn bệnh này, thấy có những đặc thù với căn bệnh SARS trước kia và bệnh dịch mới nổi hiện nay nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện.

“Ngay sau khi điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất. Có thể nói đối phó với dịch Covid-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới", ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Các ca bệnh truyền nhiễm được kiểm soát tốt

Theo Bộ Y tế, hiện nay, các bệnh dịch lưu hành trên cả nước không ghi nhận bệnh dịch có số mắc gia tăng đột biến. Các bệnh lưu hành chủ yếu như sốt xuất huyết, tay chân miệng… đều có xu hướng giảm. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc sốt xuất huyết giảm 46%, tay chân miệng giảm 44%, sốt phát ban nghi sởi giảm 76%, số trường hợp dương tính với sởi giảm 16 lần, các dịch bệnh khác ổn định, không ghi nhận các ổ dịch tập trung tại cộng đồng.

Để kiểm tra sự chủ động, sẵn sàng trong công tác đáp ứng, phòng, chống trước mùa dịch, đặc biệt tại khu vực miền Trung, ngày 19/2/2020, Đoàn công tác do lãnh đạo Cục Y tế dự phòng làm Trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình dịch bệnh và công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó dịch tại khu vực miền Trung (Quy Nhơn, Bình Định), kết quả cho thấy tình hình dịch hiện đang được kiểm soát tốt.

So với cùng kỳ năm 2019, trên toàn khu vực số bệnh nhân sốt rét giảm 65%, tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét giảm 63%, không có sốt rét ác tính và không có tử vong do sốt rét. Số ca mắc sốt xuất huyết giảm 21%. Những tỉnh có số mắc sốt xuất huyết cao ở cuối năm 2019 là Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị đã có xu hướng giảm mạnh trong các tuần gần đây. Các dịch bệnh khác ổn định không có gì đặc biệt. Công tác phòng, chống dịch cũng đã và đang được triển khai chủ động và đồng bộ.

Trong đợt kiểm tra, đoàn công tác chỉ đạo khu vực miền Trung tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan, bùng phát, tăng cường các biện pháp giảm mắc, giảm tử vong, tập huấn và truyền thông phòng, chống dịch bệnh.

Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét… là những bệnh dịch lưu hành, nhiều dịch bệnh có tính chất phát triển theo mùa. Vì vậy công tác phòng, chống trước mùa dịch để giảm tối đa số mắc và tử vong là rất quan trọng. Các cơ quan y tế dự phòng thường xuyên giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch và tham mưu cho các cấp chính quyền, phối hợp với các ban ngành đoàn thể và toàn dân có các biện pháp kịp thời.

Để tiếp tục chủ động kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm ngay từ đầu năm, đề nghị mỗi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, duy trì diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy hàng tuần, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân… để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Phương Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/viet-nam-co-phac-do-dieu-tri-hieu-qua-covid-19-o-cac-tuyen_t114c9n160599