Việt Nam có cửa thoát 'thẻ vàng' thủy sản từ EU?

Liên tục các kế hoạch hành động từ Chính phủ tới các Bộ ngành, luật hóa các nội dung liên quan IUU vào Luật Thủy sản 2017, đáp ứng các khuyến cáo của EU...đã thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam trong việc thoát khỏi 'thẻ vàng' thủy sản từ EU.

Ngày 23/10, EU đã quyết định áp dụng biện pháp cảnh cáo bằng "thẻ vàng" đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

7 Bộ, ngành vào cuộc

Trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với ông Bruno Angelet - Đại sứ, Trưởng phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, chiều 21/11, Phó Thủ tướng mong muốn EU sớm rút “thẻ vàng” để không tạo lo lắng cho ngư dân Việt Nam và ảnh hưởng tới việc hai bên ký EVFTA trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ đáng tiếc khi EU đã ban hành “Thẻ Vàng”- cảnh báo việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo đối với thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU, tạo ra môi trường phức tạp hơn khi hai bên đang đẩy mạnh hợp tác thương mại-đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam đánh giá cao khuyến nghị của EU nhằm hỗ trợ Việt Nam xử lý các vấn đề về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo. Các khuyến nghị phù hợp với chủ trương của Việt Nam là thực hiện chính sách nghề cá bền vững, phòng, chống tiến tới chấm dứt các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp. Các cơ quan của Việt Nam đã và đang nỗ lực tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý, ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng này.

Trưởng phái đoàn của EU cũng cho biết, EU sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để thực hiện các giải pháp cần thiết, đi đến sớm rút “thẻ vàng” cho thủy hải sản của Việt Nam.

Liên quan tới vấn đề này, mới đây, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản gửi 7 Bộ gồm Bộ Quốc Phòng, Công an, Tài chính, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông cùng UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau và Kiên Giang xin góp ý về Chỉ thị của Thủ tướng về việc khắc phục việc Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo bằng Thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Văn bản xin ý kiến đóng góp được gửi kèm Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EC về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Cụ thể, để triển khai giải pháp cấp bách nhằm sớm tháo gỡ cảnh báo của EU, giữ uy tín thương hiệu của thủy sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính Phủ chủ động ngăn chăn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Trước đó, ngày 23/10, EU đã quyết định áp dụng biện pháp cảnh cáo bằng "thẻ vàng" đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào thị trường này vì Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các khuyến nghị của EU về ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định.

Đây là một thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam. Những hệ lụy có thể xảy ra là uy tín và thương hiệu của ngành hải sản bị ảnh hưởng; xuất khẩu sang thị trường EU bị sụt giảm, đồng thời tác động xấu đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ - nước chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhằm chống khai thác IUU từ 1/1/2018,...

Hơn nữa, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu,...

Đặc biệt, Việt Nam có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót. Nếu không có các biện pháp nhằm cải thiện tình hình, theo đánh giá của EU, chúng ta sẽ bị chuyển sang cảnh báo “Thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường EU.

Không chỉ trông chờ vào Luật

Cùng với những hành động quyết liệt của Chính phủ và các Bộ ngành, Luật Thủy sản 2017 vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho việc thoát khỏi “thẻ vàng” của EU. Theo đó, nội dung của IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định) đã dược lồng vào Luật Thủy sản.

Như vậy, ngoài việc quản lý khai thác theo hạn ngạch, Luật quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng. Cũng như thu hồi giấy phép khai thác đối với các nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam.

Đồng thời, quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, không có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, trong đó tàu 24 mét trở lên phải có giám sát hành trình cập nhật tự động…

Tuy nhiên, điều đáng nói là Luật Thủy sản 2017 dù được kỳ vọng giúp Việt Nam tránh được việc nhận “thẻ đỏ” từ EU thì lại đến ngày 1/1/2019 mới có hiệu lực thi hành. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 6 tháng cho việc thay đổi “thẻ vàng” từ EU.

Như vậy, không thể trông chờ vào Luật Thủy sản mới này để cải thiện cảnh báo về vi phạm khai thác thủy sản biển từ EU. Vậy Việt Nam có cửa thoát “thẻ vàng”? Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, năm nay EC có 3 đoàn sang kiểm tra, có 2 Cao Ủy sang làm việc với lãnh đạo Bộ. Thủ tướng đã có công điện 732 quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tàu địa phương vi phạm vùng đánh bắt sẽ xử nghiêm.

“Đến nay tình trạng tàu cá vi phạm của Việt Nam đã giảm hẳn. Quảng Ngãi từ tháng 7 đến nay không ghi nhận 1 tàu cá nào vi phạm nữa mặc dù đây là tỉnh đội sổ về số tàu cá vi phạm vùng đánh bắt lâu nay. EU quan tâm đến các hành động thực tiễn” - Thứ trưởng cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng, EC có thư gửi Chính phủ là nói Việt Nam chưa tiếp thu, chưa chuyển biến nên hôm 23/10 EU rút "thẻ vàng". "Chúng ta sẽ tìm mọi cách để thoát thẻ vàng. Bộ đã họp báo công bố và dự thảo Chị thị trình Thủ tướng ban hành để 6 tháng thoát ra khỏi thẻ vàng. Tất cả các nội dung làm việc với EU hôm qua thì Bộ sẽ quyết tâm để được cụ thể hóa" - Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Thy Hằng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/viet-nam-co-cua-thoat-the-vang-thuy-san-tu-eu-120563.html