Việt Nam có cơ hội bứt phá lên top 5 về xuất khẩu nông sản

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết quý II/2018, Việt Nam đã có hơn 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu (XK) chủ lực, có mặt tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các sản phẩm XK trên 1 tỉ USD như: Cà phê, gạo, điều, rau quả, tiêu… Tuy nhiên, do năng lực chế biến còn hạn chế, nông sản Việt Nam gặp không ít khó khăn khi vào thị trường Châu Âu (EU).

Thủy sản là mặt hàng XK chiến lược của Việt Nam, mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Ảnh: TS.Minh Phú

Dư địa thị trường EU rất lớn

Theo ông Nguyễn Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam có một số mặt hàng có vị trí XK cao trên thế giới như hạt điều, hồ tiêu (đứng thứ nhất); cà phê (đứng thứ hai); gạo (đứng thứ ba). Thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, kim ngạch XK nông-lâm-thủy sản 7 tháng đầu năm 2018 đạt 22,2 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng tăng trưởng XK tốt trong 7 tháng đầu năm 2018 là gạo, rau quả, các loại lâm sản chính, thủy sản. Với những kết quả này, Việt Nam có cơ hội đứng trong top 5 các quốc gia XK nông sản lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, với hạn chế về năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển được mạnh về thương hiệu nên XK hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận XK phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian. DN phải đối mặt với một loạt các vấn đề về cạnh tranh thị trường, các biện pháp bảo hộ thông qua những hàng rào kỹ thuật như các quy chuẩn, tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn chất lượng, các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn… khắt khe hơn ở các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường EU.

Hàng loạt vấn đề cần được tháo gỡ

Theo ông Trần Ngọc Quân - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, mặt hàng hồ tiêu ở khu vực Châu Âu, thị trường lớn nhất hiện nay là Đức với kim ngạch NK hồ tiêu từ Việt Nam lên tới 221 triệu USD (năm 2017). Tuy nhiên, thời gian gần đây, EU đã cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Một số nước trong khối EU đang dần chuyển sang NK tiêu từ Ấn Độ và Brazil. Đối với mặt hàng rau và hoa quả, những nước NK hàng đầu EU là Đức, Anh, Pháp và Hà Lan chiếm hơn 70% kim ngạch NK rau quả toàn EU, nhưng rau quả của Việt Nam mới chiếm được một thị phần rất nhỏ (khoảng 1%) lượng NK rau quả của EU. Trong số các nước EU, thị trường XK rau quả chính của Việt Nam là Hà Lan (5%). Rau quả Việt Nam chủ yếu XK sang EU ở dạng tươi, sơ chế, do công nghệ sau thu hoạch còn kém, kỹ thuật chưa được chuyển giao tới nông dân, việc thu hái, bảo quản vẫn tiến hành thủ công. Do đó, rau quả bị EU rà soát, điều chỉnh chặt chẽ quy định về ATTP và gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi đến tiến độ XK (hiện tần suất kiểm tra thanh long tăng lên 20% và các loại rau gia vị tăng lên 50%). Trong khi đó, EU đang dự thảo các quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt như hồ tiêu, gia vị.

Để đẩy mạnh XK vào EU, hiện nay Việt Nam đang khẩn trương khắc phục thẻ vàng đối với thủy sản, cùng với đó, khắc phục các tồn tại trong vấn đề ATTP, quy cách bao gói, nhãn hiệu... đối với mặt hàng nông sản. Theo đó, cần đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài đối với hàng hóa XK. Thúc đẩy việc xây dựng, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn riêng phổ biến tại các thị trường XK chính có khả năng tạo ra các rào cản thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa XK của Việt Nam. Phổ biến, tư vấn, đào tạo DN sản xuất XK về áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của các thị trường nước ngoài...

Phong Nguyễn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thi-truong/viet-nam-co-co-hoi-but-pha-len-top-5-ve-xuat-khau-nong-san-625886.ldo