Việt Nam có 2 chỉ số đạt điểm tối đa là 100 điểm

Vị trí 67 về năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng là vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay trên bảng xếp hạng của WEF.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 (GCI) do Diễn đàn Kinh tế thế giới mới công bố đã xếp hạng Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 thế giới trong năm 2019.

Số điểm Việt Nam đạt được là 61,5 điểm; tăng 3,5 điểm so với năm 2018. WEF cho rằng Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để trở thành một trung tâm thương mại của khu vực.

Chi tiết hơn, Việt Nam xếp hạng khá cao về chỉ số Quy mô thị trường. Ở chỉ số này, Việt Nam đứng thứ 26. Việt Nam nằm trong nhóm có nguy cơ khủng bố thấp nhất thế giới và lạm phát ổn định nhất thế giới. Hai chỉ số thành phần này Việt Nam đạt điểm tối đa là 100 điểm.

Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.

Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.

Tuy vậy, năng lực sáng tạo Việt Nam chỉ đứng thứ 76 với 37 điểm. Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn còn cho biết chất lượng thể chế Việt Nam vẫn đang bị đánh giá thấp, xếp thứ 89; tính minh bạch đứng thứ 101.

Tuy nhiên, vị trí 67 về năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng là vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay trên bảng xếp hạng của WEF. Việt Nam cũng là quốc gia được đánh giá có mức tăng cao nhất trên thế giới trong năm nay.

Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc, cho rằng đây rõ ràng là kết quả bước đầu minh chứng cho nỗ lực bền bỉ cải cách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua.

Những nỗ lực cải cách thể chế quan trọng nhất của Việt Nam thời gian qua đóng góp vào việc thăng hạng chỉ số này có thể kể đến là: Nỗ lực ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chương trình cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành; những chủ trương và giải pháp quan trọng thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử và nền kinh tế số; thực hiện cơ chế một cửa quốc gia ASEAN; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh ở các địa phương...

“Dư địa lớn nhất và nguồn lực lớn nhất của tăng trưởng vẫn là cải cách thể chế và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt” - ông Lộc nhận xét.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/viet-nam-co-2-chi-so-dat-diem-toi-da-la-100-diem-862891.html