Việt Nam có 15.000 mã sản phẩm được dán nhãn tiết kiệm năng lượng

Việt Nam đã triển khai Chương trình dán nhãn năng lượng theo hình thức tự nguyện từ năm 2008 và bắt đầu thực hiện theo hình thức bắt buộc từ ngày 1/7/2013.

Các khách mời chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tầng ozon.” (Ảnh: Thoa Chu/Vietnam+)

Các khách mời chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tầng ozon.” (Ảnh: Thoa Chu/Vietnam+)

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc, Việt Nam đã có khoảng 15.000 mã sản phẩm thuộc 19 chủng loại thiết bị được dán nhãn năng lượng, điển hình như quạt điện, máy thu hình, điều hòa...

Thông tin trên vừa được công bố tại buổi Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tầng ozon” do Bộ Công Thương, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Daikin Việt Nam tổ chức, diễn ra chiều 21/3, tại Hưng Yên.

Cam kết xanh với người tiêu dùng

Theo đại diện Bộ Công Thương, dán nhãn năng lượng là giải pháp hiệu quả giúp định hướng việc sử dụng thiết bị hiệu suất cao, loại dần các sản phẩm công nghệ lạc hậu, trực tiếp làm giảm thải các chất khí gây tác động tới tầng ozon và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính.

Việt Nam đã triển khai Chương trình dán nhãn năng lượng theo hình thức tự nguyện từ năm 2008 và bắt đầu thực hiện theo hình thức bắt buộc từ ngày 1/7/2013.

Mục tiêu của Chương trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu sẽ góp phần tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10.000 tỷ đồng, tương đương giảm 34 triệu tấn khí thải carbon dioxide vào năm 2030; tiết kiệm điện khoảng 6.000 GWh/năm, giảm được nhu cầu tương đương với khoảng 2 nhà máy điện đốt than 1.000 MW.

Kể từ khi Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc áp dụng ngày 1/7/2013 đến tháng 6/2018, đã có khoảng 15.000 mã sản phẩm thuộc 19 chủng loại thiết bị được dán nhãn năng lượng. Lượng sản phẩm bán ra của các thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng như quạt điện, máy thu hình, máy điều hòa chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường.

Không chỉ là hành động góp phần bảo vệ môi trường xanh, nhãn dán năng lượng còn giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tiết kiệm năng lượng hay sản phẩm đảm bảo hiệu suất năng lượng mong muốn trên thị trường.

Hiện nay, Vụ Tiết kiệm Năng lượng đang trình Bộ Công Thương nâng số lượng mặt hàng trong danh mục dán nhãn năng lượng. Lộ trình tới năm 2020 sẽ tiến hành dán nhãn năng lượng bắt buộc với các sản phẩm tiêu thụ điện năng.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Daikin Việt Nam cho rằng chương trình dán nhãn năng lượng là cơ hội cho các doanh nghiệp phân phối sản phẩm tiết kiệm năng lượng, giúp người tiêu dùng phân biệ̣t được các sản phẩm tối ưu về hiệu suất sử dụng năng lượng.

"Daikin Việt Nam là nhà máy sản xuất điều hòa không khí hàng đầu châu Á, thực hiện sản xuất sản phẩm theo dây chuyền công nghệ cao, không sử dụng chất CFC, HFC nhằm tối đa hóa các chất gây ảnh hưởng tầng Ozon và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường," đại diện Daikin Việt Nam nói.

Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tầng ozon” do Bộ Công Thương, Cục Biến đổi khí hậu, phối hợp với Daikin Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Thoa Chu/Vietnam+)

Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tầng ozon

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2019 là năm thứ 11 Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất với khẩu hiệu “Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ Trái đất” nhằm kêu gọi cộng đồng cùng tích cực hành động bảo vệ “mái nhà chung” là hành tinh sống của con người.

Trong đó, một trong những vấn đề đang được quan tâm hàng đầu hiện nay là tầng ozon - lớp khí quyển bảo vệ Trái đất khỏi bị bức xạ tia cực tím gây hại, đang bị tàn phá do ô nhiễm. Việc dán nhãn năng lượng không chỉ góp phần bảo vệ môi trường xanh, mà còn giúp người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Báo cáo của Hội Điều hòa không khí Việt Nam cho thấy, ước tính lượng điện năng tiết kiệm được hằng năm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa không khí dán nhãn năng lượng, có hiệu suất cao vào khoảng 100 triệu kWh/năm. Có tới 62,8% sản phẩm điều hòa tại Việt Nam đạt hiệu suất năng lượng 4 sao, 5 sao.

Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để loại bỏ việc sử dụng các chất CFC bằng Hydro fluorocarbon (HFC). Tuy nhiên, năm 2016 các nước thành viên Nghị định thư Motreal đã thông qua “bản sửa đổi,” bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC” (gọi tắt là Bản sửa đổi) trong khuôn khổ Nghị định thư Motreal. Nguyên nhân bởi HFC là chất khí làm gia tăng hiệu ứng nhà kính.

Về lộ trình của Việt Nam thực hiện chuyển đổi này, Cục biến đổi khí hậu đã thực hiện đánh giá tác động về mặt kinh tế, xã hội khi Việt Nam tham gia Bản sửa đổi này và hiện đang hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ tài nguyên và Môi trường xem xét trình Chính Phủ phê duyệt.

Để thực hiện loại trừ chất HFC, các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có cơ hội thay đổi công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế, sản xuất bền vững và tăng sức cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội mới tỏng ngành kinh doanh góp phần giải quyết công ăn việc làm, phát triển kinh tế - xã hội, bảo về môi trường.

Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục biến đổi khí hậu cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ để đồng hành, hỗ trợ cùng các doanh nghiệp loại trừ thành công các chất do Nghị định thư Montreal kiểm soát, đảm bảo lợi ích khí hậu và lợi ích của các doanh nghiệp.

“Đến thời điểm này, Bộ Tài Nguyên và Môi trường kết hợp với cục hải quan cũng như các cơ quan chức năng đã kiểm soát được các thiết bị nhập khẩu không chứa chất phát thải gây thủng tầng ozon,” ông Tấn nhấn mạnh./.

Thoa Chu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dan-nhan-tiet-kiem-nang-luong-cam-ket-xanh-voi-nguoi-tieu-dung/558936.vnp