'Việt Nam có 11 'phòng thí nghiệm thiên nhiên' để phát triển bền vững'

Việt Nam hiện có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là những 'phòng thí nghiệm thiên nhiên' để chúng ta áp dụng cách tiếp cận toàn cầu, giải pháp mới để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà. (Nguồn ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà. (Nguồn ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, các khu dự trữ sinh quyển là những “phòng thí nghiệm thiên nhiên” để chúng ta áp dụng cách tiếp cận toàn cầu, giải pháp mới để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.

20 năm giữ gìn "ngôi nhà xanh" cho tương lai

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế về khu dự trữ sinh quyển diễn ra trong ngày 3/11, tại Vườn Quốc gia Cát Bà (thành phố Hải Phòng), ông Nhân nhấn mạnh nhân loại vẫn đang phải đối mặt với các khủng hoảng do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử.

Trong bối cảnh đó, mối quan hệ của con người với thiên nhiên và với sự sống của hành tinh cần được chú trọng trong các quyết sách phát triển đất nước. Vì thế, các khu dự trữ sinh quyển thế giới được xem là một giải pháp điển hình cho các mô hình phát triển bền vững, đảm bảo sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Tại Việt Nam, khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ vào năm 2000. Sau 22 năm phát triển, bước ta đã có một hệ thống bao gồm 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận với những khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học; trở thành quốc gia có số lượng khu DTSQ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Trong thời gian qua, chính sách và hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ quản lý các khu dự trữ sinh quyển đã từng bước được thiết lập. Trong đó, tăng cường hiệu quả quản lý các khu dự trữ sinh quyển là nhiệm vụ được đặt ra trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đến nay, các văn bản hướng dẫn của bộ luật này cũng đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường các khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Mặc dù vậy, theo ông Nhân, Việt Nam hiện vẫn đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch COVID, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.

“Vì thế việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong đó, các khu dự trữ sinh quyển là những ‘phòng thí nghiệm thiên nhiên’ để chúng ta áp dụng cách tiếp cận toàn cầu, các giải pháp mới nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững,” ông Nhân nói và nhấn mạnh rằng thực tế trên cũng là lý do mà năm 2022, Ngày Quốc tế về Khu Dự trữ sinh quyển lần đầu tiên được kỷ niệm trên toàn thế giới.

Theo ông Nhân, đây là sự kiện quan trọng để tuyên truyền sâu rộng cho toàn xã hội về vai trò của khu dự trữ sinh quyển thế giới đối với đời sống và sinh kế con người; qua đó kêu gọi các sáng kiến và hành động về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thực hiện các sinh kế bền vững cho cộng đồng trên toàn cầu và góp phần thúc đẩy đạt mục tiêu phát triển bền vững ở tất cả các quốc gia.

Thiết lập mô hình điểm về phát triển bền vững

Với việc Việt Nam đã có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESSCO công nhận, ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) cho rằng một trong những vấn đề thực tiễn quan trọng nhất mà con người đang phải đối mặt hiện nay, đó là làm thế nào để có thể tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sự thúc đẩy kinh tế-xã hội; duy trì các giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tham gia chương trình trồng cây để hưởng ứng và thúc đẩy thực hiện “Sáng kiến 1 tỷ cây xanh." (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trên cơ sở đó, ông Trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục thể hiện sự quyết tâm trong việc thiết lập các mô hình điển hình trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; triển khai các sáng kiến, giải pháp nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên, môi trường, tăng cường sự hợp tác trong mạng lưới nhằm chia sẻ các thông tin, bài học kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả quản trị khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng để tiếp tục thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, các các cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có khu dự trữ sinh quyền và các bên có liên quan cần đẩy mạnh việc tổ chức tuyên truyền, kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái; tăng cường quản lý và phát huy chức năng về bảo tồn, hỗ trợ và phát triển của các khu dự trữ sinh quyển tại địa phương.

Mặt khác, các bên liên quan cần áp dụng các mô hình sinh kế bền vững, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; xây dựng các khu dự trữ sinh quyển trở thành các mô hình mẫu về phát triển bền vững; đẩy mạnh các giải pháp đầu tư vào bảo tồn, quản lý và phát triển bền vững các khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Ngoài ra, Việt Nam cần huy động và đa dạng hóa các nguồn lực để hỗ trợ và tăng cường hiệu quả quản lý các khu dự trữ sinh quyền; tăng cường hợp tác với UNESCO, các tổ chức quốc tế, các thành viên trong mạng lưới khu dự trữ sinh quyển trên thế giới để phát triển mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.

Góp thêm ý kiến, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cũng cho rằng các nhà lãnh đạo quốc gia và địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của các khu dự trữ sinh quyển thế giới.

“Hưởng ứng Ngày quốc tế lần thứ nhất về Khu dự trữ sinh quyển, chúng tôi kêu gọi các hành động đồng bộ, phối hợp đa bên để bảo vệ thiên nhiên và môi trường, cũng như cần ưu tiên xem xét các nhu cầu của cộng đồng trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì cách tiếp cận cảnh quan và tăng cường hấp thụ khí nhà kính để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050,” bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Thống nhất với các định hướng trên, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển của Việt Nam cũng nhận định việc bảo vệ các khu dự trữ sinh quyển chính là bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Vì thế, thời gian tới, mỗi khu dự trữ sinh quyển trên cả nước sẽ có những sáng kiến riêng để đạt được mục tiêu chung là phát triển bền vững.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng thực hiện cam kết hành động bảo tồn các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Tiếp đó, các đại biểu tham gia chương trình trồng cây để hưởng ứng và thúc đẩy thực hiện Sáng kiến 1 tỷ cây xanh./.

11 khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam có tổng diện tíc 4.866.009 hécta (chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên cả nước), bao gồm: Rừng ngập mặn Cần Giờ (năm 2000), Đồng Nai (năm 2001), quần đảo Cát Bà, đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ Sông Hồng (năm 2004), ven biển và biển đảo Kiên Giang (năm 2006), Miền Tây Nghệ An (năm 2007), Cù Lao Chàm (năm 2009), Mũi Cà Mau (năm 2009), Lang Biang (năm 2015), Núi Chúa, Cao nguyên Kon Hà Nừng (năm năm 2021).

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục hướng dẫn đề cử, quản lý các khu dự trữ sinh quyển thế giới, phấn đấu đến năm 2030 có 15 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và nâng cao hiệu quả quản lý...

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-co-11-phong-thi-nghiem-thien-nhien-de-phat-trien-ben-vung/827117.vnp