Việt Nam chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng lượng bom, mìn, vật nổ còn sót lại luôn là nguy cơ tiềm ẩn đã gây ra nhiều tai nạn thương tâm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân.

18.71 diện tích đất trên cả nước còn bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ

Việt Nam được biết đến bởi mức độ ô nhiễm bom mìn một cách nghiêm trọng bởi đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn. Theo báo cáo công bố hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, hiện nay diện tích đất đai hiện còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên 6,1 triệu ha, chiếm 18,71 % diện tích đất cả nước.

Thống kê của Bộ Tư lệnh Công binh, chỉ tính riêng số bom, mìn, vật nổ từ năm 1945 đến 1975 do quân đội đối phương sử dụng ở Việt Nam đã lên tới trên 15 triệu tấn, nhiều gấp 4 lần so với Chiến tranh Thế giới thứ hai. Kết quả điều tra năm 2002, số bom mìn vật nổ còn sót lại ở nước ta khoảng 800.000 tấn, làm ô nhiễm khoảng 20% diện tích đất đai toàn quốc, chưa tính đến ô nhiễm bom mìn dưới biển. 63/63 tỉnh, TP trong cả nước đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Trong đó 19 tỉnh có tất cả số xã phường, thị trấn đều bị ô nhiễm như: Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Cần Thơ, Cà Mau, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Có những tỉnh như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, diện tích bị ô nhiễm từ 78 đến trên 83%.

Tính từ khi kết thúc chiến tranh (4-1975) đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương. Tại một số tỉnh miền Trung gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Ngãi, Bình Đình đã có trên 22.800 nạn nhân của bom, mìn. Trong đó có 10.540 người chết, 12.260 người bị thương. Phần lớn nạn nhân của bom mìn đều là lao động chính trong gia đình, hoặc là lứa tuổi tương lai của đất nước. Nhiều nạn nhân tuy sống sót nhưng lại trở thành gánh nặng suốt đời cho gia đình và xã hội.

Các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm, có thể gây nổ khi tác động phải trong quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học. Bởi thế ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.

Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2025 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 21-4-2010 (Chương trình 504) đã đưa ra mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý về tổ chức, quản lý và cơ sở hạ tầng cho các quốc gia, các tổ chức trong nước và quốc tế xem xét để viện trợ, tài trợ.

Các công việc này đến nay đã, đang được các Bộ, ngành và các địa phương triển khai tích cực. Hàng triệu quả bom, mìn, vật nổ các loại đã được thu gom, xử lý, giải phóng hàng trăm nghìn ha đất, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, đời sống nhân dân, giảm thiểu tai nạn, thương tích do bom mìn.

Tuy nhiên do chiến tranh xâm lược diễn ra trong thời gian dài với số lượng bom mìn mà quân đội đối phương đã sử dụng rất lớn, tình trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam hiện vẫn rất nặng nề. Phần lớn những vùng bị ô nhiễm nặng do bom mìn, vật nổ còn sót lại thì kinh tế đều kém phát triển. Các nhà đầu tư không muốn mạo hiểm đầu tư; người nông dân thì dễ có tâm lý lo sợ khi canh tác trên các vùng đất bị ô nhiễm bom mìn, dẫn đến năng suất lao động không cao, cuộc sống ngày càng thêm khó khăn.

Học sinh THCS Quảng Bình được bộ đội công binh hướng dẫn cách nhận biết các loại bom, mìn, vật nổ. ẢNH TƯ LIỆU

Học sinh THCS Quảng Bình được bộ đội công binh hướng dẫn cách nhận biết các loại bom, mìn, vật nổ. ẢNH TƯ LIỆU

Sẽ có nghị định quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn

Tại họp báo thông tin khắc phục hậu quả bom, mìn ở Việt Nam hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn năm nay, Bộ LĐ-TB&XH biết, năm 2017, các bước để hoàn chỉnh Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn đã được triển khai tích cực để trình Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn trong thời gian tới sẽ tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật sau khi Nghị định quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn được ban hành và có hiệu lực.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế vận động tài trợ trong nước đáp ứng mục tiêu Chương trình 504, thực hiện xã hội hóa hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đã ký kết với Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNMAS… đề xuất hỗ trợ về năng lực dò tìm, xử lý bom mìn dưới biển và chế tạo trang thiết bị dò tìm, xử lý bom mìn… Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, triển khai chính sách xã hội đối với nạn nhân bom mìn một cách toàn diện. Tăng cường tuyên truyền về thực trạng và hậu quả bom mìn, vật nổ nhằm giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân cũng đã được tích cực triển khai.

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng tránh tai nạn bom mìn năm 2018, nhiều hoạt động thiết thực cũng sẽ được các Bộ, ngành tích cực phối hợp triển khai như: Mít tinh, diễn hành, triển lãm trưng bày tranh ảnh phản ánh thực trạng ô nhiễm và mối hiểm họa của bom mìn, vật nổ đối với con người, công tác khắc phục hậu quả trong những năm qua, và lễ diễu hành. Tối ngày 3-4-2018, sẽ tổ chức Chương trình giao lưu truyền hình “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam”. Trong chương trình giao lưu sẽ ra mắt Ban chỉ đạo 701; công bố hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam - giai đoạn 1; kết quả hoạt động của Chương trình 504. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm khắc phục hậu quả bom mìn ở các địa phương.

Theo Đại tá Lê Xuân Cát – Phó Chính ủy Binh chủng Công binh, với số lượng lớn bom, mìn, vật nổ còn tồn lại cùn những khó khăn hiện tại vẫn chưa thể khẳng định mốc thời gian cụ thể có thể khắc phục xong hậu quả bom mìn chiến tranh để lại. Có thể sẽ phải mất đến hàng trăm năm. Nhưng với quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta, sự nỗ lực, chung tay của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể; sự hỗ trợ tích cực của các nước, các tổ chức quốc tế, hy vọng Việt Nam sẽ sớm khắc phục xong hậu quả bom, mìn.

Nguyên An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/viet-nam-chung-tay-khac-phuc-hau-qua-bom-min-sau-chien-tranh-113079.html