Việt Nam chưa hiểu rõ thị trường Trung Quốc

Sự thật buồn này được ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác chia sẻ.

Trong buổi làm việc của Bộ NN-PTNT với lãnh đạo Sở NN-PTNT các địa phương vùng ĐBSCL diễn ra tại Cần Thơ, ông Hải nói rằng: "Trong chuyến đi nghiên cứu thị trường Trung Quốc với Thứ trưởng Nam (ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT - PV), chúng tôi phát hiện Trung Quốc là thị trường rất lớn, nhưng phía Việt Nam chưa hiểu gì về người tiêu dùng trong nội tại Trung Quốc".

Theo tường thuật của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Hải đã đưa ra nhiều ví dụ chứng minh cho sự thật buồn này.

Chẳng hạn, với trái mít, đây là loại trái cây Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc rất nhiều, nhưng quốc gia này nhập về không phải để ăn tươi.

“Phần lớn họ nhập mít của ta (Việt Nam) về sơ chế, chế biến thành bột mít để họ sử dụng cho lương khô trong quân đội của họ”, ông cho biết và nói rằng: “Việt Nam chúng ta bán sản phẩm thô và họ làm bột như thế”.

Với củ khoai lang ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long hay của tỉnh Gia Lai, theo ông Hải, Việt Nam bán khoai lang như một loại nguyên liệu thô, nhưng Trung Quốc nhập về chế biến thành bột, nhân để làm bánh.

“Họ mua khoai lang tím Nhật của mình để lấy màu, sau đó hấp lên và đóng thành thùng 15kg để xuất đi Nhật Bản và các quốc gia khác - những nơi cấm sử dụng phẩm màu công nghiệp trong thực phẩm để làm bánh”, ông Hải cho biết.

Còn với nấm, theo ông, Trung Quốc nhập rất nhiều, kể cả phụ phẩm và hiện nay một số doanh nghiệp Việt Nam tuy không công bố, nhưng phần lời chính của doanh nghiệp xuất khẩu nấm là đi sang Trung Quốc.

Trong khi đó, với sản phẩm gạo, theo ông Hải, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu đến 50% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, nhưng rất ít người biết Trung Quốc không ăn gạo Việt Nam.

“Khoảng 50% gạo Trung Quốc mua của mình là để sử dụng cho các mục đích khác ở các quốc gia châu Phi, một phần là trong các nhà tù và phần còn lại là ở các vùng có nội chiến”, ông cho biết và thông tin, Trung Quốc ăn loại gạo dài ngày, khoảng 6 tháng.

Đã có nhiều cuộc giải cứu nông sản Việt vì Trung Quốc không mua

Đã có nhiều cuộc giải cứu nông sản Việt vì Trung Quốc không mua

Sự không am hiểu thị trường, thậm chí thụ động ngồi chờ người đến hỏi mua của nông sản Việt đã nhiều lần được phản ánh.

Tại một hội thảo năm 2018, ông Vĩ Tích Thành - Tham tán Thương mại và kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM từng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân khiến nông sản Việt gặp khó ở thị trường Trung Quốc, mà một trong những nguyên nhân chính là người Việt chưa hiểu về thị trường Trung Quốc.

"Các doanh nghiệp chưa chủ động xem thị hiếu, nhu cầu của người dân Trung Quốc là gì để từ đó tập trung sản xuất. Ngược lại, chính các thương lái Trung Quốc đã đi tìm gặp nông dân để thu mua", ông nói.

Cũng theo ông Thành: "Ẩm thực với người Trung Quốc rất quan trọng. Chúng tôi rất thích ăn, biết ăn và ăn rất khỏe. Tuy nhiên, người Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn của nông sản. Không phải vì đông dân nhất thế giới, nhu cầu nông sản, ẩm thực nhiều mà cái gì cũng có thể bán được cho Trung Quốc”.

Bởi thiếu am hiểu thị trường, chất lượng nông sản lại không đồng đều dẫn đến nông sản Việt Nam mất điểm khi cuộc chơi lớn về xuất nhập khẩu nông sản ngày càng có nhiều yêu cầu khắt khe.

Cũng trong năm 2018, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - chuyên đề Nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico đã nói về sự thụ động của nông sản Việt: "Nông sản Việt Nam muốn bán hàng cần phải đi ra chợ và một trong những cái chợ lớn nhất thế giới hiện nay chính là Trung Quốc. Nhưng có thể nói rằng, chúng ta không có gian hàng nào ở đó, chỉ ngồi ở nhà chờ họ đến mua. Nông sản Việt Nam đang như một cô gái quê danh giá, chỉ chờ họ tới nhà tán tỉnh và nói hãy mua tôi đi. Đây là điều chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại, thay vì nghĩ tới những thứ cao sang".

Chính sự thiếu hiểu biết thị trường đã khiến nông sản Việt nhận nhiều 'quả đắng' từ thị trường Trung Quốc, mà dễ thấy nhất là những vụ giải cứu dưa hấu, thanh long... do thị trường Trung Quốc không mua.

Một ví dụ khác, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 5,5% trong năm 2018 và trong 11 tháng năm 2019 tiếp tục giảm 5,86% so với cùng kỳ.

Bốn mặt hàng bị ảnh hưởng nhất là gạo (225 triệu USD, giảm 66,37%); rau quả (2,24 tỷ USD, giảm 14,02%); cà phê (89,5 triệu USD, giảm 8,94%) và sắn, sản phẩm từ sắn (736 triệu USD, giảm 1,05%).

Thậm chí, trong hai tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã rớt ra ngoài danh sách nước nhập khẩu gạo lớn thứ 7 của Việt Nam.

Ngoài ra, thịt lợn Việt, tưởng tận dụng được cơ hội Trung Quốc thiếu thịt nghiêm trọng do dịch tả heo, cũng không lọt qua được cửa khẩu do Trung Quốc thắt chặt kiểm soát tại khu vực biên giới, Việt Nam và nước bạn chưa ký kết chính thức xuất khẩu chính ngạch.

Dù ăn phải "quả đắng", nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để doanh nhân liên kết với nông dân để khai thác các thị trường mà Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do (FTA), tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bên cạnh đó, đây cũng là lúc Việt Nam nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt phải chú trọng các khâu kiểm dịch, khử trùng.

Ngoài việc cần tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, Việt Nam cũng cần tìm hiểu kỹ thị trường cần gì thay vì nuôi trồng tràn lan không kế hoạch, rồi đến mùa là ùn ùn mang lên biên giới, dẫn đến các vụ giải cứu nông sản đã trở thành thông lệ.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/viet-nam-chua-hieu-ro-thi-truong-trung-quoc-3428004/