'Việt Nam chưa giàu đã già': Đánh thức nguồn lực…

Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng gần như là không đổi so với dân số trước năm 2007.

Đó là ý kiến của PGS. TS Nguyễn Hồng Nga, ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM về mối lo “chưa giàu đã già” của nền kinh tế Việt Nam.

Nguy cơ hiện hữu

PV: Thưa ông, trong một buổi làm việc với lãnh đạo Việt Nam mới đây, GS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) một lần nữa nêu lên cảnh báo Việt Nam chưa giàu đã già. Điều này đã từng được GS Trần Văn Thọ, ĐH Waseda (Nhật Bản) cảnh báo với hàm ý, Việt Nam phải tìm cách tránh bẫy thu nhập trung bình, mà nguồn gốc là từ việc tận dụng lao động giá rẻ, thâm dụng tài nguyên và nền kinh tế không thể phát triển lên trình độ cao hơn. Vị GS này còn dẫn chứng, so sánh với các nước đã bước qua giai đoạn dân số vàng, như Nhật Bản hiện thu nhập đầu người là 30.000 USD, Hàn Quốc là 20.000 USD, Thái Lan và Trung Quốc khoảng 4.000 USD. Song với Việt Nam, GDP đầu người năm 2013 mới ở mức 1.900 USD. Như vậy, nếu lấy năm 2020 là mốc chấm dứt giai đoạn dân số vàng thì thu nhập đầu người cũng chỉ 2.600 USD.

Ông bình luận như thế nào về những cảnh báo nói trên? Chúng ta phải hiểu lời cảnh báo trên theo ý nghĩa đầy đủ như thế nào, chúng ta không kịp tận dụng ưu thế dân số vàng để phát triển hay khi mất đi ưu thế dân số vàng, nền kinh tế VN sẽ không còn động lực để phát triển?

PGS. TS Nguyễn Hồng Nga : Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu “dân số vàng” thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 -50 năm. Như vậy trong thời gian này đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, năng động và sáng tạo…đó là phương tiện cực kỳ quan trọng để góp phần vào tăng trưởng và phát triển kinh nếu chúng ta sử dụng và khai thác tối đa hiệu quả nguồn nhân lực đầy sinh lực này. Không ít các quốc gia châu Á đã sử dụng triệt để cơ hội “dân số vàng” để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.

PGS. TS Nguyễn Hồng Nga, ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

Tại Việt Nam nếu tình từ năm 2007 khi đất nước bước vào giai đoạn đầu của dân số vàng, đến nay đã được 1 con giáp nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa vận dụng được lợi thế của dân số vàng để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng gần như là không đổi so với dân số trước năm 2007. Theo số liệu dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp Quốc (UNFPA), đến năm 2033, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở Việt Nam sẽ hơn 20%. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ ở vào giai đoạn dân số già trong vòng gần 20 năm nữa.

Khi đó 1 người lao động “cõng” hơn 1 người già. Nếu chúng ta tăng trưởng bình quân 6.5% một năm, tính toán cả sự gia tăng dân số 1.08% một năm thì sau 13 năm GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi (tức là khoảng 4000 USD) và lúc đó Việt Nam đang đi vào kỷ nguyên dân số già và GDP bình quân đầu người hầu như không gia tăng nếu không có sự cải thiện về chất lượng giáo dục, về khả năng sáng tạo và công nghệ để tăng năng suất lao động thì khả năng chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình là không nhỏ nếu không nói là tất yếu. Khoảng thời gian đầu, tức là 20 năm đầu kể từ khi tính dân số vàng là thời cơ có một không hai để tăng năng suất lao động, để tăng trưởng kinh tế đi vào chiều sâu, tạo ra giá trị gia tăng lớn và đóng góp không nhỏ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Rất tiếc là hiện nay chúng ta chưa làm được điều này.

Chúng tôi hy vọng sau 15 năm nữa, chúng ta sẽ có 1 lớp trẻ đầy năng động, sáng tạo sẽ là động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới!

PV: Đặt trong bối cảnh kinh tế hiện tại, lợi thế dân số vàng sắp chấm dứt, thế giới bước vào công nghiệp 4.0 nhưng Việt Nam đang mắc kẹt ở giai đoạn cách mạng lần thứ hai, thu hút FDI tốt nhưng chủ yếu là gia công, không có nhiều cải thiện về nền tảng công nghệ, nguồn tài nguyên thiên nhiên đã bị khai thác cạn kiệt và nhiều năm nay, nguồn sinh lợi rõ ràng nhất là ở tài nguyên đất đai..., những cảnh báo trên có ý nghĩa như thế nào? Nếu mắc phải kịch bản 'chưa giàu đã già', có thể hình dung diện mạo nền kinh tế Việt Nam khi đó sẽ như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Hồng Nga: Vốn có thể vay mượn, công nghệ chúng ta có thể nhập khẩu nhưng nhân lực, những người trực tiếp và gián tiếp làm ra của cải cho đất nước, thì chúng ta không thể “nhập ngoại” được. Nguồn nhân lực là quan trọng nhất trong tất cả các nguồn lực để phát triển kinh tế, Nhật Bản, Singapore, Israel là những nước không có tài nguyên thiên nhiên nhưng hiện đang là những nước có thu nhập cao hàng đầu thế giới với GDP bình quân đều trên 40 ngàn USD.

Đúng là Việt Nam đang thu hút FDI cao chưa từng có với gần 18 tỷ đô la giải ngân trong năm 2018, tuy nhiên phần lớn FDI vào các lĩnh vực gia công chế tạo, vận tải, hóa học, sản xuất thép, bất động sản, khai thác dầu thô và nhất là sản xuất và tiêu dùng có tính kinh tế theo qui mô. Đây chính là những đặc điểm chính của cuộc Cách mạng công nghệ (CMCN) lần thứ 2.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/viet-nam-chua-giau-da-gia-danh-thuc-nguon-luc-3372424/