Việt Nam chưa công nhận tiền điện tử là điều dễ hiểu!

Trước những vụ lừa đảo tiền ảo theo hình thức đa cấp diễn ra trong thời gian gần đây, PV Báo DĐDN đã phỏng vấn bà Trang Phùng, Giám đốc dự án tại Bitcoin Vietnam về vấn đề quản lý tiền ảo hiện nay.

- Liên tiếp trong thời gian ngắn hàng loạt vụ lừa đảo liên quan đến tiền điện tử xảy ra từ vụ iFan đến việc Skymining cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý, bà đánh giá về hậu quả từ việc thiếu hành lang pháp lý hiện nay của Việt Nam như thế nào? Theo bà, Việt Nam nên ứng xử ra sao với tiền điện tử?

Xu thế của công nghệ Blockchain hiện đang mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các quốc gia trên thế giới, song song với đó hầu hết mọi quốc gia đều có những quan ngại nhất định trước xu thế của Tiền ảo. Vì vậy việc đưa ra được khung pháp lý cho tiền ảo không phải là việc đơn giản, một sớm một chiều mà cần tiến hành nhiều nghiên cứu cũng như thử nghiệm phối hợp từ cơ quan Chính phủ đến những doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Do đó, Việt Nam đang từng bước thận trọng chứ không ồ ạt phát triển khung pháp lý cho Tiền ảo là điều dễ hiểu. Tuy nhiên cũng cần một phần nào đó đẩy nhanh hơn tiến trình này do việc thiếu khung pháp lý đang mang lại một số vấn đề khá nghiêm trọng cho nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp trong ngành. Ví dụ như:

Biến tướng của các loại hình kinh doanh liên quan như đa cấp điển hình như vụ việc IFan, Skymining, Pincoin gây mất mát hàng chục ngàn tỷ đồng từ những nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khi có tranh chấp liên quan đến tiền ảo, người dân kiện lên trên nhưng nhà nước lại chưa có khung pháp lý dựa vào để xử lý những vụ việc lừa đảo biến tướng gây hậu quả nghiệm trọng liên quan đến tiền ảo.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng thu hút vốn đầu tư và đặc biệt là quốc gia có tài nguyên nhân sự và nhân lực kỹ thuật cao đáp ứng được xu thế phát triển của Blockchain nói chung và tiền ảo nói riêng. Do chưa có khung pháp lý rõ ràng nên các quỹ đầu tư vẫn đang ngần ngại bỏ tiền vào các doanh nghiệp startup của Việt Nam trong ngành này. Điều này vô hình chung mang lại khá nhiều thiệt thòi cho doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp ở những nước như Singapore, Nhật và Hàn Quốc,...trong cùng ngành.

Vừa qua trên thế giới Quốc đảo Marshall trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tạo ra đồng tiền ảo quốc gia chính thống Sovereign (kí hiệu SOV) được sử dụng như công cụ thanh toán và áp dụng cùng khung pháp lý như đồng Đô la Mỹ đang được sử dụng tại quốc gia này. Như vậy có thể thấy việc chấp nhận tiền ảo là Tiền hoặc tương đương Tiền vẫn còn gây nhiều tranh cãi và chưa được thông qua tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì vậy việc Việt Nam chưa công nhận là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên trước mắt theo quan điểm cá nhân tôi có thể coi nó là một loại Tài sản ảo và tiến hành soạn thảo khung pháp lý dựa theo khái niệm trên. Từ đó đẩy mạnh việc quản lý tiền ảo và những hình thức, hoạt động kinh doanh đến tiền ảo để hạn chế những biến tướng của các loại hình kinh doanh đa cấp cũng như có những hình thức hỗ trợ và khuyến khích những DN Việt nam đang hoạt động trong lĩnh vực này.

- Hoạt động lừa đảo rất phức tạp và ngày càng tinh vi với các hình thức thay đổi khác nhau, đặc biệt nhận thức của người dân vẫn chưa thực sự thấy được rủi ro trong việc đầu tư theo hình thức đa cấp, vẫn bị lãi suất làm mờ mắt đã để lại hiệu quả lớn nhất là cho nhà đầu tư. Vậy theo bà giải pháp nào để khắc phục điều này?

Những hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo còn tồn tại là do vẫn còn những nhà đầu tư mơ trở thành "tỷ phú tiền ảo" trong nháy mắt do họ còn hổng kiến thức về đầu tư vào những dự án tiền ảo thực sự là như thế nào và tiền ảo cũng như công nghệ sau nó là gì.

Và việc thiếu kiến thức là do chúng ta còn quá yếu trong công tác tuyên truyền cũng như giáo dục người dân khi một xu hướng mới nói chung và xu hướng công nghệ mới nói riêng đang diễn ra vì vậy cần đẩy mạnh công tác tuyền truyền đến người dân, đặc biệt người dân ở cả những vùng nông thôn chứ không phải chỉ ở thành thị vì bộ phận lớn những nhà đầu tư bị lừa tham gia đến từ những vùng nông thôn thiếu thông tin thực.

Hơn nữa việc tăng cường quản lý, giám sát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động gian lận liên quan đến việc huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp của các bộ ban ngành liên quan cũng là điều cấp bách nên làm.

Những hoạt động lừa đảo này thường hoạt động một cách rất công khai, liên tục tổ chức những sự kiện phô trương lớn để làm mờ mắt nhà đầu tư và kêu gọi đầu tư với lãi suất khủng ngay trên những trang mạng xã hội như Facebook. Do đó việc phát hiện kịp thời nhưng hoạt động lừa đảo trên không phải là điều không thể thực hiện được.

- Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/chuyen-gia-viet-nam-chua-cong-nhan-tien-dien-tu-la-dieu-de-hieu-134060.html