Việt Nam chưa cấp phép thuốc giải rượu: Coi chừng rước họa

Trước việc nhiều người tìm mua thuốc giải rượu, thực phẩm chức năng giải rượu nhằm đánh bay nồng độ cồn trong máu tránh 'ăn' biên bản vì nồng độ cồn.

Coi chừng rước họa vì giải rượu

Coi chừng rước họa vì giải rượu

Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định chưa có thuốc nào giải rượu được lưu hành ở Việt Nam.

Đại diện diện Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo, khẳng định: Tại Việt Nam chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành có công dụng giải rượu thần tốc hay “thổi bay nồng độ cồn” như vậy. Theo Cục Quản lý dược, ngay cả trên thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này. Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hóa, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.

Hiện nay có một số loại thuốc gây cảm ứng enzym gan, giúp gan tăng cường chuyển hóa, đào thải rượu. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được dùng trong cấp cứu y khoa (nghiện rượu, ngộ độc…) với sự chỉ định của bác sĩ. Quá trình sử dụng thuốc phải được theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế vì có thể gây ra phản ứng nguy hại cho sức khỏe.

Theo PGS Nguyễn Hữu Đức – nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM các thuốc giải rượu đều không thể giải được rượu bia như quảng cáo. PGS Đức cho rằng người dân nên cảnh giác và tốt nhất để không vi phạm Luật phòng chống tác hại bia rượu thì không nên uống rượu bia và nếu uống thì không nên lái xe tham gia giao thông.

PGS Đức cho biết một vài loại thực phẩm chức năng quảng cáo giải bia, giải rượu thực ra nó chỉ là loại thực phẩm chức năng chứ một số vitamin như vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic… để hỗ trợ cho người uống cảm giác khỏe hơn chứ không phải là thuốc giải rượu.

Hơn thế, nếu sử dụng loại thuốc này còn không rõ thành phần có thể làm hại gan hơn. PGS Đức từng gặp bệnh nhân sau khi uống bia rượu về uống hai viên giải rượu và kết quả hôn mê chức năng gan luôn vì gan quá tải khi giải rượu còn cố gánh thêm giải thuốc này.

PGS Đức tiếp tục nhấn mạnh uống thuốc giải rượu để tăng khả năng bia rượu hay giải nồng độ cồn để tránh bị phạt khi đi nhậu chỉ chuốc họa vào thân. Có những trường hợp được ghi nhận là suýt mất mạng vì tưởng mình có thuốc giải rượu nên cứ uống. Chưa nói đến sự nguy hiểm khi gặp phải rượu giả.

K. Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/viet-nam-chua-cap-phep-thuoc-giai-ruou-coi-chung-ruoc-hoa-post328479.info