Việt Nam chịu rủi ro rất lớn về lượng nước và chất lượng nước

Việt Nam chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông…

Sáng 17-8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội tổ chức hội nghị giải trình về vấn đề an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý hồ, đập.

Thực hiện giám sát chuyên đề nói trên, trong tháng 7-2020, Ủy ban KHCN&MT đã tổ chức hai đợt khảo sát tại 14 tỉnh, thành ở Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Bắc.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: HOÀNG HẢI

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: HOÀNG HẢI

Rủi ro rất lớn

Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Nguyễn Vinh Hà cho hay nguồn nước của ta phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế. Theo ông Hà, tuy Việt Nam có tới 3.500 sông suối có chiều dài từ 10 km trở lên; có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000 km2 nhưng có bảy lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% lại ở khu vực đầu nguồn.

“Chúng ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa…” - ông Hà nói.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định “nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia”.

Tuy nhiên, số liệu Bộ này đưa ra có “vênh” so với báo cáo của đoàn giám sát. Theo đó, nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, từ các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông, chiếm 63% (tương ứng sông Mê Kông có 90,1%, sông Hồng 38,5%, sông Cả 18,4%, sông Mã 27,1%). Lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông.

Trên thượng nguồn sông Đà, sông Thao, sông Lô thuộc lãnh thổ nước ngoài đã xây dựng nhiều bậc thang hồ chứa thủy điện, hiện đã đưa vào vận hành khai thác nhiều công trình, tác động đến biến đổi dòng chảy về nước ta đã được ghi nhận.

Cùng với biến đổi dòng chảy về khối lượng, tại vị trí các con sông đổ vào lãnh thổ Việt Nam, nước đã bắt đầu bị ô nhiễm. Số liệu đo đạc chất lượng nước tại các vị trí biên giới sông Nậm Na (cửa khẩu Ma Lù Thành), sông Lô (cửa khẩu Thanh Thủy), nhiều chỉ tiêu chất lượng nước đã bắt đầu vượt ngưỡng cho phép.

“Nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế năm 2017 công bố: Khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động bất lợi vô cùng lớn, không thể đảo ngược đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long” - báo cáo của báo cáo của Bộ NN&PTNT nêu. Cũng theo báo cáo này, dự kiến lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040.

“Công tác đối ngoại về an ninh nguồn nước chưa được”

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại hỏi: “Việc hợp tác quốc tế của chúng ta đã đủ tích cực, chủ động chưa? Việc tham gia các điều ước quốc tế đã góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước chưa?”

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: HOÀNG HẢI

“Riêng công tác đối ngoại về an ninh nguồn nước chưa được” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận. Ông Cường dẫn chứng ngay việc chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các quốc gia trong hệ thống lưu vực cũng rất hạn chế.

“Không có chia sẻ, đại hồng thủy đến thì làm thế nào? Không phải là chuyện đơn giản” - ông Cường nhấn mạnh và đề nghị Ủy ban Đối ngoại, Bộ Ngoại giao phải tiếp tục đấu tranh, kiến nghị, phải có giải pháp ngoại giao Việt Nam, để làm sao có được thông tin theo đúng yêu cầu của quốc tế.

Trong khi đó, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cũng cho biết các thỏa thuận pháp lý đang “hết sức lỏng lẻo và hoàn toàn tự nguyện”, chủ yếu mang tính chất tham vấn và tôn trọng quyền độc lập, tự chủ của mỗi nước.

“Ủy hội sông Mê Kông, hai nước quan trọng nhất là Trung Quốc và Myanmar lại không tham gia” - ông Hà nói thêm.

“Chúng ta xác định là tận dụng những thỏa thuận đã có và duy trì nó. Về lâu dài, chúng ta phải tiếp tục kiên trì, có lộ trình, làm sao để các nước hướng tới có sáng kiến và có thỏa thuận chung mang tính pháp lý cao hơn” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Nguy cơ mất an ninh nguồn nước hiện hữu cả ở hiện tại và tương lai

“Nguy cơ mất an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập ở Việt Nam là hiện hữu trong cả hiện tại và tương lai” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói khi phát biểu kết luận hội nghị.

Theo ông Hiển, Việt Nam gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước như về tổng lượng dòng chảy, chế độ dòng chảy, nguồn phù sa, nguồn lợi thủy sản…

“Chưa kể đến, việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam. Khi cần thì thiếu nước, khi không cần lại thừa nước” - ông Hiển nói và cho rằng tình trạng xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có một phần nguyên nhân do thiếu nước thượng nguồn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: HOÀNG HẢI

Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng tỉnh Bến Tre, nơi có 100% các xã bị xâm ngập mặn năm 2020, dẫn đến tổng thiệt hại của tỉnh này lên tới 1.600 tỉ đồng.

“Cả tỉnh thiếu nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt trầm trọng. Người dân đã phải mua nước ngọt từ 60.000 đồng đến 200.000 đồng/m3. Nông dân thì khó khăn, điêu đứng; doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng” - ông Hiển nói.

Một vấn đề rất đáng quan tâm, theo ông Hiển, là dù thiếu nước nhưng hiệu quả sử dụng nước của chúng ta đem lại cho tăng trưởng GDP rất thấp. Mỗi m3 nước mới tạo ra 2,37 USD GDP, chỉ bằng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD GDP…

Cạnh đó là tình trạng ô nhiễm (ở các mức độ khác nhau) của các con sông chính ở Việt Nam do phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa rất cao (từ 38 đến 40%), dân số tăng nhanh, việc đắp đập làm thủy lợi, thủy điện, lấp ao, hồ, sông, suối, phát triển đô thị, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ…

“Những vấn đề trên đã trở thành thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước cả hiện tại và tương lai” - ông Hiển kết luận.

“Việt Nam là quốc gia thiếu nước”

“Nhiều người lầm tưởng Việt Nam thừa nước ngọt nhưng thực tế chúng ta là quốc gia thiếu nước” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Ông Hiển dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy lượng nước bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt hơn 3.800 m3/người/năm, thấp hơn chỉ tiêu 4.000 m3/người/năm của Hội tài nguyên nước quốc tế.

“Nguy cơ này càng trở nên trầm trọng do biến đổi khí hậu, tăng dân số và sự phát triển nóng của tăng trưởng kinh tế” - ông Hiển khẳng định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho hay một kịch bản xấu có thể xảy ra. Theo đó, đến năm 2050, nước biển dâng cho toàn dải ven biển Việt Nam từ 21 đến 25 cm và có khả năng đến năm 2100, từ 44 đến 73 cm. Đó là chưa kể nước dâng do bão, do thủy triều ven bờ, do sụt lún đất vì khai thác nước ngầm quá mức.

“10% đồng bằng sông Hồng, 15% đồng bằng sông Cửu Long, 14% TP.HCM và từ 20 đến 30% diện tích đất của Thái Bình, Nam Định, Hậu Giang, Cà Mau cuối thế kỷ này có thể ngập nước, ảnh hưởng đến sinh kế của 20 triệu người dân và hàng trăm nghìn doanh nghiệp” - ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, thực tế khảo sát cho thấy tỉnh Cà Mau là vùng đất thấp, đa phần chỉ cao hơn nước biển có 0,5 m nhưng liên tục bị lún với tốc độ từ 1 đến 2 cm/năm. Cùng với nước biển dâng 1 cm/năm thì khả năng chỉ sau 25 năm, đa phần diện tích Cà Mau sẽ xấp xỉ mặt nước biển.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/viet-nam-chiu-rui-ro-rat-lon-ve-luong-nuoc-va-chat-luong-nuoc-932332.html