Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu khỉ sang Trung Quốc cho mục đích y tế

Để xuất khẩu được khỉ sang Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu và đáp ứng được các điều kiện được nêu trong Nghị định thư, cần đăng ký để Cục Thú y tổng hợp, xác nhận và gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, quyết định…

Khỉ nuôi để xuất khẩu hiện nay chủ yếu phục vụ ngành sản xuất vaccine.

Khỉ nuôi để xuất khẩu hiện nay chủ yếu phục vụ ngành sản xuất vaccine.

Ngày 31/7/2024, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản gửi Chi cục Thú y vùng I, II, III, IV, V, VI và VII; Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh về việc áp dụng mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu khỉ sống từ Việt Nam sang Trung Quốc.

DOANH NGHIỆP CÓ THỂ ĐĂNG KÝ XUẤT KHẨU KHỈ SANG TRUNG QUỐC

Cục Thú y Việt Nam cho biết ngày 29/7/2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức có văn bản thông báo với Cục Thú y đồng ý với Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu khỉ từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Trước đó, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch động vật đối với khỉ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết vào ngày 6/6/2024, nhân chuyến sang thăm và làm việc tại Việt Nam của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Triệu Tăng Liên.

Ngay sau khi Nghị định thư được ký kết, Cục Thú y đã tiếp tục chủ động làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thảo luận và thống nhất nội dung Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu khỉ từ Việt Nam sang Trung Quốc. Quá trình trao đổi cũng nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, hiệu quả của Đại sứ quán Việt Nam (Thương vụ) tại Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Ông Hoàng Trung và ông Triệu Tăng Liên ký nghị định thư về xuất khẩu khỉ.

Ông Hoàng Trung và ông Triệu Tăng Liên ký nghị định thư về xuất khẩu khỉ.

Theo Nghị định thư, để xuất khẩu được khỉ, phải không có bệnh Ebola Hemorrhagic và bệnh Marburg, không có ca bệnh lâm sàng Cercopithecine Herpesvirus loại I (vi-rút B), Lao, Salmonella và bệnh lỵ trực khuẩn (Shigellosis) ở các khu vực và nơi xuất xứ của khỉ xuất khẩu trong 12 tháng.

"Khỉ xuất khẩu sang Trung Quốc phải được sinh ra hoặc nuôi nhốt ít nhất 2 năm ở Việt Nam. Trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc, khỉ đã qua kiểm dịch tại trang trại gốc xứ sẽ được cách ly 30 ngày tại địa điểm kiểm dịch được phía Việt Nam phê duyệt. Trong thời gian cách ly, khỉ sẽ được kiểm tra lâm sàng, xác nhận khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm. Tất cả khỉ sẽ được xét nghiệm trong phòng thí nghiệm được phía Việt Nam phê duyệt và chỉ những con khỉ có kết quả âm tính mới được xuất khẩu sang Trung Quốc".

Cục Thú y.

Tất cả các thùng, xe cộ, tàu, máy bay và các phương tiện, thiết bị khác dùng để vận chuyển khỉ phải được làm sạch, khử trùng bằng chất khử trùng hiệu quả được phía Việt Nam phê duyệt. Thức ăn và chất độn chuồng được sử dụng trong thời gian cách ly và vận chuyển khỉ không được có nguồn gốc từ những vùng có dịch bệnh truyền nhiễm ở động vật và phải tuân thủ các yêu cầu vệ sinh thú y.

Trong thời gian cách ly và vận chuyển, khỉ không được tiếp xúc với bất kỳ động vật khác không thuộc cùng một công ty xuất khẩu hoặc nhập khẩu và không được sử dụng cùng một phương tiện vận chuyển. Khỉ không được vận chuyển qua vùng có dịch bệnh động vật nghiêm trọng…

Tổng cục Hải quan Trung Quốc có thể cử cán bộ kiểm dịch động vật đến các cơ sở xuất khẩu khỉ, cơ sở kiểm dịch liên quan và phòng xét nghiệm để phối hợp với các bác sĩ thú y có thẩm quyền của Việt Nam trong việc thực hiện các thủ tục kiểm tra và kiểm dịch.

Trong công văn ngày 29/7, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị Cục Thú y Việt Nam thực hiện tốt việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu đối với các lô khi sống xuất khẩu sang Trung Quốc, bảo đảm đáp ứng các điều kiện nêu trong Nghị định thư và mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch đã thống nhất.

Công văn nêu trên của Cục Thú y nêu rõ, bước tiếp theo, để xuất khẩu được khỉ sang Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu và đáp ứng được các điều kiện được nêu trong Nghị định thư, cần đăng ký để Cục Thú y tổng hợp, xác nhận và gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, quyết định.

NUÔI KHỈ ĐỂ PHỤC VỤ SẢN XUẤT VACCINE

Khỉ nuôi để xuất khẩu hiện nay không nhằm phục vụ nhu cầu nuôi thú cảnh hay làm thực phẩm, mà chủ yếu phục vụ ngành sản xuất vaccine. Tại Việt Nam hiện đã có một số trang trại chuyên nuôi khỉ để xuất khẩu.

Điển hình như trang trại nuôi khỉ của ông Huỳnh Hữu Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây luôn có hàng nghìn cá thể khỉ được nuôi dưỡng, thuộc hai loài chính là khỉ đuôi dài và khỉ đuôi heo. Ông Dũng còn mở thêm trang trại nuôi khỉ ở Tây Ninh và nước bạn Lào.

Công ty TNHH MTV Dịch vụ Phúc Lộc Phát (TP.HCM) cũng đã gây nuôi xuất khẩu khỉ đuôi dài cho nghiên cứu vaccine được Cites cấp phép. Trang trại nuôi khỉ của công ty này thuộc xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM, với diện tích 6.000 m2, xung quanh trại là ruộng nước, kênh nước hoang hóa, cách biệt hẳn với các khu đô thị, khu dân cư…

Năm 2019, Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) ký Văn bản số 403 khẳng định, khỉ đuôi dài ở trại nuôi của Công ty Phúc Lộc Phát đã sinh sản ở các lứa tuổi 1 - 4 năm tuổi và dưới 1 tuổi. Nghĩa là doanh nghiệp đã gây nuôi sinh sản thành công giống khỉ đuôi dài quý hiếm và đây là điều kiện quan trọng nhất (tính hợp pháp) để Cites (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) cấp phép xuất khẩu.

Năm 2022, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã cấp chứng nhận mã số cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục II, Công ước Cites IIB-C-HCM-005 cho Công ty Phúc Lộc Phát. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm đã chứng nhận cho Công ty Phúc Lộc Phát nuôi khỉ đuôi dài, có nguồn gốc "do gây nuôi sinh sản tại trại và mua từ cơ sở gây nuôi hợp pháp".

Theo Công ty Phúc Lộc Phát, mỗi đơn hàng hợp đồng xuất khẩu khỉ sang Trung Quốc của công ty thường lên đến 1.000 con. Mỗi lô khỉ xuất khẩu, doanh nghiệp nộp thuế cho Nhà nước trên 10 tỷ đồng. Trước khi khỉ được xuất khẩu, theo quy định, khỉ phải được chích ngừa, xét nghiệm và cách ly mỗi cá thể một lồng. Mỗi lồng có khoảng cách an toàn trong một chuồng và các chuồng phải đúng cự ly trong trại cách ly chờ xuất khẩu. Sau đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Cục Thú y và Y tế dự phòng sẽ xét nghiệm, kiểm tra từng cá thể theo quy chuẩn quốc tế.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-chinh-thuc-duoc-phep-xuat-khau-khi-sang-trung-quoc-cho-muc-dich-y-te.htm