Việt Nam 'chiếm ưu thế' trong 10 không gian đương đại hàng đầu Đông Nam Á

Có tới hai không gian sáng tạo Việt Nam được nhắc tới trong một danh sách của tờ The Guardian.

Tờ báo Anh The Guardian đã tổng hợp một danh sách 10 không gian nghệ thuật đương đại hàng đầu Đông Nam Á. Đáng chú ý, trong đó có 2 cơ sở đến từ hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy sức trỗi dậy của nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng như sự công nhận của giới chuyên môn và người yêu nghệ thuật quốc tế.

Hãy cùng điểm qua các không gian nghệ thuật được The Guardian ca ngợi.

Hin Bus Depot, George Town, Penang, Malaysia

Khi Hin Bus Depot khai trương với triển lãm solo đầu tiên của nghệ sỹ nổi tiếng người Lithuania Ernest Zacharevic vào năm 2014. Những nhà tổ chức đã rất lo lắng không biết làm sao có thể thu hút được khán giả Penang đến với một địa điểm từng bị bỏ hoang trong thành phố Di sản thế giới George Town. Bất ngờ đã xảy ra khi có đến hơn 3.000 người tham dự chỉ trong hai ngày mở cửa của triển lãm.

Giờ đây Hin Bus Depot trở thành một cái tên đi đầu trong đời sống nghệ thuật Penang với các chương trình giới thiệu nghệ sỹ trong và ngoài nước, hội thảo, chiếu phim… cùng với một khu chợ cuối tuần ở không gian mở ngoài vườn.

98B COLLABoratory, Manila, Philippines

Năm 2012, khi 98B chuyển vào tòa nhà có kiến trúc độc đáo Perez-Samanillo, họ không ngờ được rằng mình đã khởi xướng một trào lưu sáng tạo mới. Từng là một khu vực mua sắm “hết thời”, hiện tại nơi đây là không gian làm việc của hàng chục nghệ sỹ và dự án sáng tạo. 98B cũng tổ chức các cuộc triển lãm, chiếu phim, thảo luận và cả bữa tiệc sôi động dành cho những tín đồ của nghệ thuật.

Ne’-Na, Chiang Mai, Thái Lan

Ne’-Na bao gồm hai không gian sáng tạo tại Chiang Mai dành cho các nghệ sỹ cư trú, bao gồm các studio, phòng ở và một loạt phòng triển lãm, biểu diễn và nghệ thuật sắp đặt. Không gian chung với bảo tàng nghệ thuật Lanna, mang tên Monfai khá gần với trung tâm, trong khi không gian Mae Rim cách trung tâm 20km lại nằm trong một vùng nông thôn yên bình, quyến rũ. Tiếng Thái có nghĩa là “Đây rồi”, Ne’-Na ra đời là sự kết hợp của các nghệ sỹ Thái Lan và Thụy Điển vào năm 1998; và giờ đây nó đã trở thành nơi tạo nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim, biên đạo múa, nhiếp ảnh gia, nhạc sỹ, nhà văn… trong và ngoài Thái Lan.

Manzi, Hà Nội, Việt Nam

Manzi bắt đầu gia nhập giới nghệ thuật Hà Nội từ năm 2012. Cái tên Manzi lấy cảm hứng từ chữ “man di” – có nghĩa là hoang dã và tự do. Tọa lạc trong một ngôi biệt thự mang kiến trúc Pháp, ít ai ngờ rằng, đây lại là điểm đến quen thuộc cho các nghệ sỹ và người yêu nghệ thuật đương đại của thủ đô. Ở tầng một là quán cà phê tĩnh lặng đầy chất thơ, trong khi tầng hai là không gian dành riêng cho các buổi triển lãm, nói chuyện về nghệ thuật – xã hội, hội thảo, đọc thơ, biểu diễn âm nhạc, chiếu phim…

Romcheick Pram, Battambang, Campuchia

Ra đời vào năm 2011 với mục đích cung cấp không gian sáng tạo cho các nghệ sỹ địa phương, Romcheick giờ đây đã phát triển nhanh chóng và bao gồm thêm cả một gallery giới thiệu các gương mặt nghệ sỹ tại Battambang – nơi vẫn được coi là “thủ đô” của nghệ thuật đương đại Campuchia. Hiện vẫn là địa điểm lui tới của các nghệ sỹ cư trú, đồng thời Romcheick còn tiến hành quảng bá các tác phẩm của họ trong và ngoài Campuchia.

The Substation, Singapore

Từng là một trạm cung cấp điện, kể từ năm 1990, nơi đây đã trở thành điểm tổ chức các cuộc triển lãm, biểu diễn nghệ thuật – khiến nó trở thành cái tên “đầu đàn” trong các không gian nghệ thuật đương đại tại đảo quốc Sư tử. Theo Substation bao gồm một nhà hát 108 chỗ dành cho các nhóm nhạc địa phương, các buổi đọc thơ, chiếu phim… và một phòng tranh chuyên giới thiệu các nghệ sỹ có độ gai góc trong sáng tạo. Những tác phẩm sắp đặt được trưng bày từng góc trong tòa nhà, từ tầng gác mái cho tới cửa ra vào dưới tầng hầm…

Myanm/art, Yangon, Myanmar

Trước khi Myanm/art chuyển vào từ năm 2016, tòa nhà 100 tuổi từng thuộc quyền sở hữu của một gia đình người Myanmar gốc Trung Quốc. Hiện tại, nơi đây trưng bày mọi thứ, bao gồm các tác phẩm của Aung Myint, cha đẻ của nghệ thuật đương đại Myanmar và từng được vinh danh tại Bảo tàng Guggenheim, New York. Myanm/art là không gian mà những nghệ sỹ trẻ mới nổi Myanmar có thể tự do thể hiện mình. Bên cạnh các hoạt động hội thảo, phát hành sách, triển lãm…, Myanm/art còn tổ chức các tour khám phá nghệ thuật thủ đô Yangon.

Cemeti – Viện Nghệ thuật và Xã hội, Yogyakarta, Indonesia

Là cái nôi lâu đời nhất của nghệ thuật đương đại Indonesia tại Yogykarta, Cemeti đã bước sang tuổi 31. Tọa lạc tại một tòa nhà từng giành được nhiều giải thưởng vì đã kết nối thành công kiến trúc với môi trường tự nhiên, Cemeti là một địa điểm quen thuộc cho các chương trình nghệ sỹ cư trú, nơi người làm nghệ thuật được tạo điều kiện tốt nhất để có thể thỏa sức phát huy sức sáng tạo của mình.

N22, Bangkok, Thái Lan

Năm 2015, ba đối tác Tentacles Gallery, Gallery Ver và nghệ sỹ Be Takerng Pattanopas đã tìm thấy một “ngôi nhà” chung trong một nhà kho cũ tại Bangkok. Kể từ đó, họ đã cùng đồng hành với 5 sáng kiến khác đều do nghệ sỹ điều hành, trong đó bao gồm nhiều dự án nghệ thuật khác nhau. N22 thường hỗ trợ các nghệ sỹ đương đại dưới 35 tuổi, chưa có nhiều tên tuổi trong giới nghệ thuật Thái.

Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam

The Factory là không gian nghệ thuật đương đại được xây có chủ đích đầu tiên tại Việt Nam. Với không gian triển lãm rộng hơn 500m2, sứ mệnh của The Factory là giới thiệu nghệ thuật thử nghiệm và các nghệ sỹ mới nổi tới công chúng. Những chú thích về nghệ sỹ và tác phẩm được soạn thảo cẩn thận, trong khi đội ngũ nhân viên được đào tạo để có thể thu hút người xem tham gia vào các cuộc đối thoại nói riêng và nghệ thuật nói chung. Ngoài ra, trung tâm còn có một nhà hàng kiêm quán cà phê phục vụ đồ ăn sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ địa phương.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/viet-nam-chiem-uu-the-trong-10-khong-gian-duong-dai-hang-dau-dong-nam-a-357299.html