Việt Nam chi nhiều cho hạ tầng nhưng chưa hiệu quả

Việt Nam chi rất nhiều cho cơ sở hạ tầng so với GDP song lĩnh vực cơ sở hạ tầng đường bộ Việt Nam đạt được rất ít thành công.

Thông tin trên được nhắc tới trong báo cáo của Nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF trình bày tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2019 (VBF 2019).

Hạ tầng công nghiệp chủ yếu phục vụ doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh minh họa

Hạ tầng công nghiệp chủ yếu phục vụ doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh minh họa

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến của đại diện các doanh nghiệp đề cập đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Cụ thể, báo cáo của Nhóm công tác cơ sở hạ tầng của VBF cho thấy Việt Nam chi rất nhiều cho cơ sở hạ tầng so với GDP song lĩnh vực cơ sở hạ tầng đường bộ Việt Nam đạt được rất ít thành công.

Theo ước tính của Bộ Giao thông Vận tải, tổng nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng giao thông tại vận tải Việt Nam tương đương khoảng 48 tỉ USD trong giai đoạn 2016-2020. Cùng với hạ tầng đường bộ, Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia VII cũng yêu cầu tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trong giai đoạn 2016-2030 ước tính 148 tỉ USD. Con số này thậm chí có khả năng tăng lên trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia VIII.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo trong giai đoạn 2015-2025, mỗi năm Việt Nam cần ít nhất 16,7 tỉ USD để tài trợ cho nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo con số còn cao hơn, lên tới 25 tỉ USD/năm - số vốn đầu tư cao hơn nhiều so với mức trung bình trong giai đoạn 2011-2015.

"Điều đáng nói, nợ công đã và đang chạm đến mức trần do Việt Nam đặt ra. Điều này có nghĩa là để phát triển bền vững cơ sở hạ tầng, sẽ cần thêm nguồn vốn đầu tư tư nhân để tài trợ cho các dự án" - ông Tony Foster, Trưởng Nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF, nhấn mạnh.

Trước đó, Việt Nam cũng được đánh giá là nền kinh tế năng động nhất của thế giới trong việc thiết lập cơ sở hạ tầng công nghiệp.

Theo lời của một quan chức thuộc Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Eximbank), cũng là quốc gia hăng hái trong việc đầu tư hạ tầng tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam đang triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng, xây dựng nhiều con đường và đường ray. Korea Eximbank vừa hỗ trợ nhiều dự án của Việt Nam thông qua quỹ này”.

Tuy nhiên, khi đánh giá về xu hướng trên GS Đặng Đình Đào - trường ĐHKTQD lại cho rằng, đầu tư hạ tầng của Việt Nam thời gian qua được cho là nhiều nhất khu vực nhưng lại không mang lại nhiều hiệu quả do đầu tư bị lệch pha, không tạo ra tính lan tỏa, đầu tư hạ tầng chủ yếu phục vụ các khu công nghiệp, phục vụ chính các nhà đầu tư.

Việt Nam vay tiền làm hạ tầng công nghiệp: Lợi cho ai?

GS Đặng Đình Đào nhấn mạnh, với việc mải mê thu hút đầu tư sản xuất, thu hút theo số liệu mà bỏ quên ngành công nghiệp logistics đang tạo ra nút thắt cổ chai, khiến ngành sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, không phát triển được.

"Chúng ta đã qua thời điểm ăn no bây giờ phải tính tới chuyện ăn ngon.

Muốn ngành sản xuất trong nước phát triển phải đầu tư phát triển logistics, tạo sự kết nối liên thông, giảm chi phí sản xuất, tăng yếu tố cạnh tranh, có như vậy mới mang lại giá trị lợi nhuận cao cho doanh nghiệp", vị GS nói.

Từ những phân tích trên, GS Đặng Đình Đào cho rằng, việc nhà đầu tư nước ngoài hào hứng, khuyến khích cho vay vốn là tốt, tuy nhiên, đứng từ vị trí của một nước đi vay Việt Nam phải cân nhắc, lựa chọn những dòng vốn tốt, phù hợp với yêu cầu, mục đích phát triển chung của đất nước, không phải đưa cái gì cũng nhận, dự án nào cũng vay vốn.

"Tâm lý "mỳ ăn liền" không thể tiếp diễn, vì mỗi dự án đầu tư không hiệu quả chúng ta sẽ phải mang nợ. Do đó, phải tính kỹ", GS Đặng Đình Đào kết luận.

Thái An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/viet-nam-chi-nhieu-cho-ha-tang-nhung-chua-hieu-qua-3382707/