Việt Nam chi 700 USD mỗi năm cho một sinh viên

Việt Nam chi bình quân khoảng 700 USD mỗi năm cho một sinh viên trong khi con số này ở các nước phát triển là trên 16.000 USD.

Tại Hội thảo giáo dục 2018 do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng tổ chức, PGS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Đại học Hồng Bàng, khẳng định tài chính góp phần quan trọng đảm bảo chất lượng của các trường. Những năm qua, mức độ chi tiêu của đại học thông qua chỉ số suất đầu tư cho một sinh viên trong một năm đã tăng rất cao nhưng vẫn thấp so với các nước.

Ảnh minh họa.

Năm 2009, Việt Nam chi bình quân mỗi năm học 9,24 triệu đồng cho một sinh viên. Đến năm 2017, con số tăng lên là 16,2 triệu đồng (gần 700 USD). Trong khi ở nhóm nước OECD, chi phí bình quân cho một sinh viên/năm tính theo số liệu năm 2014 đã trên 16.000 USD. Trường càng lớn, chi phí đào tạo càng cao.

Mức chi ngân sách nhà nước cho một sinh viên ở Việt Nam năm 2013 là 14,1 triệu đồng, tương đương 35% GDP bình quân đầu người. Ông Cần cho rằng có thể nâng mức chi lên 50% (Malaysia là hơn 60%). Khi đó, mức học phí đề xuất là 10,6 triệu đồng/năm, cao hơn mức học phí hiện tại của các trường công chưa tự chủ tài chính. Tuy nhiên, việc tăng học phí phải đặt trong tương quan khả năng kinh tế của người dân để điều chỉnh và phải đi kèm với tăng chất lượng.

Ông Cẩn thông tin thêm hiện số sinh viên công lập chiếm 87% tổng số. Nếu giảm số sinh viên này đi 20%, mức chi ngân sách cho giáo dục đại học sẽ đạt 50% GDP bình quân đầu người. Vì vậy, trường hợp không thể nâng tuyệt đối mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học, mức chi tính trên GDP bình quân đầu người vẫn có thể tăng bằng cách giảm số lượng sinh viên công lập mà ngân sách nhà nước phải chi trả.

Các đại học cần đa dạng hóa nguồn thu

Bà Đặng Thị Thanh Huyền (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng để tăng suất đầu tư cho sinh viên thì cần đa dạng hóa nguồn thu. Trong khi nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới là từ kinh phí nhà nước, kinh phí cho nghiên cứu, học phí, lệ phí, hợp đồng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ tư vấn, bản quyền, dịch vụ trong khuôn viên trường hay nguồn hiến tặng, tài trợ thì ở Việt Nam nguồn ngân sách và học phí chiếm tới hơn 90% tổng thu của trường công lập.

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Trọng Hoài (Đại học Kinh tế TP HCM) nhận định việc phụ thuộc vào một nguồn tài chính sẽ gây cản trở cho sự phát triển của đại học. Ở các nước đang phát triển, nguồn thu của đại học có thể đến từ các ngành kinh tế khác như thị trường tài chính và bất động sản. Nhiều nước châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản đã ban hành chính sách với nội dung vừa cắt giảm ngân sách nhà nước chi cho đại học, vừa cho phép các trường chủ động tìm kiếm nguồn thu mới.

Ở Việt Nam, để các trường tự chủ tốt về tài chính nhằm đầu tư nhiều hơn cho sinh viên, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, ông Hoài cho rằng Chính phủ cần nới lỏng các quy định về tài chính, cho phép các trường hoạt động theo cơ chế như một doanh nghiệp.

“Đây là tiền đề để đại học có thể vay mượn nguồn tài chính từ thị trường tài chính hoặc mua bán bất động sản, hoặc sử dụng các bất động sản để thực hiện kinh doanh dịch vụ gắn với năng lực đào tạo và nghiên cứu nhằm gia tăng nguồn thu, phục vụ cho các hoạt động của trường”, ông Hoài nói.

Cũng theo ông Hoài, Chính phủ cần khuyến khích các trường hoạt động trên tinh thần kinh doanh, đồng thời tạo hành lang chính sách thuận lợi để trường đại học tiến tới tự chủ tài chính thông qua việc cải thiện nguồn thu hiện có và chủ động tìm kiếm các nguồn thu mới.

Theo Dương Tâm

vnexpress.net

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/viet-nam-chi-700-usd-moi-nam-cho-mot-sinh-vien-210929.html