Việt Nam chế tạo thành công đạn xuyên chống tăng động năng

Công trình chế tạo đạn xuyên động năng do PGS.TS. Đoàn Đình Phương thực hiện đã đoạt giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 cho lĩnh vực an ninh - quốc phòng.

Trong tác chiến cả quá khứ và hiện đại thì việc sử dụng đạn xuyên động năng bắn đi từ pháo chống tăng chuyên dụng có vai trò rất quan trọng bên cạnh đạn xuyên lõm, thậm chí có thể nói là quan trọng hàng đầu.

Tuy nhiên việc chế tạo đạn xuyên động năng là cực kỳ phức tạp, trên thế giới số quốc gia làm chủ công nghệ sản xuất loại đạn này không nhiều do gặp phải các khó khăn trong công tác luyện kim, hiệu chỉnh đường đạn...

Chính vì vậy việc ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã bước đầu làm chủ việc nghiên cứu chế tạo loại vũ khí đặc biệt này được xem như thành tựu lớn, khẳng định năng lực của các nhà khoa học và kỹ sư quân sự Việt Nam.

Lõi đạn xuyên động năng 85 mm hoàn chỉnh

Lõi đạn xuyên động năng 85 mm hoàn chỉnh

Theo thông báo, đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế tạo một số chủng loại hợp kim vônfram ứng dụng làm lõi đạn xuyên động năng trong quân sự” do PGS.TS. Đoàn Đình Phương, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam (KHCNVN) làm chủ nhiệm.

Hợp phần hai của công trình nghiên cứu đã chế tạo được vật liệu với đặc điểm, tính chất để sản xuất được đạn xuyên động năng. Đạn xuyên động năng là thế hệ đạn thứ hai thay thế cho đạn nổ.

Vấn đề khoa học đặt ra là chế tạo được vật liệu có tỉ trọng lớn, độ bền cơ học, vật lý cao làm tiền đề cho chế tạo đạn xuyên động năng.

Công trình đã chế tạo thành công vật liệu hợp kim WC-Ni có đặc điểm kỹ thuật về tỷ trọng, độ bền, độ dai, độ cứng và độ đồng đều đạt theo yêu cầu chế tạo đạn xuyên động năng.

Bia bắn thử nghiệm (a) và chiều dày của bia (b)

Từ vật liệu này, các đơn vị phối hợp đã sản xuất đạn xuyên động năng pháo 85 mm. Kết quả bắn thử nghiệm cho thấy, đạn xuyên động năng pháo 85 mm đã đạt được các yêu cầu về độ xuyên thép, cũng như các yêu cầu kỹ thuật khác.

Đây là lần đầu tiên ở nước ta đã chế tạo thành công đạn xuyên động năng chống xe tăng và xe thiết giáp. Kết quả nghiên cứu đang được Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tiếp tục ứng dụng để chế tạo các loại đạn chống tăng cho pháo lớn hơn như pháo 100mm và 125 mm với chiều sâu xuyên và uy lực lớn hơn.

Thử nghiệm bắn xuyên thép a) mặt trước; b) mặt sau

Có thể khẳng định, công trình "Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85 mm" là kết quả của một tập thể tác giả với tinh thần nghiên cứu khoa học và thực nghiệm nghiêm túc, cẩn trọng.

Đội ngũ tham gia đề tài đến từ Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hóa học Viện Hàn lâm KHCNVN; Viện Kỹ thuật Hóa học, Sinh học và tài liệu nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an;

Bên cạnh đó còn có sự góp sức từ Viện Công nghệ, Viện vũ khí thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng; Viện Hóa học - Vật liệu, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/viet-nam-che-tao-thanh-cong-dan-xuyen-chong-tang-dong-nang-3380243/