Việt Nam cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng

Sáng 12-7, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo 'Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và Góc nhìn'.

Nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, lạm phát cơ bản bình quân trong 3 tháng đầu năm và 6 tháng đầu năm đều cao hơn hẳn so với các năm 2017-2018, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

Báo cáo nghiên cứu của CIEM nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực (dự báo cả năm 2019 có thể đạt mức 6,82%).

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng, tuy nhiên tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm, phản ánh lo ngại về chất lượng tăng trưởng chưa được củng cố, đặc biệt khi Việt Nam lưu tâm hơn đến ứng phó với tác động bất lợi từ môi trường kinh tế bên ngoài.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và Góc nhìn”

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và Góc nhìn”

Vẫn báo cáo trên nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, trong đó đáng lưu ý là dù kỳ vọng nhiều vào việc phê chuẩn EVFTA, Việt Nam cũng cần lưu ý rằng EU đang rất bận với chương trình nghị sự về thương mại (liên quan đến Brexit, đàm phán thương mại với Mỹ).

Hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ..., không chỉ ở thị trường Mỹ. Sự đối đầu giữa các công nghệ mới và tư duy quản lý truyền thống ngày một phức tạp hơn, ngay cả ở các thị trường phát triển. Và nhìn chung, rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới có thể sẽ tác động rõ rệt hơn, dù có thể chưa xảy ra ngay trong 6 tháng cuối năm 2019.

Ở khía cạnh tích cực, nhóm tác giả CIEM nhận định, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp có phần rõ nét hơn. Tình hình việc làm có cải thiện trong quý 2. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong toàn nền kinh tế ước tính là 55,5 triệu người, tăng 335,1 ngàn người so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, đánh giá về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, Việt Nam xếp hạng 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao, và chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0. Theo đó, Việt Nam cần xây dựng và thực thi hữu hiệu hơn các chính sách thị trường lao động chủ động, cũng như giải pháp đào tạo nhân lực, giáo dục nghề nghiệp.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 2,65% và 2,64% trong quý 2 và 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, lạm phát cơ bản bình quân trong 3 tháng đầu năm và 6 tháng đầu năm đều cao hơn hẳn so với các năm 2017-2018, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định trong quý 2, ít nhiều phản ánh nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc bảo đảm thanh khoản cho hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM).

Tính đến thời điểm cuối quý 2, tín dụng tăng 4,07% so với cuối quý 1 và 7,33% so với cuối năm 2018. Khả năng nới chỉ tiêu tín dụng cả năm 2019 là khá thấp, do tỷ lệ tín dụng trên GDP hiện đã ở mức cao.

Bên cạnh đó, NHNN cần tạo áp lực đủ tin cậy cho các NHTM củng cố an toàn vốn, và việc nới chỉ tiêu tín dụng có thể khiến cơ chế thưởng tín dụng hiện nay mất ý nghĩa… CIEM dự báo, tỷ giá trung tâm chủ yếu giữ xu hướng tăng trong quý 2.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/viet-nam-can-tiep-tuc-dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-mot-cach-than-trong-604365.html