Việt Nam cần thay đổi tư duy quản lý kinh tế

Nhà nước cần phải làm tốt hơn nữa chuyện cải cách thể chế đặc biệt cần thay đổi tư duy quản lý kinh tế và xây dựng lại hệ thống hành chính công nếu muốn nền kinh tế Việt Nam có thể bứt phá.

TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với những kết quả kinh doanh bết bát thời gian gần đây dường như không còn nhiều hy vọng vào sự bứt phá. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI chỉ là giải pháp ngắn hạn bởi họ kinh doanh theo tiêu chí: đất nước nào mang lại lợi ích cao nhất thì họ sẽ chuyển tới. Vì vậy, suy cho cùng, khu vực kinh tế tư nhân vẫn sẽ là người chèo chống chính cho nền kinh tế Việt Nam.

Đồng quan điểm với ông Du, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhìn nhận: “Hộ kinh tế gia đình chính là những người khổng lồ ẩn danh khi họ đang làm ra 30% GDP cho Việt Nam, là đáy kim tự tháp của nền kinh tế Việt Nam. Khu vực này cũng chính là xương sống của nền kinh tế Mỹ và châu Âu".

Do đó, theo Ông Lộc, khi nhà nước ra bất cứ quyết sách về kinh tế nào nên mời đại diện của thành phần kinh tế này đến tham dự và thảo luận. Luật pháp nên bảo vệ và khuyến khích các hộ kinh doanh, nâng cao năng lực kinh doanh cho họ.

Mặt khác, theo quan sát của ông Lộc, một trong những nguyên nhân chính kìm hãm sự bứt phá của khu vực kinh tế tư nhân chính là thể chế chính sách. Không chỉ các Bộ luật tự mâu thuẫn với nhau mà sự diễn giải luật của các cán bộ nhân viên nhà nước ở mỗi tỉnh thành cũng khác nhau. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn than thở với ông Lộc rằng: các thủ tục hành chính rườm rà sau khi bị cắt giảm đã “đầu thai kiếp khác” thông qua các tiêu chuẩn/quy chuẩn. Nhà nước cần làm tốt công tác cải cách thể chế để dẫn đường cho nền kinh tế Việt Nam bứt phá.

Các diễn giả đang thảo luận vấn đề.

Các diễn giả đang thảo luận vấn đề.

Về vấn đề cải cách thể chế, bà Lê Thị Nam Phương - Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong việc này là phải “minh bạch” và “cụ thể”, chỉ khi thể chế minh bạch mới có một môi trường kinh doanh minh bạch. Ví dụ: phải minh bạch trong chuyện phân chia quyền lực giữa trung ương và địa phương và phải có chính sách cụ thể hợp lý cho mỗi địa phương, vì ở nhiều khía cạnh, thành thị không giống nông thôn…

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đang gia nhập rất nhiều Hiệp định thương mại FTA, các doanh nghiệp Việt không những phải cạnh tranh cùng nhau mà còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại ở ngay chính sân nhà. Do đó, nhu cầu có một môi trường kinh doanh minh bạch càng hết sức cấp thiết.

Bà Phương cũng cảnh báo, nếu không nhanh chóng cải cách thể chế triệt để và hành động kịp thời, Việt Nam có thể lâm vào hoàn cảnh “chảy máu chất xám” một cách nghiêm trọng. Hiện tại, không ít doanh nhân Việt Nam có chút tài sản đều sở hữu từ 2 đến 3 quốc tịch.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Chánh Trung – Giám đốc Tân Long Group cho biết, những bất cập của hệ thống pháp luật - hành chính công tại Việt Nam đang thực sự gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Năm 2010, công ty của ông Trung đã phải tạm từ bỏ ngành kinh doanh gạo cốt lõi do vướng Nghị định 109 bởi quy định: các doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo ít nhất mỗi năm phải xuất khẩu 10.000 tấn, trong khi Tân Long quy mô còn nhỏ và làm gạo chất lượng nên không thể đảm bảo đủ số lượng trên.

Cũng như thế, nhiều bộ ngành tuyên bố mình đã cắt giảm 40% đến 50% các điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính không cần thiết nhưng rất ít doanh nghiệp được thụ hưởng được những thành quả trên, do trên làm mà dưới không làm hoặc chỉ nói thôi chứ chưa hành động. Mới đây, doanh nghiệp của ông Trung đã đi mua Hồ sơ tạm trữ quốc gia của Nhà nước để tạm thời góp phần giải quyết tình trạng dư cung lúa cho nông dân, song nhiều địa phương né tránh không chịu bán cho họ.

Giải thích cho thực trạng trên, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, hệ thống không đồng bộ từ tổ chức bộ máy, con người, nền hành chính công và tài chính công… chính là nguyên nhân của những bất cập trên.

“Hệ thống không đồng bộ nên sửa chỗ này thì lại vênh chỗ kia, trong khi đó, muốn cải cách hiệu quả, chúng ta phải thay đổi tư duy quản lý nền kinh tế Việt Nam, thay vì tư duy theo kiểu kế hoạch hóa như trước đây hãy đổi sang tư duy thị trường.

Cải cách hành chính là phải theo nhu cầu của thị trường chứ không phải theo nhu cầu của một nền kinh tế tỉnh hoặc địa phương nào đó. Thứ hai, phải quan niệm lại cách xây dựng hệ thống: đặt lại vai trò của nhà nước và doanh nghiệp, nhà nước làm chính sách - doanh nghiệp làm thị trường. Hãy tách bạch hệ thống hành chính công – công cụ và cả tài chính, không nên để chúng lồng ghép nhau giữa trung ương và địa phương”, ông Trần Du Lịch kiến nghị.

Cũng theo ông Lịch, sau năm 2013, vì có Hiến pháp và Luật doanh nghiệp mới, tư nhân mới được quyền kinh doanh cái gì pháp luật không cấm nhưng kèm theo đó là những điều kiện kinh doanh vô cùng nhiêu khê.

"Chúng ta phải tạo môi trường cho tư nhân phát triển để người làm ăn lành mạnh có hướng phát triển nâng cấp bản thân, còn những ai dựa vào cơ chế hoặc sự quen biết để luồn lách kiếm lời sẽ không thể tồn tại. Bởi, nếu một môi trường mà người làm ăn gian dối chạy chọt vẫn tồn tại thì người làm ăn đàng hoàng làm sao sống nổi", ông Lịch nói.

Quỳnh Như

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/viet-nam-can-thay-doi-tu-duy-quan-ly-kinh-te-1552476002219.htm