Việt Nam cần tách bạch quản lý nhà nước và quản lý vốn

Xung quanh câu chuyện quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Takahashi Akito, Phó trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản lý vốn tại doanh nghiệp nhà nước.

Ông Akito cũng đưa ra nhiều khuyến nghị với mô hình Ủy ban Quản lý và Giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp mà Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu thành lập.

Theo ông, đâu là những vấn đề đặt ra với chất lượng quản trị doanh nghiệp của Việt Nam? Chính phủ cần làm gì để đưa các chuẩn mực quản trị tiên tiến vào các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước?

Vấn đề nghiêm trọng và thách thức nhất trong quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam, theo tôi chính là tách bạch chức năng sở hữu và quản lý nhà nước. Tầm quan trọng của vấn đề này đã được nhấn mạnh tại: “Hướng dẫn của OECD về quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp nhà nước”.

Thông thường, khi đề cập đến quản trị doanh nghiệp, khái niệm này bao gồm các quy tắc để quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Nhà nước đang là cổ đông lớn tại rất nhiều doanh nghiệp. Thực trạng này dẫn đến việc cần thiết phải thông qua một cơ chế quản trị thích hợp để quản lý những cổ đông lớn. Cụ thể, việc phát triển và công khai các “quy tắc ứng xử” của cổ đông nhà nước là cần thiết để ngăn chặn sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào hoạt động quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.

Ông Takahashi Akito

Thêm vào đó, các giải pháp, chính sách đẩy mạnh phát triển thị trường cổ phiếu đang ngày càng trở nên quan trọng như chính sách cải thiện cổ phiếu tự do giao dịch (free float weighted) của những doanh nghiệp niêm yết tiền thân là doanh nghiệp nhà nước nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư tổ chức, những thể chế hoạt động hiệu quả trong việc giám sát hoạt động quản trị doanh nghiệp vì mục tiêu nâng cao giá trị doanh nghiệp.

Xin đi vào một câu chuyện cụ thể của doanh nghiệp, đó là nhu cầu tăng vốn để đầu tư phát triển. Đối với doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chi phối, Nhà nước có nên tham gia vào quá trình huy động vốn hay không, hay cần huy động các nguồn lực xã hội khác? Nếu có thì nên tham gia ở mức độ như thế nào?

Nhà nước cũng như các cổ đông khác, có quyền được tham gia vào quá trình đưa ra quyết định với tư cách là cổ đông, nếu quyết định đó cần phải được thông qua các cổ đông theo quy định của luật pháp và điều lệ công ty.

Tuy nhiên, Nhà nước không nên sử dụng quyền hạn của mình để tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp thông qua trợ cấp quá mức bảo lãnh tín dụng của Chính phủ và các biện pháp khác. Điều này sẽ làm méo mó thị trường và dẫn đến những bước đi thất bại trong việc xác định một cơ chế bình đẳng giữa doanh nghiệp có vốn nhà nước và khu vực tư nhân. Thêm vào đó, cơ chế đặc biệt và khác biệt này đối với các doanh nghiệp nhà nước có thể gây ra những rủi ro tiềm tàng đối với việc quản lý tài chính quốc gia.

Theo ông, kinh nghiệm quốc tế nào là phù hợp để Chính phủ Việt Nam có thể tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản lý vốn tại doanh nghiệp, cũng như bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước trong khi tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển?

Chúng tôi tin tưởng rằng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam và những đơn vị có liên quan sẽ thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng việc lựa chọn mô hình thích hợp dựa trên tình hình thực tế tại Việt Nam và những kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới.

Như đã được đề cập tại “Hướng dẫn của OECD về quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp nhà nước”, xung đột về mặt lợi ích có thể xảy ra khi một cơ quan nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý, vừa thực hiện chức năng chủ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước. Khi đó, cơ quan nhà nước này sẽ đóng vai trò vừa là người chơi, vừa là nhà hoạch định chính sách trên thị trường.

Việc tách bạch hai chức năng này được coi là điều kiện tiên quyết để duy trì một sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân; đồng thời góp phần đảm bảo việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước.

Với quan điểm như trên, Chính phủ cần xem xét: Một là, thành lập một tổ chức độc lập (một cơ quan sở hữu thống nhất) như một cơ quan quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, nhằm tách biệt các cơ quan quản lý hành chính và các chủ sở hữu vốn nhà nước; Hai là, giao cho tổ chức này việc quản lý tập trung và thu hồi nguồn vốn mà nhà nước đầu tư vào các công ty nhà nước cần nắm giữ phần lớn sở hữu theo Quyết định số 37/2015/QĐ-TTg.

Một số mô hình tại các quốc gia trên thế giới mà Việt Nam có thể tham khảo như mô hình Ủy ban Giám sát tài sản và Ủy ban Hành chính (SASAC) của Trung Quốc; trong đó thành lập một cơ quan chính phủ mới bằng cách sáp nhập các chức năng liên quan của các cơ quan chính phủ hiện tại. Hoặc mô hình Tập đoàn đầu tư Nhà nước Temasek của Singapore.

Hay mô hình của Nhật Bản, trong đó, cơ quan tài chính (Bộ Tài chính) sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình trên quan điểm "quản lý tài sản nhà nước" và "đảm bảo nguồn thu từ việc bán quyền sở hữu nhà nước (cổ phiếu) và thu cổ tức cho ngân sách nhà nước".

Gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo sửa đổi Nghị định 99/2012/NĐ-CP và đang trong quá trình thu thập ý kiến đóng góp về dự thảo này. JICA muốn nhấn mạnh các vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng liên quan đến khái niệm “Ủy ban quản lý và giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp”.

Thứ nhất, về nhiệm vụ của Ủy ban. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có nghĩa là cải thiện việc quản trị doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả bằng cách thay đổi cơ cấu sở hữu vốn của doanh nghiệp nhà nước (từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành doanh nghiệp có cấu trúc đa dạng chủ sở hữu). Tuy nhiên, như đã đề cập trên đây, kết quả công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam thời gian qua chưa đáp ứng được những kỳ vọng trên.

Trong khi cổ phần hóa chỉ là bắt đầu cho quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, mục đích cuối cùng được kỳ vọng là: giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại phần lớn các doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà nhà nước đang tiếp tục giữ cổ phần; giảm số lượng ngành nghề mà nhà nước có tỷ lệ sở hữu vốn trên 50% như quy định tại Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg; thúc đẩy việc cổ phần hóa tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ trên 50% vốn và cải thiện hiệu quả doanh nghiệp tại tất cả các doanh nghiệp nhà nước, trong đó Nhà nước là chủ sở hữu. Nhiệm vụ của Ủy ban nên là: “sử dụng các công cụ chính sách cần thiết để đạt được những kết quả cuối cùng” như đã đề cập trên đây.

Trong khi đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 99/2012 (tại Chương II, Điều 6), đề cập đến mục tiêu của Ủy ban bao gồm: tách bạch chức năng chủ sở hữu vốn và các chức năng khác của Nhà nước; cải cách phương thức quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhằm tập trung sử dụng các nguồn lực của Nhà nước đang được đầu tư vào các dự án đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp then chốt có giá trị gia tăng lớn hơn trong dài hạn và cần thiết có vai trò của Nhà nước.

Những mục tiêu kể trên là quan trọng, tuy nhiên, mục đích cuối cùng cần đạt được là đẩy mạnh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ vốn.

Hai là, về cơ cấu tổ chức và nhân sự của Ủy ban. Đảm bảo sự độc lập và mức độ chuyên môn cao của Ủy ban là một vấn đề quan trọng. Vì vậy, Chính phủ cần chú trọng vào vấn đề này khi xây dựng chi tiết cơ cấu tổ chức và chọn lựa nhân sự để Ủy ban có thể thực hiện sứ mệnh của mình với đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp với ít sự can thiệp chính trị nhất.

Cũng cần phải chú ý đến một khía cạnh quan trọng khác để tránh làm phình khu vực công thông qua việc hình thành một cơ quan nhà nước mới. Nếu cơ cấu lợi ích của những bên liên quan được chuyển giao nguyên xi sang ủy ban này thì coi như không có gì thay đổi. Xét trên góc nhìn này, nhiệm vụ và cơ cấu nhân sự của ủy ban này cần được xem xét một cách kỹ lưỡng.

Thêm vào đó, việc giám sát thực hiện các mục tiêu và đảm bảo cơ chế đánh giá để kiểm tra xem Ủy ban có hoạt động một cách phù hợp và hiệu quả trong quá trình thực thi nhiệm vụ hay không là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình của ủy ban này đối với cộng đồng.

Được biết, JICA đang thực hiện Dự án hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về dự án này?

JICA đang triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật về cải cách doanh nghiệp nhà nước với Bộ Tài chính và những đơn vị trực thuộc Bộ, gồm cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Xét về khía cạnh quản trị doanh nghiệp, dự án này tập trung vào củng cố chức năng và vai trò của SCIC thông qua việc xây dựng “Hướng dẫn quyền biểu quyết” sử dụng cho đại diện của Nhà nước (Người đại diện vốn Nhà nước) tại các công ty thành viên của SCIC.

Tài liệu này được xây dựng nhằm hỗ trợ các công ty thành viên tăng cường giá trị doanh nghiệp cũng như giá trị cho cổ đông trong trung và dài hạn. Đây là thông điệp rõ ràng đầu tiên về việc giới thiệu một hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại và tăng cường giá trị doanh nghiệp ở Việt Nam tuân theo chuẩn mực quản trị doanh nghiệp quốc tế do OECD yêu cầu.

SCIC hướng tới việc cải thiện tính minh bạch trong vấn đề ra quyết định tại các công ty đầu tư, thông qua việc làm rõ các mối quan hệ giữa lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông. Hướng dẫn này sẽ được chỉnh sửa hàng năm dựa trên hiện trạng kinh tế và tình hình quản trị doanh nghiệp ở các doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng với tài liệu Hướng dẫn quyền biểu quyết, Dự án cũng đang xây dựng Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp cũng với mục tiêu cải thiện hoạt động quản trị tại các công ty có vốn nhà nước mà SCIC đang nắm giữ. Được xây dựng dựa trên những thông lệ quản trị tiên tiến trên thế giới cũng như tình hình thực tế tại Việt Nam, bộ quy tắc này đề cập đến các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp tiên tiến mà các công ty trong danh mục đầu tư của SCIC nên tham khảo. Sau khi hoàn thành, Bộ quy tắc sẽ được giới thiệu với các doanh nghiệp trong danh mục của SCIC.

JICA hy vọng rằng, với những nỗ lực của mình cùng những sản phẩm đầu ra của dự án, SCIC sẽ đóng vai trò là người tiên phong trong việc phổ biến các thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt tại Việt Nam.

Theo Hoàng Bích thực hiện.Theo Đặc san 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/viet-nam-can-tach-bach-quan-ly-nha-nuoc-va-quan-ly-von-174074.html