Việt Nam cần pháo phòng không tự hành 2S38 Derivatsiya-PVO kèm BMP-3?

Sau xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK thì xe chiến đấu bộ binh BMP-3 được các chuyên gia dự đoán sẽ là sản phẩm tiếp theo.

Trong xu thế đưa Lục quân Việt Nam tiến lên hiện đại để sánh ngang với Phòng không - Không quân cũng như Hải quân, bước đi đầu tiên đã được Bộ Quốc phòng thực hiện đó là hợp đồng mua sắm 64 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK.

Bên cạnh xe tăng thì bộ binh cơ giới cũng cần được đầu tư tương xứng, bởi vậy đã có nhiều đồn đoán từ các chuyên gia quân sự quốc tế đó là Việt Nam sẽ sớm ký hợp đồng với Nga để mua sắm một lô xe chiến đấu bộ binh BMP-3, tương tự như cách mà Iraq đã thực hiện.

Tuy nhiên ngoài việc tăng cường sức mạnh cho mũi xuyên phá thì vấn đề bảo vệ đội hình tác chiến trước phương tiện tấn công đường không của đối phương cũng là điều cần đặc biệt lưu tâm, cần phải có tổ hợp phòng không lục quân đủ mạnh, sức cơ động cao (sử dụng khung gầm bánh xích) và nhất là có khả năng bắn khi hành tiến.

Pháo phòng không tự hành 2S38 Derivatsiya-PVO của Quân đội Nga

Pháo phòng không tự hành 2S38 Derivatsiya-PVO của Quân đội Nga

Hiện tại Việc Nam và cả Nga vẫn đang sử dụng một số lượng khá lớn các tổ hợp ZSU-23-4 Shilka cũng như Tunguska cho vai trò phòng không lục quân nhờ đáp ứng các yêu cầu cơ bản nêu trên, nhưng do đã ra đời một thời gian khá lâu mà các vũ khí này đã phần nào trở nên lạc hậu.

Mặc dù Nga đã thử nghiệm phương án lắp module chiến đấu của Pantsir-S1 lên xe bánh xích, nhưng khả năng bắn khi hành tiến của nó bị đánh giá chưa đáp ứng tốt nhu cầu, chỉ phù hợp cho vai trò phòng không điểm.

Chính vì vậy, giới quân sự Nga cho rằng vũ khí tương lai sẽ thay thế vai trò của các tổ hợp ZSU-23-4 Shilka cũng như Tunguska phải là pháo phòng không tự hành thế hệ mới mang tên 2S38 Derivatsiya-PVO.

Cận cảnh module tác chiến của pháo phòng không tự hành 2S38 Derivatsiya-PVO

Tổ hợp 2S38 Derivatsiya-PVO lần đầu tiên ra mắt tại Diễn đàn Army 2018 tổ chức ở khu vực ngoại vi Moscow. Hệ thống phòng không tự hành này được tạo ra trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3, lắp đặt module mang pháo tự động 57 mm.

Vũ khí này được thiết kế để chiến đấu với máy bay tiêm kích, tên lửa hành trình, trực thăng vũ trang, máy bay không người lái, đạn pháo phản lực phóng loạt, nó cũng có thể chống lại xe thiết giáp hạng nhẹ và mục tiêu mặt đất.

Theo dữ liệu công bố, tầm bắn hiệu quả của pháo 57 mm là 6 km, chiều cao lên tới 4,5 km, tốc độ bắn 120 phát/phút, đạn pháo được trang bị ngòi điện tử để nổ theo lập trình do máy tính cài đặt, tạo xác suất diệt mục tiêu hiệu quả tương đương tên lửa trong khi giá thành rẻ hơn nhiều.

Tốc độ tối đa của mục tiêu có thể xạ kích là 500 m/s. Hệ thống quang điện tử cho phép phát hiện và quan sát toàn cảnh địa hình đủ 360 độ, mang lại nhận thức tình huống cao cho kíp chiến đấu.

Với tính năng kỹ chiến thuật đã được khẳng định và còn sử dụng khung gầm BMP-3, tạo thuận lợi cho công tác hậu cần - kỹ thuật nên sẽ không ngạc nhiên nếu trong tương lai Việt Nam lựa chọn pháo phòng không tự hành 2S38 Derivatsiya-PVO làm cận vệ cho các đơn vị bộ binh cơ giới.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/viet-nam-can-phao-phong-khong-tu-hanh-2s38-derivatsiya-pvo-kem-bmp-3-3396567/