Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn

Để tạo diễn đàn trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong việc triển khai các sáng kiến, các mô hình kinh doanh liên quan đến kinh tế tuần hoàn, chiều ngày 23/10, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo 'Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam'.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Kinh tế tuần hoàn hội tụ 4 lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vững: Tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội. Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải ngành này thành nguồn của ngành kia, đồng thời góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Do đó, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đồng bào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trong tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Vì vậy, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Toàn cảnh Hội thảo (ảnh DP)

Toàn cảnh Hội thảo (ảnh DP)

PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, kinh tế tuần hoàn không chỉ là vấn đề chất thải mà cần tiếp cận thực hiện 4 khâu/giai đoạn của vòng đời sản phẩm, bao gồm: Sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải, biến chất thải trở lại thành tài nguyên. Tại Việt Nam, nắm bắt được xu hướng và tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn cho phát triển của doanh nghiệp, nhiều giải pháp đã được các bộ, ngành và các doanh nghiệp triển khai. Tuy nhiên, để phát triển rộng khắp mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn còn nhiều thách thức.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, để phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng; cần triển khai nghiên cứu sâu rộng. Phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương. Tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường. Tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, gắn với công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần có lộ trình và ưu tiên. Vấn đề cần phải giải quyết ngay đối với Việt Nam là phân loại rác tại nguồn

Theo các chuyên gia môi trường, việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất../.

Duy Phong

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/thoi-su/viet-nam-can-no-luc-hon-nua-de-xay-dung-va-phat-trien-nen-kinh-te-tuan-hoan-130424