Việt Nam cần lường trước nguy cơ sự cố đập hồ lớn

Ngày 12/12, VUSTA đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện Đánh giá an toàn hồ đập ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Nhiều nguy cơ

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), hiện nay trên cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động nhưng thời gian xây dựng, quy mô của chúng là khác nhau, có hồ đã trên 50 tuổi.

Vừa qua, VUSTA đã có cuộc khảo sát hồ đập tại Thanh Hóa, Hòa Bình. Quá trình khảo sát cho thấy, các đập hồ lớn hiện cơ bản là tốt, nhưng các hồ nhỏ hầu như đã xây dựng rất lâu. Cho đến nay, các hồ đập có nhiều nguy cơ khác nhau, do vậy VUSTA tổ chức hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học về việc nên xử lý các hồ đập có nguy cơ vỡ trong thời gian tới như thế nào; công tác quản lý các hồ đập ra sao cho hợp lý, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

Theo TS Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, trên thế giới có khoảng 3% hồ đập xảy ra sự cố và các thảm họa về đập. Trong khi đó, các hồ đập tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Bộ NN-PTNT, có nhiều sự cố nhưng sự cố vỡ đập hồ lớn thì chưa có.

Vùng trung du, miền núi phía Bắc và ĐBSH nằm gần trọng trong lưu vực sông Hồng-Thái Bình có số lượng hồ chứa lớn nhất ở Việt Nam. Đây là vùng có dân số đông và nhiều vùng có mật độ dân cư cao, đặc biệt ở vùng đồng bằng. Vấn đề an toàn của các công trình hồ chứa thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng có vai trò cực kỳ quan trọng, bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu.

Hồ thủy lợi Cửa Đạt. Ảnh: Dân trí

"Dù được thiết kế, thi công với tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhưng là những công trình nhân tạo, theo thời gian, trước những biến động của thiên nhiên, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, việc nhìn nhận vấn đề an toàn đập, các hồ chứa thủy lợi và thủy điện luôn được đặt lên hàng đầu.

Điều này chính là vì sự an toàn của con người và hạ tầng kinh tế, xã hội, lịch sử ở hạ lưu các hồ chứa; bảo đảm an toàn vận hành hồ chứa phát điện, bảo đảm an ninh nước, lương thực và năng lượng quốc gia cũng là bảo đảm phát triển bền vững đất nước.

Những vụ vỡ đập trên thế giới cũng như ở Việt Nam, và gần đây nhất là vụ vỡ đập Xe Pian Xe Nam Noy của Lào là bài học lớn cho Việt Nam, một nước có rất nhiều hồ đập và nhiều hồ đập trong tình trạng xuống cấp, mất an toàn", TS Đào Trọng Tứ nói.

Một vấn đề được các chuyên gia tham dự hội thảo đặc biệt quan tâm đó là tác động việc xả lũ của các hồ thủy điện Hòa Bình và Cửa Đạt đối với vùng hạ du.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, nguyên nhân gây tác động xả lũ các hồ thủy điện nói trên dẫn đến lũ lụt ở vùng hạ du là do: lũ đến bất ngờ; khả năng dự báo không chính xác nên phải xả lũ đột ngột; do tác động biến đổi khí hậu, xuất hiện những trận mưa lớn cục bộ trong một diện hẹp, không dự báo được; có những nguồn nước nằm ngoài dòng chính đổ về hồ chứa. Riêng trường hợp này mới xuất hiện kể từ năm 2012, khi Nhà nước cho phép đồng loạt xây dựng hàng nghìn hồ chứa vừa và nhỏ, trên các nhanh sông suối nên đường thoát lũ bị chồng chéo, dẫn đến không thể tính chính xác được.

"Sự kiện huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bị ngập do nước ở tỉnh Hòa Bình đổ về là một ví dụ điển hình", vị chuyên gia nói.

Bên cạnh các yếu tố trên, nguyên nhân gây nên tác động xả lũ các hồ thủy điện Hòa Bình, Cửa Đạt dẫn đến lũ lụt ở vùng hạ du còn do trình độ người quản lý hồ chứa nhỏ không đủ khả năng tính điều tiết lượng nước trong hồ; đập và công trình trong hồ chứa không được tu sửa, nâng cấp kịp thời nên lũ về lớn phải xả gấp xuống hạ lưu.

Riêng với hồ thủy điện do quy trình vận hành ưu tiên tích nước để phát điện. Ngay từ đầu mùa lũ vẫn tích nước lên cao, khi lũ về sớm buộc phải xả nhanh để bảo vệ đập.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Chu Văn Ngợi, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chỉ rõ, khi hồ thủy điện xả lũ làm thay đổi chế độ thủy văn ở hạ du đập. Chế độ thủy văn ở vùng gần chân đập trở nên khắc nghiệt hơn với đặc tính lưu tốc lớn, động năng lớn nên khả năng phá hủy rất lớn.

Xả lũ cũng phá vỡ quy luật bồi tụ xói lở. Gia tăng xói lở ngang làm mất quỹ đất canh tác và uy hiếp các công trình văn hóa, uy hiếp nhiều tuyến đường giao thông. Tăng cường bồi tụ đáy, cản trở dòng chảy và gây bất lợi cho hoạt động phát triển.

Vào mùa lũ, xả lũ đôi khi làm cho lũ các sông liên quan dâng cao, nước tràn qua đập và qua đê, làm cho nhiều vùng bị ngập, phá hoại hoa màu, vùi lấp đất canh tác, các công trình.

Đáng lưu ý, xả lũ làm thay đổi chất lượng nước ở hạ du đập: tăng độ đục, nhiệt độ hạ, tốc độ tăng nanh. Những thay đổi này, có lẽ là nguyên nhân làm cho cá lồng chết hàng loạt.

Minh chứng cho điều này, PGS.TS Chu Văn Ngợi cho biết, hệ thống sông Hồng gồm 3 sông (sông Hồng, sông Đà và sông Lô). Đoạn từ Lào Cai đến Việt Trì gọi là sông Thao. Tại hợp lưu ba sông vào mùa lũ, lượng nước của sông Đà chiếm 41-61%, sông Lô chiếm 20-34% và sông Thao 15-23%.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/viet-nam-can-luong-truoc-nguy-co-su-co-dap-ho-lon-3370888/