Việt Nam cần làm gì để trở thành cường quốc an ninh mạng?

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Việt Nam sẽ tuyên bố Chiến lược chuyển đổi số quốc gia để xây dựng nền kinh tế số, xã hội số trong năm 2019 này.

 Chuyên viên bảo mật làm việc tại Trung tâm Điều hành an toàn, an ninh thông tin tỉnh Thái Bình. Ảnh: TRỌNG ĐẠT

Chuyên viên bảo mật làm việc tại Trung tâm Điều hành an toàn, an ninh thông tin tỉnh Thái Bình. Ảnh: TRỌNG ĐẠT

An ninh mạng (ANM) là điều kiện căn bản và cần thiết để quá trình chuyển đổi này diễn ra thành công. Vì vậy, xây dựng ngành công nghiệp ANM phải được xem là mũi nhọn phát triển, tiến tới cơ hội đưa Việt Nam trở thành cường quốc về ANM. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT) của Việt Nam cần nhiều nỗ lực.

Nhiều lợi thế để chuyển mình mạnh mẽ

Số liệu của Cục ATTT (Bộ TT&TT) cho biết, quy mô thị trường ANM toàn cầu khoảng 124 tỷ USD. Nếu Việt Nam trở thành cường quốc về ANM thì chúng ta có thể chiếm tới 5% thị phần của thế giới (hơn 6 tỷ USD) trong vòng 3-5 năm tới. Nếu như ý thức về ATTT của các cá nhân, tổ chức, DN tăng lên, dần dần quy mô thị trường sẽ tăng lên theo sự phát triển của nhận thức đó.

Theo các chuyên gia đánh giá, để Việt Nam trở thành cường quốc về ANM, cần bảo đảm 3 yếu tố là thị trường phát triển, nguồn nhân lực và làm chủ công nghệ. Hiện nay, nước ta đang có những điều kiện thuận lợi làm “đòn bẩy” cho lĩnh vực ANM. Theo đó, Việt Nam có những sản phẩm sáng tạo, có những DN tiềm năng, những chuyên gia tầm cỡ ghi dấu ấn trên thế giới trong lĩnh vực ATTT.

Từ những ngày đầu tiên khi vi-rút máy tính mới bắt đầu phổ biến trên thế giới, Việt Nam đã có phần mềm diệt vi-rút hiệu quả. Ngày nay, những DN bảo mật, như: Tập đoàn công nghệ BKAV, Tập đoàn công nghệ CMC hay Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông-Quân đội (Viettel) đẩy mạnh tự nghiên cứu, tự sản xuất giải pháp theo dõi, giám sát ATTT. Các sản phẩm này đang từng bước thay thế những giải pháp bảo mật của nước ngoài do có những ưu điểm phù hợp với đặc thù Việt Nam.

Có thể nhận thấy, so với DN nước ngoài, DN ANM Việt Nam còn non trẻ nhưng nắm những lợi thế phát triển mà DN nước ngoài không có được. Đó là bởi DN Việt hiểu rất rõ nguy cơ nào, nhắm đến tổ chức, DN nào... từ đó, đưa trí tuệ của mình vào sản phẩm để phản ứng hiệu quả với các cuộc tấn công mạng. Ngoài ra, khi tấn công mạng xảy đến, nguồn lực tại chỗ chính là nguồn lực hiệu quả nhất để phản ứng, ngăn chặn, khắc phục sự cố tấn công thay vì chờ các chuyên gia nước ngoài.

Dù có nhiều lợi thế nhưng ANM Việt Nam vẫn chưa phát triển bứt phá. Hầu hết DN ATTT nước ta đang mới ở mức đi bán giải pháp ATTT, họ mua sản phẩm thương mại về bán thị trường trong nước, chỉ có ít tập đoàn công nghệ lớn làm ATTT thực sự, tức là tự mình xây dựng giải pháp, sản xuất sản phẩm, xây dựng đội ngũ chuyên gia riêng và hỗ trợ DN tại chỗ. Ngoài ra, số lượng nhân lực có trình độ chuyên môn tốt trong lĩnh vực ATTT chưa nhiều để đáp ứng quy mô thị trường. Chia sẻ rõ hơn về nguồn nhân lực ATTT, ông Hà Thế Phương, Phó tổng giám đốc Công ty An ninh ATTT CMC khẳng định, việc phát triển nguồn lực luôn là thách thức đối với các đơn vị nhà nước và công ty tư nhân hiện nay.

Chuyên viên bảo mật làm việc tại Trung tâm Điều hành an toàn, an ninh thông tin tỉnh Thái Bình. Ảnh: TRỌNG ĐẠT

Nhà nước hỗ trợ tạo thị trường an ninh mạng

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cần đẩy mạnh vấn đề an toàn bảo mật, phát triển DN ANM trong nước để Việt Nam trở thành cường quốc ANM. Thực hiện mục tiêu đó, định hướng trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trước hết phải tạo ra được một thị trường ANM tại Việt Nam. Muốn làm được điều này, các dự án đầu tư công nghệ thông tin phải có hạng mục an toàn, ANM.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó cục trưởng Cục ATTT đã làm rõ định nghĩa về một cường quốc an toàn, ANM. Đó là một nước có lực lượng dân sự về an toàn, ANM đông đảo, có DN trong lĩnh vực này mạnh để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và sẵn sàng phục vụ quốc phòng, an ninh khi có yêu cầu. Đề cập đến sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước đối với việc hiện thực hóa khát vọng trên, ông Nguyễn Huy Dũng cho hay, quan điểm của Cục ATTT sẽ không hỗ trợ các yếu tố đầu vào mà chỉ hỗ trợ các yếu tố đầu ra, tức là hỗ trợ DN phát triển, mở rộng thị trường. Sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước sẽ được thực hiện thông qua việc tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất đưa ra những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các DN có sản phẩm, dịch vụ tốt, phù hợp có thể phát triển thị trường. Cục ATTT cũng đề xuất yêu cầu mỗi cơ quan, tổ chức Nhà nước phải được một DN, tổ chức chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ bảo vệ, giám sát ATTT. Ngoài ra, cần có một DN, đơn vị khác hỗ trợ cung cấp dịch vụ kiểm tra, đánh giá rà soát định kỳ về ATTT mạng của hệ thống. Ví dụ, Bộ TT&TT thuê Viettel bảo vệ hệ thống thông tin thì đơn vị kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của hệ thống phải là một DN khác nhằm bảo đảm tính khách quan. Các hệ thống thông tin từ cấp độ 4 trở lên, một năm phải đánh giá hai lần; các hệ thống còn lại tối thiểu phải kiểm tra, đánh giá mỗi năm một lần. Ông Nguyễn Huy Dũng nhận định: "Với quy định trên, chúng tôi cho rằng sẽ giúp tạo ra được thị trường cung cấp các dịch vụ bảo vệ, giám sát ATTT và dịch vụ kiểm tra, đánh giá ATTT để DN có thể phát triển".

Theo Phó cục trưởng Cục ATTT, cơ quan Nhà nước chỉ tập trung làm một số ít việc, còn lại phải do hiệp hội và các DN làm là chủ yếu. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Huy Dũng chỉ rõ tồn tại đang gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường ATTT mạng Việt Nam, đó là sự “phá giá” dịch vụ. Nghĩa là cùng một dịch vụ với khối lượng công việc như nhau nhưng mỗi DN lại cung cấp mức giá khác nhau, chênh lệch nhau lớn. Theo ông Dũng, cần phải có cơ chế liên minh giữa các DN nhằm có sự thống nhất chung.

Đối với bài toán nhân lực của ngành ATTT, các chuyên gia trong lĩnh vực ANM cùng chung nhận định, chúng ta không thể mong có ngay lập tức đội ngũ ANM hùng hậu như các nước phát triển. Trước mắt, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nên đào tạo theo phương pháp "reskill và upskill", tức là đào tạo lại và nâng cao trình độ, cọ sát thực tế nhiều. Ngoài ra, người Việt Nam ở nước ngoài đông đảo, trong đó rất nhiều người thành đạt về công nghệ, có kinh nghiệm cũng như quan hệ quốc tế. Do đó, cần có chính sách thuyết phục, thu hút họ về lập nghiệp hoặc tham gia vào các công ty ANM ở Việt Nam.

Về phía DN, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ BKAV bày tỏ quan điểm: “Tôi tin mục tiêu trở thành cường quốc về ANM sẽ đạt hiệu quả”. Ông Quảng cho rằng, các DN ATTT làm chủ được công nghệ, thị phần sẽ dần dần đến. Ngoài ra, để sản phẩm ATTT nước nhà tiếp cận gần hơn đến tay khách hàng, các DN nên mạnh dạn cho người sử dụng dùng thử sản phẩm. Khi người dùng thấy sản phẩm tốt thì chính họ sẽ là người tham gia bán hàng cho DN, giới thiệu tới những người xung quanh sản phẩm tốt đó.

VŨ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/viet-nam-can-lam-gi-de-tro-thanh-cuong-quoc-an-ninh-mang-575091