'Việt Nam cần khuyến khích công nghệ sáng tạo'

'Việt Nam cần tạo điều kiện tốt nhất để khuyến khích công nghệ sáng tạo và thực hiện chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0', ông Toshio Iwamoto cho biết.

Ông Toshio Iwamoto, Chủ tịch, Giám đốc điều hành công ty NTT Data

Ông Toshio Iwamoto, Chủ tịch, Giám đốc điều hành công ty NTT Data

Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức tận dụng cơ hội" do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng 1/3, ông Toshio Iwamoto, Chủ tịch, Giám đốc điều hành công ty NTT Data, Nhật Bản cho hay: "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra sự kết nối của các doanh nghiệp khác nhau, kết nối thông qua không gian mạng, tự sản xuất, phân phối tới dịch vụ".

Do đó, Việt Nam cần tạo điều kiện tốt nhất để khuyến khích công nghệ sáng tạo. Việc thực hiện chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 là giải pháp chủ đạo cho việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội…

Tại Việt Nam, NTT Data đã có mặt từ cách đây hơn 10 năm, hiện tại, mỗi năm doanh nghiệp này thực hiện khoảng 80 triệu giao dịch và là đơn vị xây dựng hệ thống dữ liệu ứng dụng vào các dự án thông minh và cải cách hành chính như dự án VNACCS hệ thống thông quan tự động của Việt Nam.

Theo đại diện NTT Data, cả chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần nhận biết và nắm bắt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bằng việc học hỏi, áp dụng hay sáng tạo công nghệ, nhất là khuyến khích phong trào đổi mới sáng tạo tại các startup và các trường đại học.

Chuẩn bị nhân lực tương lai

Đồng quan điểm với ông Iwamoto, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Cần xây dựng nền tảng cho cách mạng công nghiệp 4.0 cả về thể chế, chính sách, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực."

Vẫn theo ông Cung, cần đặc biệt chú trọng đến việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó, tăng số lượng nhân lực ngành IT và mở các ngành đào tọ mới về AI, phân tích dữ liệu, mô hình hóa, tự động hóa. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều loại công việc mất đi thay thế bằng những công việc khác cần khả năng và nhân lực được đào tạo theo cách khác.

Việt Nam cần tập trung vào đột phá chiến lược để phát triển nguồn nhân lực, tập trung nhiều hơn vào đào tạo mang tính kỹ thuật, kỹ năng gắn với công việc dự báo cho tương lai thay vì đào tạo thiên về hướng nghiên cứu. Cụ thể là, "điều chỉnh chương trình đào tạo đại học theo hướng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp nhiều hơn", ông Cung nhận định.

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/viet-nam-can-khuyen-khich-cong-nghe-sang-tao-3495818.html