'Việt Nam cần đặt mục tiêu tăng trưởng vượt mức trước dịch Covid-19'

Giáo sư Andreas Stoffers - chuyên gia lĩnh vực ngân hàng tại Đức và Việt Nam - cho rằng Việt Nam cần đặt mục tiêu phục hồi kinh tế 'hình căn bậc hai', vượt mức trước dịch Covid-19.

Chuyên gia Andreas Stoffers là giáo sư tại Đại học quốc tế SDI Munich, đồng thời là giám đốc quốc gia tổ chức Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) của Đức tại Việt Nam. Trao đổi với Zing, ông đánh giá so với nhiều nước trên thế giới, năm 2020 là một năm thành công của Việt Nam.

Bởi Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế dương (2,91%) cho cả năm 2020 trong khi bóng đen tăng trưởng âm phủ lên các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Anh. Việt Nam giữ mức lạm phát ở mức 3,23%, nằm trong mục tiêu của Quốc hội.

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động đối phó với Covid 19 một cách thận trọng, kịp thời và không tạo áp lực lên nợ công.

 Kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương trong năm 2020, trong khi hàng loạt nền kinh tế lớn lao dốc. Ảnh: Quỳnh Danh.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương trong năm 2020, trong khi hàng loạt nền kinh tế lớn lao dốc. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sức bật đáng kể của nền kinh tế Việt Nam

Ông nhìn nhận thế nào về tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm quý I/2021?

Theo khảo sát của Phòng Thương mại Đức AHK vào quý IV/2020, có tới 55% công ty Đức đặt kỳ vọng Việt Nam sẽ phục hồi trong năm 2021. Về hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam, 50% trong số các công ty Đức được phỏng vấn vẫn kỳ vọng hoạt động kinh doanh tốt hơn vào năm 2021.

Việc Việt Nam tích cực tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) cũng như sự ra đời của Luật Đầu tư 2020 đóng vai trò quan trọng trong sự thành công về tăng trưởng kinh tế trong đại dịch. Điều này thể hiện cho thế giới thấy một Việt Nam rất hội nhập và cởi mở.

Đánh giá tổng quan quý đầu tiên của năm 2021, một lần nữa chúng ta chứng kiến tín hiệu phục hồi rõ ràng. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020 (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới).

Lĩnh vực bán lẻ tăng trưởng 8,3% trong tháng 1 và tháng 2 do tiêu dùng sôi động vào dịp Tết và vẫn đang tiếp tục giữ xu hướng tăng (theo Tổng cục Thống kê). Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong tháng 2 tăng gấp ba lần so với cùng kỳ 2020 (theo TCTK)

Giáo sư Andreas Stoffers. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm hạn chế. Ví dụ lần đầu tiên trong 10 tháng qua, Việt Nam nhập siêu do nhập khẩu tăng và xuất khẩu giảm (chủ yếu là ngành dệt may và da giày). Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc.

Sự phụ thuộc này gây rủi ro cho sản xuất theo hướng xuất khẩu thông qua các FTA. Hơn nữa, đầu năm 2021 chứng kiến mức lạm phát gia tăng và tăng trưởng tín dụng đang chậm lại. Tuy nhiên, đây rất có thể chỉ là tác động phụ của mùa Tết.

Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào sự phát triển ở nước ngoài. Vậy nên, trong bối cảnh khủng hoảng sẽ có một số câu hỏi cần suy nghĩ. Khi các nền kinh tế nước ngoài, ví dụ như Đức, đang gặp khó khăn do các đợt phong tỏa liên tiếp, thì ai và công ty nào sẽ sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam?. Người tiêu dùng từ thị trường nước ngoài đang giảm thu nhập, liệu có mua được hàng nhập khẩu từ Việt Nam?.

Tuy vậy, những thành tích trong năm vừa qua đã cho thấy sức bật đáng kể của nền kinh tế Việt Nam và chứng minh đất nước này có thể giữ con đường phát triển của mình bất chấp những điều kiện khó khăn. Điều này khiến tôi cảm thấy lạc quan cho tình hình kinh tế năm 2021.

Việt Nam có thể giữ con đường phát triển của mình bất chấp những điều kiện khó khăn

Giáo sư Andreas Stoffers

Có một điểm tiếp theo đáng lưu ý. Theo tôi, kể cả trong năm 2021, hoạt động đầu tư vào Việt Nam vẫn sẽ khó tận dụng được hết tiềm năng của mình. Bởi lẽ các doanh nghiệp EU vẫn tập trung chính trong khối EU, tại các nước lân cận và Mỹ. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nhân và nhà đầu tư tiềm năng ở nước ngoài vẫn chưa nhận thức được tác động tích cực của chính sách mở cửa của Việt Nam.

Vì vậy Việt Nam cần thực hiện những hành động, chiến dịch truyền thông và nâng cao nhận thức trong năm 2021. Tại Việt Nam, các cơ quan xúc tiến thương mại như VCCI, EuroCham và các Phòng Thương mại Quốc gia châu Âu (như tổ chức AHK của Đức) có thể đóng vai trò phổ biến thông tin trong các chiến dịch này.

Tôi cũng chia sẻ một điều quan trọng các công ty Việt Nam. Đó là hãy sử dụng tiềm năng từ hợp tác và thương mại với các công ty EU và Đức. Hãy trao đổi với EuroCham, Phòng Thương mại Đức (AHK) và Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA) tại Việt Nam.

Hãy ghé thăm các sự kiện kết nối do họ tổ chức, tham gia các hội chợ thương mại ở Đức, hãy tận dụng những cơ hội đó càng sớm càng tốt. Những buổi networking như vậy sẽ đưa tới cho bạn nhiều giá trị.

Cuối cùng, tôi tin rằng năm 2021 có thể trở thành một năm tuyệt vời đối với đất nước và con người Việt Nam.

Nhất quán về mở cửa và tự do hóa kinh tế

Từ những kết quả nói trên, ông nhận xét thế nào về hoạt động quản lý của chính phủ Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa rồi?

Theo tôi, hoạt động quản lý của Chính phủ Việt Nam rất đáng chú ý trong năm 2020 bởi những lý do sau. Thứ nhất, thông qua phản ứng nhanh chóng, can đảm và thận trọng, Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát được sự lây nhiễm của dịch bệnh. Chỉ có 35 người thiệt mạng vì Covid 19, hầu hết trong số họ có các bệnh lý đáng kể từ trước.

Thứ hai, trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới sụt giảm nghiêm trọng về kinh tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam duy trì ở mức dương. Thứ ba, trong khi nợ công bùng nổ ở các nơi khác (Đức 71%, Hy Lạp 205%, Italy 161%), nợ công của Việt Nam vẫn ở mức 55,3% GDP vào năm 2020 (theo số liệu từ Bộ Tài chính) và vẫn dưới mức trần của Quốc hội.

Về chính sách tiền tệ, Việt Nam đã sáng suốt trong việc kìm chế lạm phát do không đẩy nhiều tiền ra thị trường và không hạ mức lãi suất bằng 0. Vì vậy, nhà nước vẫn còn nhiều dư địa để điều hành nền kinh tế.

Hơn nữa, Việt Nam theo đuổi đường lối nhất quán về mở cửa và tự do hóa kinh tế, điều này được thể hiện rõ ràng qua việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định tự do như RCEP, EVFTA, UKVFTA và ban hành Luật Đầu tư mới (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021).

Vậy nên, trái ngược với mọi dự đoán sau khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, kim ngạch thương mại của Việt Nam đã tăng lên. Động lực lớn nhất là xuất khẩu đạt 6,5% (nhập khẩu đạt 3,6%), tạo ra thặng dư thương mại 19,1 tỷ USD.

Trong khi nợ công tại nhiều quốc gia bùng nổ, Việt Nam vẫn duy trì nợ công ở mức 55,3% GDP. Ảnh: Quỳnh Danh.

Là một chuyên gia từ nước ngoài, ông kỳ vọng gì ở chính phủ mới trong việc quản lý và phát triển kinh tế Việt Nam?

Bảng xếp hạng mới của Tổ chức Di sản Thế giới (World Heritage Foundation) đã phản ảnh khá chân thực về một số khía cạnh của kinh tế Việt Nam, trong đó có Chính phủ. Bảng xếp hạng cho thấy những điểm mà Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt và những điểm để cải thiện.

Lần đầu tiên, Việt Nam vươn lên và đạt nhóm nền kinh tế có “Chỉ số tự do kinh tế ở mức trung bình” và là quốc gia có điểm số tăng nhiều nhất kể từ khi World Heritage Foundation công bố chỉ số này vào năm 1995, cụ thể là tăng 20 điểm.

Tuy nhiên các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tài sản, sự minh bạch, tự do kinh doanh, và thương mại vẫn cần có sự cải thiện. Đó chính là những vấn đề mà chính phủ mới cần giải quyết trong thời gian tới đây.

Tự do kinh tế và sự tăng trưởng có quan hệ mật thiết với nhau. Việt Nam là một ví dụ điển hình cho điều này và đã được ghi nhận trên toàn thế giới. Những yếu tố then chốt cho sự phát triển của Việt Nam là chính sách thương mại cởi mở, tài chính công lành mạnh, chi tiêu chính phủ thấp, chính sách tiền tệ thận trọng, ít sự can thiệp của chính phủ và mức thuế thấp.

Tôi đánh giá đây là những điểm nổi bật của một Việt Nam hiện đại và cũng đến từ các giá trị cốt lõi của đất nước và con người Việt Nam.

Phục hồi "hình căn bậc hai"

Dự đoán của ông về kinh tế Việt Nam trong 9 tháng còn lại của năm 2021? Cơ hội và thách thức đối với chính phủ mới trong phát triển kinh tế?

Vào thời điểm tháng 3 năm 2020, tôi từng viết: "Tôi tin rằng Việt Nam sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng này". Vào thời điểm đó, đây là một dự đoán khá can đảm. Nhưng điều đó trở thành sự thật đối với Việt Nam trong năm giông bão của cuộc khủng hoảng toàn cầu 2020.

Theo quan sát của tôi, Việt Nam đã sử dụng một năm qua để thực hiện tất cả các bước quan trọng nhằm tái định vị đất nước trên trường quốc tế. Các bước này bao gồm sự tham gia vào hiệp định thương mại tự do nói trên cũng như các chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài và trong nước. Do đó, Việt Nam đã nhận được rất nhiều các dự báo lạc quan.

Theo dự đoán của BIDV, trong khi nền kinh tế toàn cầu sẽ mất từ 2 đến 4 năm để phục hồi, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP 6,5-7% vào năm 2021. Điều này mang lại một bước khởi đầu thuận lợi, đặc biệt là trong khu vực ASEAN.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách của Việt Nam (VEPR) đưa ra mức dự đoán thấp hơn một chút, từ 5,6-5,8%. Fitch Solutions thậm chí nâng mức kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 lên 8,6%.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được “thụ hưởng” thành quả. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trên thực tế, theo tôi mục tiêu của Việt Nam trong việc tái định vị nền kinh tế không phải là “phục hồi hình chữ V” như nhiều quốc gia khác hy vọng. Thay vào đó, nó nằm ở “sự phục hồi hình căn bậc hai (√)”, thể hiện việc không chỉ đạt được mức trước khủng hoảng mà còn phải vượt qua một cách rõ ràng để tiếp tục phát triển ở mức cao hơn.

Khuyến nghị của ông đối với Chính phủ để tiếp tục duy trì việc phát triển kinh tế và khắc phục những gì còn chưa tốt?

Thế giới tin tưởng rằng Việt Nam đã và sẽ tiếp tục vượt qua khủng hoảng. Nhưng cũng như năm trước, Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi việc cần đối mặt với những thách thức lớn trong năm 2021. Mục tiêu cần làm là tiếp tục phát triển kinh tế tích cực trong những năm qua và vươn lên mạnh mẽ hơn nữa từ những khó khăn kinh tế toàn cầu.

Theo tôi, có một số thành tố quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế trong năm 2021. Thứ nhất là tự do hóa thương mại và các hiệp định thương mại tự do. Thứ hai là chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng, khôn khéo. Thứ ba là Luật đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư.

Nếu tiếp tục thực hiện các chính sách này thì tôi không nghi ngờ gì vào việc Việt Nam sẽ tiếp tục câu chuyện thành công của mình vào năm 2021.

Minh Trân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viet-nam-can-dat-muc-tieu-tang-truong-vuot-muc-truoc-dich-covid-19-post1197483.html