Việt Nam cần chuẩn bị kỹ để vào thị trường châu Âu

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được thông qua đã mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu rộng lớn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để hàng hóa Việt có thể thâm nhập thị trường khó tính hàng đầu thế giới, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN) cần bắt tay vào nâng cao khả năng cạnh tranh của DN cũng như của nền kinh tế.

Nâng cao khả năng cạnh tranh

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, EVFTA có hiệu lực sẽ giúp các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào EU được giảm thuế. Tốc độ giảm thuế nhanh, thời gian giảm thuế với nhiều mặt hàng được thực hiện ngay lập tức. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ EVFTA, Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng kết nối DN.

Theo bà Lan, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Trong hơn 30 năm mở cửa, DN Việt vẫn làm gia công, không vươn lên được các vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, chứng tỏ năng lực kết nối hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần nâng cao khả năng kết nối doanh nghiệp, cũng như giữa Việt Nam với các nước khác.

“Các cơ quan chức năng cần cải thiện môi trường kinh doanh, hệ thống thể chế để nhà đầu tư từ EU yên tâm đầu tư vào Việt Nam. Nếu chúng ta không cải thiện hệ thống thể chế, không cải thiện được môi trường kinh doanh, chúng ta không chỉ không nắm được cơ hội mà còn chịu thách thức dội vào nặng nề hơn”, bà Lan nói.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho DN nhưng để tận dụng những cơ hội này kèm theo chi phí tuân thủ rất cao. Các doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, lao động, sở hữu trí tuệ hay kết nối với các kênh phân phối. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp cần chủ động, nắm bắt tốt thông tin, không chỉ là EVFTA mà còn thông tin về mở cửa thị trường hay các FTA khác.

Theo ông Thành, việc đáp ứng đòi hỏi từ thị trường EU là bài toán khó với DN Việt. DN cần học hỏi về mặt pháp lý để giảm thiểu tối đa chi phí tuân thủ, bởi có tuân thủ đúng mới có thể tận dụng tối đa cơ hội. Không chỉ thế, doanh nghiệp Việt Nam cần biết tự bảo vệ mình.

Cải cách thể chế, môi trường kinh doanh

TS Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực về cải cách, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Chính phủ và các hiệp hội phải đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) hiểu về pháp lý để tận dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ quyền lợi của mình khi làm ăn với thị trường EU. Cùng với các FTA khác, EVFTA giống như một chất xúc tác để nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Với mức độ hội nhập sâu rộng hiện nay, để tận dụng cơ hội từ EVFTA, Chính phủ cần giải quyết nhiều vấn đề như kết hợp hài hòa tất cả các tuyến hội nhập EVFTA với chiến lược phát triển mới của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

“Có rất nhiều đánh giá tích cực về hiệp định này. Tuy nhiên, các yếu tố tích cực chỉ thực sự trở thành hiện thực nếu Việt Nam nhìn nhận nó như một chất xúc tác để cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế. Sự tích cực cũng chỉ thành hiện thực nếu doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận nó đúng là cơ hội lớn và nỗ lực chuẩn bị một cách kỹ càng và nghiêm túc”, ông Thành đánh giá.

“Có rất nhiều đánh giá tích cực về hiệp định này. Tuy nhiên, các yếu tố tích cực chỉ thực sự trở thành hiện thực nếu Việt Nam nhìn nhận đây là một chất xúc tác để cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế. Sự tích cực cũng chỉ thành hiện thực nếu doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận nó đúng là cơ hội lớn và nỗ lực chuẩn bị một cách kỹ càng và nghiêm túc”.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá, EVFTA mở ra thị trường, mở ra nhu “cầu” mới cho sản xuất, xuất khẩu, đầu tư thông qua việc cắt giảm các dòng thuế, thủ tục xuất nhập khẩu, đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn. Tuy nhiên, quá trình thực thi EVFTA cần tránh bài học như quá trình thực thi WTO. Việc chậm trễ trong thực hiện luật hóa các cam kết, tháo gỡ những rào cản thị trường đã làm doanh nghiệp Việt không những không tận dụng tốt các cam kết mở cửa thị trường mà còn bị lép vế hơn DN FDI khi WTO có hiệu lực.

“Tôi thấy lo lắng về nguồn gốc xuất xứ… Hiện tại, các hàng rào kỹ thuật đã công bố công khai. Doanh nghiệp nếu muốn thâm nhập thị trường đều biết mình phải làm gì, tuân thủ các điều kiện gì, chi phí ra sao. Điều cần thiết là phải nghiên cứu kỹ để nắm rõ các quy định này, từ đó có kế hoạch và chi phí tuân thủ”, ông Cung cho biết.

Ngọc Linh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/viet-nam-can-chuan-bi-ky-de-vao-thi-truong-chau-au-1520193.tpo