Việt Nam cần cẩn trọng trước làn sóng đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2019 với tổng số vốn 723,2 triệu USD.

Doanh nghiệp Việt sẽ chịu nhiều sức ép trước làn sóng đầu tư từ Trung Quốc

Doanh nghiệp Việt sẽ chịu nhiều sức ép trước làn sóng đầu tư từ Trung Quốc

Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2019 của VEPR mới công bố cho thấy, tổng vốn đầu tư thực hiện của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 7,52% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng vốn đăng ký mới đạt mức 3,82 tỷ USD, tăng 80,1%. Vốn bổ sung cũng tăng 1,3 tỷ USD.

Trong quý I có tới 785 dự án cấp mới, trong đó ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo vẫn là nơi thu hút FDI lớn nhất với vốn chiếm tới 75,3%, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Một số dự án lớn trong quý I/2019 bao gồm dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hong Kong) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị 3,85 tỷ USD, dự án do Goertek (Hong Kong) đầu tư tại Bắc Ninh vào nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện với tổng vốn 260 triệu USD.

Ngoài ra còn có dự án Vinhtex tổng vốn đăng ký 200 triệu USD của Royal Pagoda Privte Limited (Singapore) với mục tiêu sản xuất vải và nhuộm vải dệt kim tại Nghệ An.

Xét về đối tác, trong quý 1/2019, Trung Quốc vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong quý 1/2019 với tổng số vốn 723,2 triệu USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Singapore với 690,8 triệu USD, Hàn Quốc 547,3 triệu USD, Hong Kong 456,4 triệu USD.

Sự vươn lên của FDI từ Trung Quốc được đánh giá là đã phần nào hiện thực hóa các dự báo của nhiều chuyên gia trong thời gian vừa qua về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nhằm né tránh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đón đầu hiệp định CPTPP.

Là một quốc gia láng giềng, Trung Quốc giờ đây không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất mà còn là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2019. PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR cho rằng điều này sẽ có những tác động rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Thế Anh

Theo đó, vai trò FDI của Trung Quốc đối với Việt Nam bên cạnh những tích cực đem lại về nguồn vốn, tạo việc làm và đóng góp cho tăng trưởng thì việc đầu tư ồ ạt từ quốc gia láng giềng cũng có thể kéo theo nhiều rủi ro.

Ông Anh nhận định, không chỉ các doanh nghiệp Việt mà các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay cũng một phần nhằm tận dụng những cơ hội mà Việt Nam có được khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do trên thế giới.

Khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế, yêu cầu xuất xứ hàng hóa, sản phẩm là rất cao. Do đó, các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất như dệt may, sẽ gây sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt.

“Nếu các doanh nghiệp Việt không làm tốt, không cạnh tranh tốt thì những lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do có thể sẽ bị rơi vào tay các doanh nghiệp Trung Quốc”, ông Anh cho biết.

Một rủi ro khác là vấn đề môi trường. Ông Anh lý giải, tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam khá thấp so với các nước khác trên thế giới, chính vì vậy, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sẽ có nguy cơ gây ra nhiều vấn đề. Thực tế đã chứng minh điều đó.

Ngoài ra, cần cẩn trọng với thực trạng các doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam thường mang theo máy móc, nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc có thể sẽ tăng lên khi các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác nhưng lại nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Nếu không kiểm soát tốt, các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam có thể nhập khẩu các nguyên vật liệu, hàng hóa vi phạm cam kết của Việt Nam đối với xuất xứ sản phẩm trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia”, ông Anh cảnh báo.

Ngoài ra, vấn đề về lao động từ Trung Quốc vào Việt Nam, theo chuyên gia của VEPR, cũng cần được kiểm soát tốt hơn.

Vị chuyên gia đến từ VEPR cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/viet-nam-can-can-trong-truoc-lan-song-dau-tu-o-at-tu-trung-quoc-1554984332023.htm