Việt Nam - Campuchia: Nâng tầm quan hệ, hướng tới tương lai

Cách đây nửa thế kỷ, vào năm 1967, Việt Nam và Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện chính trị trọng đại này là một mốc son trong lịch sử mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống gắn bó nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng ở mỗi quốc gia. Vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những biến cố của thời đại, mối quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng trở nên khăng khít, bền chặt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia từ ngày 20 đến 22-7-2017. Ảnh: Xuân Hiếu

50 năm gắn bó hai dân tộc láng giềng

Ngày Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, 24-6-1967, đã đi vào lịch sử hai nước như một sự kiện trọng đại, mở ra một chương mới trong quan hệ hai bên, gắn bó vận mệnh của hai dân tộc láng giềng. Trước đó một ngày, trong bức điện gửi tới Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk ngày 23-6-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu. Đó là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc gìn giữ hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á”.

Trên nền tảng quan hệ lịch sử lâu đời và từ cuộc đấu tranh chống thực dân, việc thiết lập quan hệ ngoại giao đã tạo nên điều kiện thuận lợi để nhân dân Việt Nam và Campuchia tiếp tục sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và cùng giành thắng lợi lịch sử vào mùa Xuân 1975. Thế nhưng, tập đoàn Pôn Pốt đã phản bội chiến thắng của nhân dân Campuchia với tham vọng thiết lập mô hình diệt chủng “Campuchia Dân chủ” đã ra tay giết hại hàng triệu người dân Campuchia.

Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân và dân Việt Nam lại tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng yêu nước và nhân dân Cam-pu-chia giải phóng đất nước, cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ Pôn Pốt diệt chủng, ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại và mang lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp, vì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Những bước tiến dài trong quan hệ hữu nghị, hợp tác

Sau ngày giải phóng đất nước (7-1-1979), nhờ có sự ủng hộ, giúp đỡ hết sức mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam anh em và của các nước bè bạn khác, Campuchia đã có cơ hội khôi phục, xây dựng và phát triển đất nước như hôm nay. Quan hệ và hợp tác song phương giữa hai nước đã và đang đạt được nhiều thành quả trên nhiều lĩnh vực như kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch, giáo dục, khoa học và thương mại. Công tác phân giới, cắm mốc biên giới giữa hai nước đã gần hoàn tất. Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài trên hầu hết các lĩnh vực, tạo dấu ấn mạnh mẽ thông qua các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai bên.

Chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen năm 1998 tới Việt Nam được đánh giá là đã làm thay đổi sâu sắc diện mạo quan hệ Việt Nam - Campuchia, bởi nhà lãnh đạo Campuchia đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Liên hiệp khóa II, cho thấy sự ưu tiên đối với Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Campuchia. Trong khi đó, nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tới Campuchia năm 1999, lãnh đạo hai nước đã trao đổi sâu rộng các vấn đề cùng quan tâm và nhất trí phương châm phát triển quan hệ toàn diện lên tầm cao mới đi vào thực chất, hiệu quả, thiết thực.

Trong những năm qua, nhằm tiếp tục củng cố và phát huy quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài, Việt Nam và Campuchia duy trì thường xuyên các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao. Điển hình là các chuyến thăm Campuchia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2011), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2012, 2014), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2010), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2014), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (2016), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2017)...

Về phía Campuchia là các chuyến thăm Việt Nam của Thái thượng hoàng Norodom Sihanouk (2010), Quốc vương Norodom Sihamoni (2012, 2015), Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Chea Sim (2008), Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin (2012, 2015, 2017), Thủ tướng Chính phủ Hun Sen (2012, 2013, 2016, 2017)...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen duyệt đội danh dự QĐND Việt Nam trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam ngày 20-12-2016. Ảnh: CTV

Cùng hướng tới tương lai

Tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia đã được tôi luyện qua những năm đấu tranh giành độc lập, tự do, đánh đổ tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt và ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại. Đây là cơ sở, nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục phát huy trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia luôn sát cánh cùng nhau hợp tác trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, chân thành hỗ trợ nhau cùng phát triển. Campuchia hòa bình, phát triển thịnh vượng trong khu vực Đông Nam Á ổn định và phát triển cũng chính là lợi ích của Việt Nam.

Với lịch sử đoàn kết gắn bó, hữu nghị truyền thống, kịp thời giúp đỡ lẫn nhau trong suốt nửa thế kỷ qua, quan hệ Việt Nam - Campuchia có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, toàn diện trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp và có nhiều thế lực đang ra sức chống phá quan hệ Việt Nam - Campuchia hiện nay, quan hệ Việt Nam - Campuchia sẽ được nâng lên tầm cao mới, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Hướng Dương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/viet-nam-campuchia-nang-tam-quan-he-huong-toi-tuong-lai/