Việt Nam cam kết cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định như vậy tại Hội nghị về Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và Tăng cường khả năng chống chịu nông nghiệp với biến đổi Khí hậu ở Việt Nam, diễn ra sáng 13-10, tại Hà Nội. Ngay sau hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu đã quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua tại các tỉnh phía Bắc.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu ủng hộ người dân vùng bị thiệt hại do mưa lũ. Ảnh: Bích Nguyên

Hội nghị do Ủy ban Quốc gia về Phòng chống thiên tai (UBQG PCTT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức, có sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực phòng chống thiên tai tại Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13-10).

Hội nghị đã thảo luận các phương án chính sách để giảm nhẹ tác động của thiên tai, đặc biệt liên quan tới năng lực thể chế và các giải pháp tài chính. Việt Nam là đất nước dễ chịu ảnh hưởng của thiên tai với hơn 70% dân số quốc gia phải đối mặt với các rủi ro từ nhiều loại hình thiên tai.

Thiên tai trong những năm gần đây xảy ra ngày càng khốc liệt và diễn biến bất thường, điển hình là trận lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái và một số tỉnh lân cận vào giữa tháng 9 đã làm 44 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính 55 triệu USD.

Gần đây nhất, trong 2 ngày 9 và 10-10, đợt mưa lũ trên diện rộng tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã gây hậu quả nặng nề trên địa bàn rộng lớn, mực nước sông nhiều nơi vượt mức đỉnh lũ lịch sử. Tính đến 17 giờ ngày 12-10, đợt mưa lũ đã làm 80 người chết và mất tích và gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Thiên tai đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, theo thống kê, trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam đã làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP. Trong đó, ngành nông nghiệp được đánh giá dễ bị tổn thương nhất trước tác động của hầu hết các loại hình thiên tai.

Trong các trường hợp có thiên tai lớn, mức độ thiệt hại có thể vượt trên 4% GDP. Biến đổi khí hậu được dự báo là sẽ làm tăng tác động của thiên tai, đặc biệt về thời gian, tần suất, độ nghiêm trọng và cường độ của các sự kiện khí tượng thủy văn.

“Thực tế này đòi hỏi hàng chục triệu người Việt Nam phải chung sống, thích nghi với thiên tai. Việt Nam cũng đã ưu tiên, dành nhiều nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là đầu tư cho các công trình hạ tầng, các công trình phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết tại hội nghị.

Phó Thủ tướng khẳng định, sự hợp tác giữa các vùng, các khu vực, các quốc gia và các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới và các tổ chức, cơ quan của Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực cho ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường, thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nước có sự phát triển thiếu đồng bộ về nhiều mặt. Vì thế, công tác phòng, chống thiên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quan trọng, quyết định đến quy mô, tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Công tác này đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, bên cạnh các kinh nghiệm truyền thống, cần tiếp tục phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu và đặc biệt là tăng cường, phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp. Hoạt động về phòng, chống thiên tai cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương.

Chính vì vậy, chương trình “Hội nghị về Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và Tăng cường khả năng chống chịu nông nghiệp với biến đổi Khí hậu ở Việt Nam” nhằm đánh dấu Ngày quốc tế Giảm nhẹ thiên tai với chủ đề “Nhà nhà an toàn: Giảm rủi ro và sơ tán khi có thiên tai” là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại, cùng chia sẻ, cùng hành động để hướng tới một tương lai an toàn hơn, cùng nhau hành động, tăng cường liên kết nỗ lực chung các bên trong giảm thiểu tác động, nâng cao an toàn cho cộng đồng, người dân trước thiên tai.

Việt Nam hiện đối mặt với một số thách thức chính trong quản lý rủi ro thiên tai, bao gồm sự phân tán về thể chế, các quy trình quy hoạch ngành thiếu hiệu quả, và không có một chiến lược hiệu quả về chi phí để đảm bảo về tài chính.

Tại hội nghị, các đoàn đại biểu đã thảo luận một số giải pháp để giải quyết những thách thức, bao gồm việc phân định rõ và tập hợp trách nhiệm trong quản lý rủi ro thiên tai giữa các cơ quan và việc hình thành những hệ thống mạnh mẽ để chuẩn bị và ứng phó với thiên tai. Các thực tiễn tốt nhất trên thế giới qua các kinh nghiệm và ví dụ từ các nước và các bộ ngành cho thấy việc hoạch định và thực hiện có hiệu quả phải bắt đầu từ việc có được các chính sách đúng đắn.

Trong ngày hôm nay, hội nghị sẽ trình bày các phát hiện chính của báo cáo, hướng tới quản lý rủi ro tổng hợp và thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn ở Việt Nam, trong đó báo cáo đã có những phản ánh đặc biệt về đợt hạn hán kéo dài trong năm 2015 và 2016 để mô tả sự sự cần thiết phải có một phương cách quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp.

Một chương trình hỗ trợ kỹ thuật mới về thích ứng trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm - được hỗ trợ bởi Quỹ Tín thác của nhiều nhà tài trợ cho Chương trình Ứng phó với khủng hoảng giá lương thực cũng đã được ra mắt tại hội nghị này.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tôi cam kết Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các hoạt động phòng, chống thiên tai được triển khai một cách hiệu quả và thuận lợi với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng của nhân dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản cùng với đó có các giải pháp để Việt Nam có thể ứng phó có hiệu quả trước các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu".

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/viet-nam-cam-ket-cung-cong-dong-quoc-te-ung-pho-voi-thien-tai-bien-doi-khi-hau/